Quang cảnh rừng treo trên núi đá vôi. Ảnh: MQ
Vườn treo “rộng nhất hành tinh”
Nếu vườn treo Semiramit của xứ Babylon (Lưỡng Hà cổ đại) được xây dựng khoảng năm 600 trước Công nguyên bằng bàn tay con người thì vườn treo ở Phong Nha-Kẻ Bàng đã có tuổi đời từ khoảng 450 triệu năm trước. Nó cổ xưa hơn cả những hiểu biết của con người với khu vực này. Ở độ cao từ 800 m đến 1.213 m là một hệ thống vườn treo khổng lồ ẩn giấu kỳ hoa dị thảo không chỉ của xứ nhiệt đới mà còn mang màu sắc ôn đới.
Năm 1966, nhà địa chất người Pháp Pierre G công bố: “Núi đá vôi chiếm phần lớn diện tích trong Phong Nha-Kẻ Bàng. Đây chính là khối núi đá vôi liên tục rộng lớn nhất của Việt Nam, phần trải rộng sang Lào có diện tích khoảng 200.000 ha. Nếu tính toàn bộ khối núi đá vôi liên tục cả về phía Việt Nam và Lào thì đây là một trong những khối núi đá vôi rộng lớn nhất hành tinh. Tại đây, các dãy núi đá vôi phát triển hầu như liên tục, thành phần tương đối đồng nhất, độ dày trên 1.000 m”.
Nó được hình thành từ biển Đông, các vận động kiến tạo đã đẩy đáy biển nhô lên và “nhào nặn” thành núi non kỳ vĩ nơi này. Địa hình núi đá vôi bị chia cắt rất mạnh với những vách đá dựng đứng, xếp lớp, đỉnh lởm chởm, thường kèm theo quá trình karst do hòa tan và ngưng đọng carbonat hình thành nên các nhũ đá, măng đá, nấm đá, chuông đá, cột đá đa dạng, phức tạp, đẹp kỳ diệu trong các hang động. Nhiều nơi đá bị mài mòn tạo nên những cổng trời, rừng đá, cầu đá, giếng đá rất kỳ thú. Giữa các vách đá thường là các thung kín dài và nhỏ, rộng khoảng 20-100 m. Trong vùng núi đá vôi hầu như không có sông suối trên bề mặt mà chỉ thấy ở vành ngoài. Những mắt hút rải rác trong các thung đưa nước thoát theo các sông ngầm.
Các đỉnh núi cao điển hình trên 800 m tạo thành một dải gần như liên tục dọc biên giới Việt-Lào, trong đó có các đỉnh nhô cao tới trên 1.000 m; đỉnh cao nhất của của VQG Phong Nha-Kẻ Bàng là đỉnh Co Preu (1.213 m). Vùng karst này còn chứa nhiều bí ẩn, nhiều nơi chưa hề có dấu chân người đặt tới. Đặc biệt nó nằm ở miền phân thủy giữa hai hệ thống sông Xê Băng Hiêng và Xê Băng Phai chảy vào sông Mê Kông và hệ thống sông Son, sông Gianh, sông Đại Giang để ra biển Đông. Tài liệu của UNESCO ghi nhận như thế. Nó cũng là yếu tố quyết định hình thành vườn thượng uyển độc đáo bậc nhất Việt Nam.
Bách xanh núi đá. Ảnh: TƯ LIỆU
Cảnh quan ôn đới giữa xứ nhiệt đới
Các ngọn núi đá vôi ở đây đều là những cảnh quan “treo” tuyệt đẹp. Quảng Bình là xứ nhiệt đới, chiều ngang nhỏ hẹp. Phong Nha-Kẻ Bàng có diện tích hơn 125.000 ha. Năm 2003, khi thế giới biết đến địa danh này với sự công nhận di sản thế giới về địa mạo địa chất, nó được biết đến với 2.400 loài thực vật thì năm 2015, trong hồ sơ của Ủy ban Di sản Thế giới do tổ chức bảo tồn thiên nhiên đa quốc gia IUCN ghi nhận đến 2.934 loài. Đa phần chúng sống trên các hệ tầng đá vôi, nơi không có đất. Một ít nhóm loài khác được phân bố trong các thung lũng có đất và các dãy núi đất khác. Nhưng tính độc đáo của chúng là treo mình trên núi đá vôi để sinh tồn. Các chuyên gia IUCN khẳng định rằng còn nhiều loài thực vật nữa chưa hề được biết đến và khám phá hết.
Các khu rừng khổng lồ treo trên núi đá vôi ở đây đều có những giống loài ảnh hưởng khí hậu ôn đới từ độ cao 800 m trở lên. Trong đó điển hình nhất là bách xanh núi đá, một loài thực vật cổ xưa, quý hiếm, thuộc sách đỏ thế giới và Việt Nam hiện sót lại duy nhất ngoài tự nhiên ở đây với độ thuần chủng trên diện tích 2.400 ha là một kỳ quan của tự nhiên. Leonid V. Averyanov, giáo sư từ Viện Thực vật học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, một trong các chuyên gia phát hiện ra khu rừng treo huyền thoại này, đã thốt lên: “Không nghi ngờ gì nữa việc phát hiện được khu rừng Calocedrus rupestris bách xanh đá cùng với phức hợp loài trong đó cho thấy đây là một trung tâm đa dạng đặc hữu, đặc biệt và có ý nghĩa toàn cầu. Việc bảo tồn cấp thiết và có hiệu quả các quần xã rừng ở vùng này có thể coi là mục tiêu có tính ưu tiên cao nhất của chiến lược bảo tồn của Việt Nam.
Loài Calocedrus rupestris bách xanh đá “hóa thạch sống” từ thời đại Trung sinh, khoảng 100 triệu năm trước. Ông Đinh Rầu, người A Rem sống bên khu vườn treo khổng lồ này, nói: “Mỗi lần nắng nóng, đi rừng, vào khu bách xanh núi đá là mát ngay. Ngủ ở đây không có sên, vắt. Dưới xuôi nắng nóng thì ở đây mây phủ trong ngày, se lạnh, thích lắm. Đã thế chim muông cũng nhiều vô kể, lông cánh sặc sỡ, đẹp khó tả lắm”.
Cam dại trong rừng Kẻ Bàng. Ảnh: MQ
10 dạng vườn treo
Phong Nha-Kẻ Bàng có đến 10 kiểu thảm thực vật mà giới nghiên cứu vẫn nôm na gọi là 10 kiểu vườn treo với 15 kiểu sinh cảnh, nhiều hơn bất cứ khu bảo tồn nào ở Việt Nam. Đặc biệt, ở đây tồn tại kiểu rừng kín thường xanh nhiệt đới trên núi đá vôi ở độ cao trên 700 m với diện tích 22.500 ha là kiểu rừng độc đáo nhất Việt Nam và trên thế giới. Nó tuyệt vời đến mức năm 2000, tổ chức bảo tồn quốc tế WWF phải đưa vào danh sách một trong 200 trung tâm đa dạng sinh học cực kỳ quan trọng của thế giới.
Bên trong rừng mưa Kẻ Bàng, địa y, rêu tảo đến những loài cổ thụ như táu đá hoặc bách xanh… sống ở các vườn treo từ 700 đến hơn 1.200 m không có đất nhưng các loài đều có sức tiến hóa độc đáo. Ở khu rừng táu đá hay bách xanh sinh sống từ cổ xưa đến nay, bộ rễ của chúng to bạnh hoặc nhỏ bé “khoan” sâu vào các kẽ nứt của đá vôi để hút chất mùn làm dinh dưỡng nuôi thân. Các dạng cây già cỗi, mục ruỗng chết đi, theo thời gian phân hủy tạo ra dinh dưỡng nuôi lại con cháu của chúng. Cơ chế sinh tồn của chúng ở hoang mạc đá vôi rất khắc nghiệt nhưng tiến hóa để thích nghi vô cùng vi diệu. Thế nên chúng luôn gây ngạc nhiên đối với các nhà nghiên cứu khi biết trên các vùng núi đá vôi không có đất nhằm tạo dinh dưỡng. Những lớp lá rụng xuống, lâu dần ẩm ướt, mục đi đều được bộ rễ tranh thủ, không bỏ phí bất cứ thứ gì.
2.934 loài thực vật ở rừng mưa Kẻ Bàng còn tiến hóa xa hơn để lấy chất dinh dưỡng từ phía biển trong một số tháng. Khi mùa mưa bão đến, gió mùa đưa hơi nước từ biển vào, trong thành phần các loại vi chất bốc lên từ hơi nước có khí nitơ rất ít đi theo, chúng hấp thụ bằng cơ chế riêng từ lá. Ngoài ra, những xác động vật và xác của hơn 3.000 loài vi sinh vật nhỏ bé dưới tán chúng cũng góp thêm khí nitơ cho các loài thực vật trên núi đá vôi. Tất cả đều được tiêu thụ hết mức để sản xuất ra môi trường trong lành và cảnh quan hùng vĩ. Cây sống trên đá vôi không thẳng tắp, cong vênh, xoắn lại như dạng bonsai khắc khổ nhưng chúng tạo nên các khu vườn treo đẹp hơn cả thượng uyển. Giới nghiên cứu khẳng định nếu không may chúng bị biến mất do một tai biến nào đó thì phải mất hàng thế kỷ mới có thể hồi phục. Chính vì thế UNESCO mới xác nhận di sản thế giới lần thứ hai bằng hai tiêu chí hàng đầu là đại diện cho các tiến trình sinh thái trong sự tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn. Phong Nha-Kẻ Bàng sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học.