Ngày 10-7, nguồn tin PLO cho biết Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Khánh Hòa đã có thông báo kết luận buổi tiếp công dân vụ dân kiện chủ tịch TP Nha Trang vì đưa đất đang sử dụng vào đất công ích 5%.
Chính quyền không nhất quán về nguồn gốc đất
Theo đó, ngày 13-6, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa tổ chức tiếp công dân đối với bà Trần Minh Thu là người đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Văn Lụm và bà Lê Thị Thôi (ngụ ở xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang) về việc kiến nghị giám sát thi hành bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng.
Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa tiếp công dân về khiếu nại của gia đình ông Lụm. Ảnh: H.H |
Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thi hành bản án theo đúng quy định pháp luật.
Buổi làm việc có sự tham dự của đại diện Thường trực, Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Ban Nội chính, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, VKSND, Cục Thi hành án dân sự, TAND và các sở ngành liên quan của tỉnh Khánh Hòa.
Tại buổi làm việc, ông Phan Bạch Mai, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa, có ý kiến rằng bản án phúc thẩm đã có hiệu lực thi hành.
Lập trường của UBND TP Nha Trang không nhất quán về nguồn gốc thửa đất 297. Cụ thể, lúc đầu khẳng định đất là đất 5%, nhưng sau khi có bản án lại khẳng định không phải là đất 5% mà là đất công. Tuy nhiên, tài liệu tái thẩm lại khẳng định là đất 5%.
Theo ông Mai, đại diện UBND TP Nha Trang và UBND xã Vĩnh Ngọc đã không tham dự phiên tòa. Mặc khác, tòa án đã quy định việc cung cấp các tài liệu, chứng cứ trong quá trình xét xử vụ án nhưng hai cơ quan này không thực hiện.
“Trong vụ việc này đã có nguồn gốc đất từ năm 1900 với 14 ngôi mộ trên đất. Nhưng tại sao đến năm 2018, chính quyền địa phương mới đưa vào sổ mục kê để xác định đây là đất 5%? Có phải đây là một hình thức đối phó”- ông Mai đặt nghi vấn.
Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa cho rằng về nguyên tắc bản án đã có hiệu lực thì các cá nhân, tổ chức phải thi hành để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Cũng theo ông Mai, việc UBND TP Nha Trang cung cấp tài liệu, chứng cứ để xem xét theo thủ tục tái thẩm là ý kiến từ phía người bị kiện. Hiện, các cơ quan có thẩm quyền chưa xác nhận và có văn bản chỉ đạo tạm dừng, tạm đình chỉ thi hành án.
Sẽ kiến nghị xử lý trách nhiệm công vụ
Sau khi nghe ý kiến của người dân và các cơ quan, ông Hà Quốc Trị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội, đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP Nha Trang, UBND xã Vĩnh Ngọc và các cơ quan liên quan tiếp tục tổ chức thi hành bản án.
Thửa đất 297 tại xã Vĩnh Ngọc bị đưa vào đất 5%. Ảnh: H.H |
Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp, phân tích, đánh giá và có văn bản kiến nghị cơ quan Trung ương xem xét, xử lý trách nhiệm công vụ của các cơ quan liên quan về việc thi hành bản án trong trường hợp bản án không được tổ chức thi hành theo quy định của pháp luật.
Trước đó, VKSND Tối cao sau khi xem xét hồ sơ vụ án và văn bản của UBND TP Nha Trang đã có thông báo không kháng nghị giám đốc thẩm vụ án hành chính đối với bản án của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng.
Cơ quan này xét thấy thửa đất 297 có nguồn gốc do ông nội ông Lụm nhận chuyển nhượng có Cự khế (khế ước- mua bán) bản gốc và bản dịch thuật hợp pháp đầy đủ. Sau đó, thửa đất được tặng cho lại cho vợ chồng ông Lụm tiếp tục canh tác cho đến nay.
Về chứng cứ chứng minh thửa đất 297 không phải là đất công ích 5%, VKS Tối cao cho biết kết luận thanh tra ngày 20-1-2017 của Thanh tra tỉnh Khánh Hòa có thống kê chi tiết các thửa đất công ích 5% của xã Vĩnh Ngọc hoàn toàn không có thửa đất 297.
Ngoài ra, VKSND Tối cao cũng cho rằng trước tháng 7-2018, thửa đất 297 vẫn là đất của gia đình ông Lụm quản lý, sử dụng ổn định, không phải đất công ích 5%. Vì trước thời điểm này thửa đất trên không có trong danh sách đất công và không do xã Vĩnh Ngọc quản lý.
VKSND Tối cao khẳng định đất của gia đình ông Lụm quản lý, sử dụng ổn định nhưng UBND xã Vĩnh Ngọc và TP Nha Trang đưa vào đất công ích 5% từ tháng 7-2018 là không đúng với quy định của Luật đất đai năm 2013.
"Việc làm của UBND xã Vĩnh Ngọc và UBND TP Nha Trang là trái với quy định tại khoản 1 Điều 132 Luật đất đai năm 2013, xâm phạm đến quyền lợi của gia đình ông Lụm"- thông báo nêu.
Theo bản án, ông Nguyễn Văn Lụm khiếu nại vì cho rằng được thừa hưởng thửa đất 297, 324. Gia đình ông canh tác, sử dụng liên tục từ trước đến nay trên thửa đất 297, riêng thửa đất 324 có 14 ngôi mộ của gia tộc ông.
Những ngôi mộ có từ 1900 nằm trên thửa đất. Ảnh: H.H |
Năm 2017, ông Lụm nhiều lần làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, UBND xã Vĩnh Ngọc trả lời không cấp được vì đất thuộc đất công ích 5%.
Sau nhiều lần khiếu nại, khiếu kiện, ngày 21-1-2021, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông.Tòa phúc thẩm yêu cầu hủy hai quyết định giải quyết đơn khiếu nại của chủ tịch UBND TP Nha Trang và xã Vĩnh Ngọc. Đồng thời, buộc UBND xã Vĩnh Ngọc và TP Nha Trang xác định thửa đất 297 không thuộc đất công ích 5%; yêu cầu hai cơ quan này xem xét, căn cứ vào tài liệu, hồ sơ xác định quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.
VKSND tỉnh Khánh Hòa sau đó xét thấy Chủ tịch UBND TP Nha Trang đã không tự nguyện thi hành bản án đã có văn bản đôn đốc. Tuy nhiên, UBND TP Nha Trang cho rằng UBND xã Vĩnh Ngọc cũng có thông báo hủy quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 của ông Lụm và xác định thửa đất 297, tờ bản đồ số 5 xã Vĩnh Ngọc không thuộc đất công ích 5% nhưng thuộc đất do xã quản lý. Đồng thời, TP Nha Trang đã có thông báo hủy quyết định giải quyết khiếu nại lần 2. Do đó, cơ quan này nói đã thi hành bản án.