Ngày 9-12, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM và cơ quan thường trực Tạp chí Cộng Sản tại miền Nam cùng Trường ĐH Sài Gòn đồng tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM”. Hội thảo có 82 tham luận của lãnh đạo TP và các nhà khoa học…
Đồng bộ các nhiệm vụ xây dựng
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh: “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng. Đó không chỉ là việc quy hoạch phát triển các công trình văn hóa, các thiết chế văn hóa mà còn đảm bảo hài hòa sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất cả người dân đang sinh sống, làm việc, học tập tại TP.HCM là chủ thể xây dựng, sáng tạo và thụ hưởng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên TP mang tên Bác”.
Để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng phải rà soát, bổ sung hoàn thiện các thiết chế văn hóa, quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình văn hóa mới gắn với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo dấu ấn riêng cho TP.
Khu trưng bày không gian văn hóa Hồ Chí Minh của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM. Ảnh: VÕ THƠ |
“Đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên không gian mạng, báo chí, báo điện tử của TP về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh; hình thành chuẩn mực văn hóa, con người TP mang tên Bác gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần hình thành tính cách riêng mang bản sắc của con người TP mang tên Bác” - ông Khuê nhấn mạnh.
Mở rộng không gian từ các di tích, bảo tàng
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, nhìn nhận thời gian qua việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh có những kết quả đáng ghi nhận. Đó là việc xây dựng những công trình, thiết chế văn hóa vật thể gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Các địa chỉ Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM tại Bến Nhà Rồng, di tích quốc gia Nhà số 5 Châu Văn Liêm, quận 5 và một số công trình nghệ thuật, tượng Bác được đặt ở những nơi trang trọng.
Tuy nhiên, bà cũng cho rằng cần hoàn thành quy hoạch tổng thể không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM; đầu tư một số công trình gắn với Bác, nhất là Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM nằm trong hệ thống các bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh (cả nước có năm bảo tàng, chín di tích) cần mở rộng (hiện có 1,4 ha sẽ mở rộng diện tích gấp đôi). Nâng cấp, mở rộng bảo tàng là để có thêm không gian trưng bày chuyên đề, có nơi làm thư viện Hồ Chí Minh, mở rộng Công viên Hồ Chí Minh và các hoạt động bảo tàng.
ThS Lưu Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM, cho rằng: Không phải ai cũng có điều kiện đến với bảo tàng. Vì vậy để mở rộng công tác tuyên truyền, giới thiệu những giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với mọi tầng lớp nhân dân TP, ngoài trưng bày tại đơn vị, bảo tàng sẽ quan tâm đến công tác trưng bày, triển lãm, thuyết minh lưu động để phục vụ các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, bà cũng đề xuất cần tăng cường kết nối giữa bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống trước khi ra đi tìm đường cứu nước, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân TP hiểu hơn về giá trị di tích, góp phần phát huy di sản văn hóa Hồ Chí Minh ngày càng hiệu quả hơn.
GS-TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng cần tìm những nét cụ thể, đặc trưng của địa phương khi xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Để nâng cao chất lượng, lãnh đạo TP cần đầu tư trọng điểm chứ không dàn trải. Đồng thời, phải hiện đại hóa các công trình văn hóa, lịch sử hiện đại, tiện lợi cho người dân khi đến với di tích lịch sử văn hóa. TP cũng cần tập trung vào những đơn vị, ngành điển hình. Đổi mới hình thức thu hút nhân dân qua không gian mạng, trong đó cần tập trung đầu tư vào bảo tàng ảo, để ở đâu, lúc nào người dân nào cũng có thể vào xem và tìm hiểu học tập.
Quý I-2023 TP sẽ tổ chức hội nghị văn hóa
Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là chủ đề khá mới, nội hàm khá rộng và còn nhiều vấn đề chưa thống nhất nhau.
Hội thảo đã phân tích vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong việc phát triển văn hóa nói riêng và phát triển TP.HCM nói chung. Nhiều tham luận đã đề xuất các giải pháp xây dựng cũng như nêu những lưu ý, những điều cần tránh trong quá trình xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM. Đó là phải chú trọng đồng bộ cả không gian văn hóa vật thể và phi vật thể, tránh đơn giản hóa; quan tâm tính bền vững, lâu dài…
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BTC |
Hội thảo này cũng là tiền đề để vào quý I-2023, Thành ủy TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị văn hóa có tầm lan tỏa sâu rộng và văn hóa là động lực để phát triển TP.HCM. Trong đó có chương trình hành động triển khai xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh có tính hệ thống…
Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM