Xảy ra nhiều vụ xây sai phép, TP.HCM lên kế hoạch mạnh tay xử lý

(PLO)- Sở Xây dựng TP đang xây dựng kế hoạch tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, qua phản ánh và kiểm tra, UBND quận Tân Bình (TP.HCM) đã phát hiện tòa nhà căn hộ dịch vụ cho thuê tại địa chỉ 83/41B đường Phạm Văn Bạch, phường 15 xây sai phép với diện tích lớn.

Hàng loạt trường hợp xây trái phép

Theo kết quả kiểm tra cơ quan chức năng đã xác định công trình nhà số 83/41B đường Phạm Văn Bạch, phường 15 có nhiều sai phạm. Cụ thể như diện tích xây dựng phát sinh tăng so với giấy phép xây dựng 1.959,75 m²; xây dựng thêm gác gỗ trong 282 phòng; chiều cao hiện nay của công trình là 30,3 m, tăng cao hơn so với giấy phép xây dựng là 4,7 m; xây sai vị trí cầu thang bộ...

Ghi nhận thực tế, tại địa chỉ trên là một tòa nhà cho thuê phòng trọ dạng căn hộ dịch vụ có quy mô lớn, phía trước tòa nhà có lắp cầu thang bộ dạng lối thoát hiểm khẩn cấp.

Cuối tuần trước, Đội thanh tra địa bàn quận Tân Bình (thuộc Thanh tra Sở Xây dựng TP) đã mời chủ đầu tư công trình này lên làm việc và yêu cầu khắc phục. Đến nay, chủ đầu tư công trình đã tự nguyện tháo dỡ, đập bỏ những phần xây sai phép, vượt phép để đảm bảo chiều cao công trình đúng theo giấy phép.

Cũng trong tuần trước, UBND xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh đã xử lý buộc tháo dỡ công trình xây sai phép trên khu đất tại ấp 47 ở xã này. “Chúng tôi đã yêu cầu trả lại hiện trạng và xử lý xong việc xây sai phép tại đây”, đại diện UBND xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Trước đây, toàn bộ khu đất này là ao nước, rộng gần 1 ha, chủ đất đã tiến hành san lấp, cho xe chở xà bần đổ miễn phí, rồi đổ cát. Sau khi lấp hết ao nước, khu đất được san ủi bằng phẳng, treo bảng cho thuê làm bãi đậu xe.

UBND xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh đã tiến hành kiểm tra tại khu đất, phát hiện công trình vi phạm lĩnh vực đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích. Cạnh đó, chủ đất cũng thi công công trình với kết cấu tạm như khung sắt, mái tôn trên khu đất có diện tích khoảng 3.000 m2. Vị trí khu đất này nằm trong quy hoạch Bệnh viện Đa khoa Phú Mỹ đã có Quyết định tạm giao số 477/2012 của UBND TP.

Tương tự, vào tháng 5-2024, công trình tại 41 - 49 An Phú, phường An Phú, TP Thủ Đức cũng bị phát hiện xây sai phép, xây vượt tầng, sai phép hơn 1.000 m2 đã bị xử lý.

Theo quy hoạch, khu đất 41 - 49 An Phú được phép xây công trình cao tối đa 5 tầng, phải lùi cách ranh giới đất xung quanh 2 m. Tuy nhiên, quá trình thi công từ tháng 4-2024, theo phản ánh người dân, công trình 1.000 m2 này xây sai phép, có dấu hiệu hoạt động phim trường, tổ chức sự kiện...

xây sai phép.jpg
Những hạng mục xây sai phép ở địa chỉ 83/41B đường Phạm Văn Bạch, phường 15, quận Tân Bình đã được chủ đầu tư đập bỏ. Ảnh: TY

Kế hoạch chấn chỉnh vi phạm trật tự xây dựng

Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM đã có dự thảo mới nhất về Kế hoạch tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.

Theo dự thảo, trên cơ sở đánh giá công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP sau 4 năm thực hiện Chỉ thị số 23/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch số 3333/2019 của UBND TP, UBND TP sẽ ban hành Kế hoạch tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.

Theo Sở Xây dựng TP, mục đích của việc xây dựng Kế hoạch này nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về đất đai, quy hoạch, xây dựng. Cạnh đó, thông qua việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính để tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP.

Đồng thời nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát của cấp ủy và cá nhân người đứng đầu trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, quy hoạch, xây dựng gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Theo dự thảo, bình quân số công trình vi phạm trật tự xây dựng/ngày trên toàn địa bàn TP của năm 2024 và các năm tiếp theo đạt tỉ lệ giảm trên 50% so với 6 tháng đầu năm 2019 là 8,5 vụ/ngày (thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị số 23).

Kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu các địa phương phải thành lập Tổ công tác về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng do Chủ tịch/Phó Chủ tịch UBND các quận, huyện phụ trách khối đô thị làm Tổ trưởng.

“100% các đơn vị phải ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện các quyết định xử lý vi phạm hành chính còn tồn đọng trên địa bàn (các công trình xây dựng thuộc trường hợp phải phá dỡ công trình, phần công trình vi phạm trật tự xây dựng) trước ngày 15-12 và tổ chức thực hiện theo đúng lộ trình, tiến độ đề ra”, dự thảo Kế hoạch nêu rõ.

Ngoài ra, theo dự thảo Kế hoạch thì người đứng đầu phụ trách trực tiếp công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng chịu trách nhiệm cao nhất khi để xảy ra các sai phạm trong hoạt động quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn và theo thẩm quyền quản lý.

Sở Xây dựng TP đề nghị các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, góp ý dự thảo Kế hoạch và có văn bản gửi về Sở Xây dựng TP trước ngày 18-6 để Sở tổng hợp, hoàn chỉnh dự thảo trình UBND TP xem xét, quyết định.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, TP.HCM đã kiểm tra gần 11.000 lượt về hoạt động xây dựng, chỉ phát hiện 49 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, giảm 46% so với cùng kỳ.

Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 23/2019, kế hoạch 3333/2019, đến tháng 6-2023, trên địa bàn TP có 2.699 công trình vi phạm (bình quân 1,8 vụ/ngày), giảm 6,7 vụ/ngày; tỉ lệ giảm 78,5% so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị 23 là 8,5 vụ/ngày.

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, có 170 công trình vi phạm (bình quân 0,9 vụ/ngày), giảm 7,6 vụ/ngày; tỉ lệ giảm 89%.

Cả năm 2023, Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra gần 51.000 lượt, phát hiện 352 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng (giảm 13 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022 là 365 trường hợp).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm