Website kiến trúc nổi tiếng toàn cầu vinh danh công trình ở Mũi Né

(PLO)- Chiều 30 Tết, Archdaily, website kiến trúc nổi tiếng của Hoa Kỳ vinh danh kiến trúc nhà hàng, café Hoa Nắng ở Bình Thuận là Ngôi nhà của năm 2024.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều muộn 30 Tết, trong khi mọi người ở Việt Nam đang tất bật chuẩn bị đón giao thừa chào Tết Nguyên đán Gíap Thìn thì Archdaily, website kiến trúc nổi tiếng toàn cầu của Hoa Kỳ bất ngờ công bố giới thiệu và vinh danh kiến trúc nhà hàng, café Hoa Nắng ở Hàm Tiến, Phan Thiết, Bình Thuận là Building of the year 2024 (Ngôi nhà của năm 2024).

kien-truc (2).jpg
Mặt tiền kiến trúc của nhà hàng, cafe Hoa Nắng.

Với hơn nửa triệu độc giả mỗi ngày và hàng trăm triệu lượt view mỗi tháng, Archdaily được xem là trang web về kiến trúc có lượng độc giả truy cập nhiều nhất thế giới. Trang web này cũng từng được bình chọn là một trong 5 tạp chí online nổi tiếng nhất do giải thưởng Mashable's Open Web Awards trao tặng.

kiến trúc
Archdaily gọi Hoa Nắng là Căn nhà của năm 2024.

Những thiết kế kiến trúc được website này chọn đăng đều phải là những công trình, sản phẩm độc đáo, mang tính thẩm mỹ cao và gây ấn tượng với giới chuyên gia thiết kế trên khắp thế giới.

Và thật bất ngờ, kiến trúc sư thiết kế công trình này lại là một người quen cũ, người bạn Facebook của tôi: Kiến trúc sư Ngô Lê Nguyễn với nickname là Ngô Ốc Bươu, Văn phòng Thiết kế kiến trúc Countryhouse.Architecture (Nhà Dế Mèn, Khu dân cư Hùng Vương, phường Phú Hài, TP Phan Thiết).

nhademen.jpg
Căn Nhà Dế Mèn của gia đình kiến trúc sư Ngô Lê Nguyễn cũng từng lên báo Mỹ.

Ngô sống ở Sài Gòn, đến Phan Thiết theo quê vợ nhiều năm nay và có khá nhiều thiết kế kiến trúc ấn tượng trong đó phải kể đến Nhà Dế Mèn (với tổng chi phí khoảng 2,5 tỉ đồng cũng từng lên báo Mỹ) nơi anh cùng vợ con đang sinh sống.

Pardis cuisine-Italian restaurant café vừa được vinh danh là một nhà hàng nhỏ, nằm trên con đường Nguyễn Tấn Định khá yên tĩnh ở Hàm Tiến, Phan Thiết mà theo Ngô là “một nơi góp nhặt nỗi nhớ” từ Hà Nội đến vùng biển bình yên Mũi Né, giao thoa với vùng Địa Trung Hải tận nước Ý xa xôi.

kien-truc (11).jpg
Vật liệu xây dựng công trình đều là vật liệu gần gũi, thân thiện với môi trường.

Nhưng tại sao lại là Địa Trung Hải tận nước Ý? Kiến trúc sư Ngô Lê Nguyễn cho biết câu chuyện bắt đầu từ chị Nguyễn Mai Vy ở Hà Nội và anh Ales Sandro, người Ý, cả hai đều làm ăn ở Mũi Né, phải lòng nơi này và họ gặp nhau.

“Hơn hai mươi năm sống và làm việc tại đây, họ xem Mũi Né như quê hương thứ hai của mình. Tuy vậy hình ảnh phố phường Hà Nội, từ mái ngói rêu xanh, mảng tường gạch cũ, hàng hiên che nắng… hay những món ăn Địa Trung Hải ở Ý từ thời Rome và sau đó lan rộng khắp thế giới cùng với làn sóng cộng đồng người Ý hải ngoại… luôn trong tâm trí họ”, Ngô chia sẻ.

kien-truc (12).jpg
Khi bước vào, du khách sẽ thấy ngay những bình dị và thân quen trong kiến trúc này.

Hôm gặp Ngô, chị Mai Vy tâm sự mình muốn làm một công trình vừa là nhà ở, vừa kinh doanh và nơi đó phải gợi một chút hoài niệm về Hà Nội, một chút Mũi Né, không gian vừa đủ, khách đến chơi, ăn những món ăn Ý, uống café kiểu Ý…. Và họ xem như nhà của họ, thoải mái và chân tình.

“Khi khách đến thả bộ, dạo chơi, hay lang thang trên bãi biển thì hình ảnh phố cũ mái ngói rêu xanh của những con đường Hà Nội đan xen vào hàng dừa xanh ngả mình bên bãi cát vàng...đó chính là những điểm nhấn mà chị Vy mong muốn”, Ngô kể.

kien-truc (7).jpg
Mảng tường gạch cũ kỹ hoài niệm rất đáng yêu.

Chỉ là một vài yêu cầu tưởng chừng đơn giản được chủ đầu tư đưa ra nhưng là thách thức thật sự cho cả đội của kiến trúc sư Ngô Lê Nguyễn.

Ngô cho biết, để thực hiện xuyên suốt ý tưởng trên, anh đã tính toán đan xen những mảng tường gạch và những khung gỗ đỡ mái hiên ở các công trình xưa được cách điệu thành những hệ kèo đỡ, tạo nên một nhịp điệu bình dị và thân quen.

kien-truc (10).jpg
Công trình đã kết nối khéo léo giữa Hà Nội và Mũi Né.

Có những đoạn bức tường lấy cảm hứng từ những tán lá dừa đặc trưng xứ biển, hay có thể bắt gặp mảng tường gạch mấp mô, mảng trần bê tông thô, cũ kĩ… tất cả chỉ muốn gợi lên một “ dòng chảy “ văn hóa rất đỗi bình thường từ Hà Nội đến Mũi Né.

kien-truc (8).jpg
Những điểm nhấn độc đáo tại kiến trúc khác biệt này.

Được biết, công trình sử dụng vật liệu địa phương, gạch nung thô, gỗ, sắt thép đã qua sử dụng, sân thượng được trồng cỏ để tạo một khu vườn trên cao, đồng thời giảm bức xạ nhiệt mặt trời tối đa cho môi trường, mái công trình được lợp bằng lá dừa …, tạo nên một không gian xanh mát, vừa gần gũi vừa thân thiện và phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa.

kien-truc (13).jpg
Công trình lợp bằng lá dừa thân thiện với môi trường.

Có lẽ chính những vật liệu gần gũi, thân thiện với môi trường cộng với những điểm nhấn “phá cách” độc đáo, khác biệt của kiến trúc này nên Archdaily đã chọn công trình của Ngô Lê Nguyễn công bố khi chuẩn bị đón giao thừa, thời khắc trời đất giao hòa chuyển giao năm cũ để vạn vật bừng lên sức sống đón sang năm mới…

Ngo.jpg
Kiến trúc sư Ngô Lê Nguyễn và căn Nhà Dế Mèn của vợ chồng anh lọt vào 10 công trình xanh tiêu biểu tại hạng mục Top 10 Green Projects 2023.

Chúc mừng Pardis cuisine-Italian restaurant café; chúc mừng Hoa Nắng; chúc mừng đôi vợ chồng Việt-Ý Nguyễn Mai Vy-Ales Sandro và chúc mừng Ngô Lê Nguyễn-Ngô Ốc Bươu!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm