Ông Park Hyung-joong, thuộc Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, cho biết việc xử lý ông Jang là một phần của cuộc đấu tranh quyền lực giữa các phe phái trong quân đội vốn bị ông Jang tước bỏ những hoạt động làm ăn béo bở. Ông Park cho rằng thế lực đằng sau lợi dụng ông Kim Jong-un trừ khử ông Jang nhằm giành quyền kiểm soát lại những hoạt động sinh lợi cho mình.
Đại sứ của Đức tại Triều Tiên Thomas Schafer cũng cho rằng ông Kim Jong-un bị quân đội ép buộc xử tử người dượng và nhà lãnh đạo trẻ “không có lựa chọn nào khác”.
Các chuyên gia tin rằng ông Kim Jong-un đang bị kiểm soát như một con rối. Ảnh: REX
Nghi vấn ông Kim Jong-un đang bị kiểm soát như một con rối khiến Hàn Quốc càng lo ngại nguy cơ đối mặt với những khiêu khích quân sự từ chính quyền Bình Nhưỡng. Nếu điều đó đúng thì quân đội Triều Tiên đang là lực lượng nắm quyền lực mạnh nhất trong vụ trừ khử ông Jang.
“Nếu có một nhóm các nhân vật quyền lực điều khiển ông Kim Jong-un thì đó cũng là điều dễ hiểu. Họ lợi dụng tính hợp pháp của ông vì là hậu duệ của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành” - một chuyên gia phân tích.
Một câu hỏi đặt ra là tại sao ông Kim Jong-un lại mạo hiểm làm suy yếu đi nền tảng hỗ trợ của mình bằng cách loại bỏ người dượng đầy quyền lực? Những tội danh của ông Jang như phá hoại kinh tế và điều kiện sống của người dân Triều Tiên, âm mưu lật đổ chính quyền... đều là những lời lăng mạ trực tiếp đến sự thiêng liêng của người lãnh đạo và được coi là điều cấm kị ở nước này.
Trong khi đó, ông Paek Se-bong, quan chức cấp cao quân đội Triều Tiên và có quan hệ thân cận với ông Jang, có thể đã trốn khỏi đất nước này để tránh bị thanh trừng. Đài NHK (Nhật Bản) cho rằng các quan chức cấp cao Triều Tiên có quan hệ với ông Jang đang tìm cách đào tẩu sang Hàn Quốc.
Sau vụ thanh trừng người dượng của ông Kim Jong-un, người dân Trung Quốc có ấn tượng xấu về Triều Tiên. Một số người lo lắng Triều Tiên sẽ chấm dứt hợp đồng cho Trung Quốc thuê bến tàu tại cảng Rajin 50 năm, số khác lại cảm thấy bất an vì không lường trước được bước đi của ông Kim Jong-un.
Theo một chuyên gia, nhóm các nhân vật quyền lực điều khiển ông Kim Jong-un để lợi dụng tính hợp pháp của ông này vì là hậu duệ của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành. Ảnh: REX
Trong khi đó, Triều Tiên và Hàn Quốc đã tổ chức cuộc gặp ngày 19-12 để nối lại cuộc đàm phán liên quan đến Khu công nghiệp chung Kaesong. Đây là lần đầu tiên liên Triều có cuộc họp sau vụ thanh trừng ông Jang.
Phát biểu với các nhà báo trước khi qua biên giới, trưởng phái đoàn Hàn Quốc Kim Ki-Woong nói: "Chúng tôi sẽ đánh giá việc thực thi những gì từng được nhất trí và tiến hành các nhiệm vụ liên quan đến việc phát triển tổ hợp công nghiệp chung Kaesong".
Dự kiến, một phái đoàn ngoại giao gồm 20 bộ trưởng thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) chiều cùng ngày cũng sẽ đến thăm Kaesong.
Cùng ngày, ngôi sao bóng rổ người Mỹ Dennis Rodman sẽ đến Triều Tiên với dự định huấn luyện cho đội tuyển bóng rổ nước này.
Theo H.Bình (NLĐO / The Chosun Ilbo, Global Times, NHK)