Vụ Trung tâm đăng kiểm ở Bình Dương: Nhận tiền ‘bồi dưỡng’ để... thu hút khách hàng (?!)

(PLO)- Các bị cáo tại trung tâm đăng kiểm khai nhận tiền ‘bồi dưỡng’ từ chủ các phương tiện để cải thiện đời sống và thu hút khách hàng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 10-9, TAND tỉnh Bình Dương tiếp tục xét xử vụ án nhận hối lộ liên quan đến Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 61.08D (phường Tân Định, TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương).

Trung tâm đăng kiểm (2).jpg
Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ án nhận hối lộ liên quan đến Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 61.08D. Ảnh: KD

Quá trình diễn ra phiên xử, tình tiết đáng chú ý là HĐXX cho rằng 2 người liên quan (là nhân viên của Trung tâm chưa bị khởi tố), có nhận tiền từ "quỹ đen" và có trong nhóm zalo và telegram nên biết rõ việc nhận tiền "bồi dưỡng" của các chủ phương tiện để bỏ qua lỗi vi phạm. Tuy nhiên cáo trạng của VKS lại không truy tố những người này.

Để tránh bỏ lọt tội phạm và có sự công bằng cho các bị cáo khác. HĐXX đề nghị đại diện VKS có ý kiến.

Tại tòa, đại diện VKS cho rằng cơ quan điều tra và VKS đã xác định rõ vai trò của từng người trong vụ án.

Mọi hồ sơ, chứng cứ và lời khai đều có đủ căn cứ để xác định mức độ vai trò của từng người trong vụ án này. Chính vì thế, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố như cáo trạng đã nêu.

Cuối ngày, HĐXX đã cho nghị án kéo dài để xem xét có hay không vai trò đồng phạm của một số nhân viên của Trung tâm. Trong phiên tòa diễn ra vào ngày 17-9 tới đây sẽ quyết định việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tiếp tục xét xử.

Quanh co, trả lời lòng vòng

Trong phần xét hỏi, các bị cáo đều thừa nhận hành vi của mình là sai. Tuy nhiên, khi HĐXX hỏi thì một số bị cáo vẫn quanh co, trả lời lòng vòng.

Cụ thể, một trong số các bị cáo đã lập nhóm zalo và telegram, trong các nhóm này đều có đầy đủ lãnh đạo và nhân viên của Trung tâm.

Trung tâm đăng kiểm (1).jpg
Các bị cáo trả lời các câu hỏi của HĐXX. Ảnh: KD

Nội dung trao đổi trong các nhóm này có liên quan đến việc nhận tiền “bồi dưỡng” để bỏ qua các lỗi vi phạm của các phương tiện.

Tuy nhiên, một số bị cáo cho rằng không nhận thức được vấn đề này là sai. Không biết số tiền có được là vì lý do gì.

Đáng chú ý, bị cáo Trần Thị Ngọc Huyền là người thu tiền đăng kiểm kiêm người giữ "quỹ đen" của Trung tâm cho rằng mình chỉ biết nhận tiền và chi tiền. Còn việc tiền có từ đâu, có phải là bỏ qua lỗi vi phạm hay không thì không biết. Khi HĐXX tiếp tục hỏi thì Huyền thừa nhận mình biết việc này và cũng có nhận tiền từ quỹ này.

Ngoài ra, các bị cáo còn thừa nhận việc nhận tiền “bồi dưỡng” từ các chủ phương tiện đều được thống nhất trong các cuộc họp. Tại các cuộc họp chung đều đã thống nhất nhận tiền tùy theo từng phương tiện.

Nhận “bồi dưỡng” để thu hút khách hàng và cải thiện đời sống

Tại phiên tòa, bị cáo Lê Minh Quang (Phó Giám đốc phụ trách, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 61.08D) cho rằng, việc nhận tiền “bồi dưỡng” đều đã được thống nhất cho toàn thể lãnh đạo và nhân viên của Trung tâm. Việc này để chi thêm cho nhân viên ăn uống, xăng xe và cải thiện đời sống. Ngoài ra, bị cáo Quang còn khai rằng, làm như vậy để tạo điều kiện cho các chủ xe, từ đó thu hút thêm nhiều khách hàng cho Trung tâm.

Các bị cáo khác còn khai nhận, nhận tiền “bồi dưỡng” thông qua việc chuyển khoản.

Bị cáo Đinh Thế Sơn khai rằng, nhận tiền của các chủ xe qua tài khoản cá nhân. Sau đó trích một phần nộp theo “quy định” cho Trung tâm, số còn lại thì giữ lại cho cá nhân.

Tại phiên tòa, HĐXX xét hỏi đối với một số chủ phương tiện đã đăng kiểm tại Trung tâm này. Các chủ phương tiện đều thừa nhận có chi tiền “bồi dưỡng” cho các đăng kiểm viên để bỏ qua lỗi vi phạm.

HĐXX cũng xét hỏi một số nhân viên của Trung tâm (không bị khởi tố), các nhân viên này cũng đều nhận tiền từ quỹ của Trung tâm.

Tuy nhiên, có người không biết tiền từ đâu mà có, chỉ biết là Trung tâm hỗ trợ xăng xe. Có người thì biết nhưng nhận số tiền rất ít…

Theo cáo trạng, 11 bị cáo bị truy tố về tội nhận gồm: Lê Minh Quang (Phó Giám đốc phụ trách), Nguyễn Mạnh Tường (Phó Giám đốc); các đăng kiểm viên Hoàng Thanh Phương, Lê Thái Quốc Cường, Nguyễn Xuân Nhàng, Đinh Thế Sơn, Đoàn Phước Tấn; Hồ Hoàng Hải (Trưởng phòng nghiệp vụ) và các nhân viên nghiệp vụ Trần Thị Ngọc Huyền, Nguyễn Ngọc Hoàng An, Hà Quốc Tuấn.

Từ tháng 7-2020 đến tháng 10-2022, các bị cáo trên đã cấu kết chặt chẽ với nhau, cùng thống nhất thực hiện việc nhận tiền của các chủ phương tiện hoặc tài xế để bỏ qua lỗi kỹ thuật của phương tiện xe cơ giới trong quá trình kiểm định, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; nghiệm thu xe cơ giới cải tạo. Tổng số tiền nhận hối lộ của các bị cáo khoảng hơn 100 triệu đồng.

Theo điều tra, các bị cáo biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vì lợi trước mắt nên vẫn thực hiện.

Đáng chú ý, Lê Minh Quang (Phó Giám đốc phụ trách) đã chỉ đạo các đăng kiểm viên, nhân viên thực hiện việc nhận tiền của chủ phương tiện để bỏ qua lỗi kỹ thuật…

Bên cạnh đó, ông Quang chỉ đạo việc lập “quỹ đen” từ nguồn tiền nhận hối lộ để chia cho các nhân viên trong trung tâm.

Ngoài ra, còn có một số nhân viên tại trung tâm trên có nhận tiền từ “quỹ đen” nhưng không trực tiếp tham gia việc đăng kiểm bỏ qua lỗi kỹ thuật của phương tiện, không trực tiếp nhận tiền hối lộ, không gợi ý, thỏa thuận với chủ phương tiện. Toàn bộ số tiền nhận từ “quỹ đen” đều đã nộp lại nên không xem xét xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm