Theo hồ sơ, bị cáo Dư sử dụng bằng lái xe giả và gây tai nạn làm chết người ngồi sau nhưng cấp sơ thẩm chỉ xử lý tội nói trên, còn hành vi sử dụng bằng lái giả thì VKSND huyện Bình Chánh không truy tố nên tòa cùng cấp không xét xử.
Trước hết tôi đồng tình với tòa án cấp phúc thẩm, việc chỉ xử bị cáo Dư vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là còn bỏ lọt tội phạm. VKS cấp sơ thẩm vẫn “bảo lưu quan điểm” và cho rằng Dư không biết và không tham gia làm giả nên không truy tố bị cáo về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 267 BLHS 1999 là đánh giá không đúng hành vi khách quan cũng như ý thức chủ quan của bị cáo. Trong khi đó, VKS cấp phúc thẩm cũng đồng tình với quan điểm của tòa án cùng cấp.
Trong thực tế, có trường hợp người sử dụng giấy tờ giả đúng là không biết đó là giả như giấy đỏ, giấy chứng nhận tốt nghiệp, bằng tốt nghiệp… nên không thể buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi sử dụng bằng giả (giấy tờ giả). Không biết thì không có tội.
Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này, bị cáo Dư sử dụng bằng lái xe giả chứ không phải loại giấy tờ giả khác mà nói rằng không biết. Vì muốn có bằng lái xe thì phải đi học và thi. Dư sử dụng bằng lái xe giả, dù có khai là không biết thì cũng không thể tin được! Nếu Dư đã trúng tuyển một kỳ thi và được cấp bằng lái xe nhưng sau đó bị mất hoặc bị CSGT thu giữ mà làm lại bằng lái xe giả khác để lừa dối CSGT thì lại càng chứng tỏ hành vi của Dư là hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 267 BLHS 1999.
Thực tiễn xét xử từ trước đến nay, gặp trường hợp tương tự, các tòa án đều xử hai tội. Không hiểu sao VKSND huyện Bình Chánh lại có quan điểm như vậy!? Có lẽ về vụ án này, VKSND TP.HCM nên tiến hành kiểm điểm rút kinh nghiệm với VKSND huyện Bình Chánh xem ai có chủ trương này và nếu cần thì phải xử lý nghiêm để tránh tình trạng quyền tôi, quyền anh. Nếu vì lý do nào đó, nhất là vì tiêu cực, mà không truy tố hai tội thì có khi người có thẩm quyền ấy còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội. Còn nếu do nhận thức, yếu kém về nghiệp vụ thì cũng phải xử lý kỷ luật. Không nên để tình trạng pháp luật không được áp dụng thống nhất, mà việc áp dụng trật chìa đó rõ ràng là trái pháp luật.
Về tố tụng, theo quy định của BLTTHS thì trường hợp lọt người, lọt tội không phải do điều tra không đầy đủ thì tòa án cấp phúc thẩm không được hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Nhất là vụ án này, tòa án cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm lần thứ hai, vậy là tòa án cấp sơ thẩm bị hủy án “oan” hai lần, mà không phải do lỗi của mình, ảnh hưởng đến việc bình xét thi đua cũng như việc xem xét cất nhắc bổ nhiệm hay tái nhiệm thẩm phán sau này.
Lẽ ra trong trường hợp này, tòa án cấp phúc thẩm chỉ được y án sơ thẩm và kiến nghị hoặc khởi tố vụ án về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức rồi đề nghị VKS cùng cấp khởi tố bị can, ra cáo trạng truy tố bị cáo bằng một vụ án độc lập. Tòa phúc thẩm không nên hủy án sơ thẩm, gây bất lợi cho tòa án cấp sơ thẩm.
ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao