Trình bày tham luận tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, chiều 25-12, PGS-TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ bản thân ông là người rất dị ứng đối với những câu nói tục.
“Nhưng bất chợt một ngày, tôi lại thích một câu chửi đến thế. Yêu một câu chửi đến thế!” - PGS-TS Bùi Hoài Sơn nói.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn phát biểu tại hội nghị.
Lý do ông đưa ra là khi đọc được tin trên một tờ báo: Một người bị tát vì nói người khác vô văn hóa. “Thì ra, văn hóa là thước đo phẩm giá của con người! Khi bị nói là vô văn hóa, có nghĩa là người ta bị sỉ nhục kinh lắm! Và thế là văn hóa rất quan trọng!” - ông Sơn nói.
Người đứng đầu Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia cũng cho rằng con người Việt Nam hiện nay đã chịu rất nhiều áp lực khiến chúng ta không thể giống như trước kia được nữa (dù ai đó có muốn cũng không thể được).
Đặc biệt, văn hóa được xem là lĩnh vực nhạy cảm nhất, xuyên suốt nhất của các lĩnh vực của đời sống xã hội, vì thế không phải ngẫu nhiên, vô lý khi cho rằng tất cả lĩnh vực (kinh tế, chính trị, giáo dục, y tế, giao thông…) khi trục trặc gì thì lỗi cũng tại văn hóa.
Từ đó, PGS-TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ xây dựng con người là công việc vô cùng phức tạp, phải tiến hành đồng thời nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, triệt để thì mới có kết quả.
Theo ông, để làm được điều đó cần nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội; Chấn chỉnh đạo đức xã hội, củng cố niềm tin vào chế độ; thực thi nghiêm kỷ cương, pháp luật…
Đề cập đến vai trò của báo chí, PGS-TS Bùi Hoài Sơn cho rằng cần xây dựng văn hóa phản biện trong xã hội, đặc biệt là phản biện trên các phương tiện truyền thông mới, dần hình thành bộ nguyên tắc đạo đức trong phản biện xã hội.
Cũng tại hội nghị, bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL), đưa ra ý kiến gia đình Việt Nam đang đứng trước những nguy cơ và thách thức không nhỏ. Bà Ánh sau đó liệt kê: Tình trạng buôn bán người, ma túy, mại dâm, bạo lực và xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, xuất hiện vấn đề tình dục và hôn nhân đồng giới…
Theo bà Ánh, các yếu tố dẫn đến những hiện tượng trên rất nhiều nhưng nguyên nhân cơ bản là do công tác giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình chưa thực sự được coi trọng.
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành từ năm 2009. Trong 10 năm triển khai, thực hiện, chiến lược đã giành được nhiều kết quả quan trọng, bao trùm trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần khẳng định vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước.