Nhiều ngành đại học mòn mỏi ‘ngóng’ thí sinh

Ngay sau khi công bố điểm chuẩn với những mức điểm tăng cao, nhiều trường ĐH đã phải thông báo tuyển sinh bổ sung cho hệ ĐH chính quy ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong đó có không ít ngành hot, nhu cầu tuyển dụng rất lớn nhưng đã nhiều năm tuyển không đạt chỉ tiêu đề ra.

Hàng loạt ngành thiếu chỉ tiêu

Chiều 7-10, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã có thông báo tuyển sinh bổ sung cho 14 ngành học theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Đáng nói, tổng chỉ tiêu trường cần bổ sung là 756 SV, tức gần 1/2 tổng chỉ tiêu của trường. Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển cũng chỉ từ 14 điểm.

Trong đó, những ngành thiếu chỉ tiêu cao nhất là công nghệ kỹ thuật môi trường, địa chất học, kinh tế tài nguyên thiên nhiên, kỹ thuật cấp thoát nước...

Tương tự, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng vừa thông báo tuyển bổ sung 26 ngành học cho phương thức xét điểm thi THPT, thời gian nhận hồ sơ từ ngày 10 đến 20-10.

Trong đó, 16 ngành do trường cấp bằng, điểm nhận xét tuyển từ 18,5 đến 22,5 điểm. Bốn ngành có điểm xét cao nhất là công nghệ thông tin, kế toán, tài chính ngân hàng và khoa học dữ liệu.

Với 10 ngành học liên kết với ĐH nước ngoài, điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 18 điểm.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng thông báo xét tuyển bổ sung cho sáu ngành đào tạo ĐH tại Phân hiệu Vĩnh Long năm 2020 với 165 chỉ tiêu xét học bạ và xét điểm thi THPT. Gồm các ngành quản trị kinh doanh (chuyên ngành quản trị), kinh doanh quốc tế (chuyên ngành kinh doanh quốc tế), tài chính ngân hàng (chuyên ngành ngân hàng), kế toán (chuyên ngành kế toán doanh nghiệp), hệ thống thông tin quản lý (chuyên ngành thương mại điện tử) và kinh tế (chuyên ngành kinh tế và kinh doanh nông nghiệp).

Tại khu vực phía Bắc, nhiều trường cũng đã sớm có thông báo xét tuyển bổ sung theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Như Trường ĐH Điện lực tuyển bổ sung 240 chỉ tiêu cho tám ngành gồm công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, quản lý công nghiệp, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, kiểm toán, quản lý năng lượng, kỹ thuật nhiệt, công nghệ kỹ thuật năng lượng, công nghệ kỹ thuật môi trường.

Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cần xét bổ sung cho năm ngành là quản trị trường học, quản trị công nghệ giáo dục, quản trị chất lượng giáo dục, tham vấn học đường, khoa học giáo dục. Mỗi ngành 20 chỉ tiêu.

Trường ĐH Thăng Long nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung theo kết quả thi THPT từ ngày 6 đến 11-10 cho 22 ngành học với 590 chỉ tiêu.

Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Ảnh: TRUNG NHÂN

Điểm cực thấp vẫn tìm không ra thí sinh

Tại TP.HCM, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM là một trong ít trường luôn có mức điểm sàn lẫn điểm chuẩn thấp nhất.

Được biết, trong đợt xét tuyển vừa qua, điểm chuẩn của trường này chỉ 14-16 điểm. Ngành duy nhất đạt 16 điểm là quản trị kinh doanh, còn lại chỉ 14, 15 điểm.

Thế nhưng, theo nhà trường, những năm gần đây, dù chỉ tiêu của trường không cao nhưng trường luôn phải tuyển sinh bổ sung với chỉ tiêu lớn. Ở những năm trước, trường vẫn tuyển được rất ít.

Theo nhà trường, do các ngành học của trường đặc thù về kỹ thuật, môi trường, đòi hỏi yêu cầu công việc vất vả hơn nên thí sinh (TS) rất kén dù nhu cầu lao động cần tuyển nhiều. Trường cũng đã đẩy mạnh công tác tuyển sinh nhưng số lượng đăng ký vẫn rất thấp, các TS vẫn chuộng vào những ngành kinh tế, dịch vụ hơn.

Là một trong những trường ĐH thu hút TS nhưng những nhóm ngành về kỹ thuật của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng khó tuyển sinh. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng đào tạo của trường, cho biết dự kiến đợt này trường sẽ tuyển sinh bổ sung cho ba nhóm ngành tại TP.HCM (công nghệ kỹ thuật môi trường, công nghệ hóa học, dinh dưỡng và khoa học thực phẩm) và sáu ngành tại Phân hiệu tỉnh Quảng Ngãi.

Theo Tiến sĩ Nhân, đây là những ngành các năm gần đây rất khó tuyển sinh, lượng TS đăng ký chỉ đạt 70%-80% so với chỉ tiêu và hiện cần tuyển thêm mỗi ngành 30-50 chỉ tiêu.

Ông Nhân cho rằng qua mỗi mùa tuyển sinh, càng ngày mức độ chênh lệch giữa các nhóm ngành càng lớn. TS chỉ đổ vào những ngành hot, như năm nay chủ yếu dồn vào khối kinh tế, chê nhóm ngành về kỹ thuật, công nghệ.

Trong khi đó, có nhu cầu lao động thì trường mới đào tạo. Ra trường, SV có việc làm ngay, thậm chí lương rất cao, khởi điểm đã là 8-9 triệu đồng/tháng. Khi học, SV còn được nhiều học bổng phi chính phủ từ nước ngoài vì chính sách này thường chỉ dành cho sinh viên kỹ thuật.

“Chủ yếu do các em nhận thức chưa đúng đắn, chọn ngành theo xu hướng truyền thông, thích những ngành nào mà nghĩ là có việc làm nhẹ nhàng. Chúng tôi đã tư vấn tuyển sinh hết cỡ, cam kết có việc làm tốt cho các em nhưng các em vẫn không chọn thì chịu thôi” - ông Nhân nói.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Hà Việt Uyên Synh, Trưởng Phòng đào tạo (Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng năm nay TS có xu hướng chọn nhóm ngành về xã hội nhiều hơn nên các ngành về kỹ thuật ở trường khá ít TS đăng ký. Có thể do bản thân tên ngành không sang và đặc thù công việc thực tế đòi hỏi đi nhiều khiến kén TS. Trong khi đó, tỉ lệ tốt nghiệp có việc làm ở trường luôn trên 90%.

“Đây là hiện tượng bình thường, do điều tiết của thị trường lao động thôi. Tuy nhiên, dù học ngành nào, quan trọng là các em phải học tốt, có năng lực thì luôn được các nhà tuyển dụng chào đón và có đãi ngộ tốt. Nếu không thì các em sẽ bị đào thải thôi” - Tiến sĩ Synh chia sẻ.

83 trường sẽ tổ chức xét tuyển bổ sung từ ngày 15-10

Theo Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), cả nước có 308/312 trường sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 để xét tuyển ĐH.

Kết quả xét tuyển đợt 1, có 165 trường tuyển đủ chỉ tiêu, 40 trường đạt chỉ tiêu từ 70% đến dưới 100%, có 83 trường đạt dưới 50% chỉ tiêu và sẽ tổ chức xét tuyển bổ sung từ ngày 15-10 cho đến hết năm 2020.

Sau khi hoàn tất xét tuyển đợt 1, kể từ ngày 10-10, nếu trường tuyển sinh chưa đủ chỉ tiêu đã công bố ban đầu thì có thể xét tuyển bổ sung các đợt tiếp theo. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm