Xem COVID-19 là bệnh thông thường: Hệ quả pháp lý ra sao?

Mới đây, kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao cho Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước virus SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu (bệnh lưu hành hay bệnh thông thường).

Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn nếu coi COVID-19 là bệnh thông thường thì còn bắt buộc phải đeo khẩu trang, khai báo y tế… như trước đây và nếu vi phạm thì có bị xử phạt hay không.

Ba khái niệm cần phân biệt

Có ba thuật ngữ tiếng Anh cần phân biệt liên quan đến vấn đề được đặt ra, đó là epidemic, pandemic và endemic.

Người dân TP.HCM vui chơi tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: NGUYỆT NHI

Theo Hiệp hội Bệnh phổi Hoa Kỳ (American Lung Association) thì gọi là pandemic (đại dịch - dịch lớn) khi sự phát triển của bệnh theo cấp số nhân. Điều này có nghĩa là tốc độ phát triển tăng vọt và mỗi ngày số ca mắc bệnh tăng lên nhiều hơn ngày trước đó.

Epidemic (dịch bệnh) thì được định nghĩa là một bệnh có sự gia tăng bất ngờ về số ca bệnh trong một khu vực địa lý cụ thể. Như vậy, sự khác biệt rõ ràng của đại dịch và dịch là ở quy mô và tốc độ của sự lây lan, đặc biệt là tầm ảnh hưởng.

Riêng về endemic (bệnh đặc hữu hay bệnh nhiễm trùng lưu hành) thì được định nghĩa là: “Một đợt bùng phát dịch bệnh là đặc hữu khi nó thường xuyên xuất hiện nhưng chỉ giới hạn ở một khu vực cụ thể. Điều này làm cho bệnh lây lan và tỉ lệ có thể dự đoán được”.

Từ cách hiểu này, có nghiên cứu chỉ ra rằng “bệnh đặc hữu” là một bệnh mà trong đó tỉ lệ tổng thể là không đổi - không tăng, không giảm. Chính xác hơn, điều đó có nghĩa là tỉ lệ những người có thể bị bệnh cân bằng với “số lượng sinh sản cơ bản” của virus, số lượng cá thể mà một cá thể bị nhiễm sẽ lây nhiễm (giả sử một quần thể mà trong đó tất cả mọi người đều có thể bị bệnh, cảm lạnh thông thường là bệnh đặc hữu…).

Như vậy, ở góc độ khoa học, một căn bệnh có thể trở thành dịch bệnh, đại dịch hay bệnh đặc hữu tùy thuộc vào quy mô và mức độ lây lan dịch cũng như sự nguy hiểm của nó cho sức khỏe cộng đồng.

Khi số ca nhiễm vẫn còn tăng nhanh, tốc độ lây lan theo cấp số nhân, các dấu hiệu để bình thường hóa COVID-19 chưa rõ ràng thì việc loại COVID-19 ra khỏi danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A là điều cần phải cân nhắc thêm.

TS Đoàn Thị Phương Diệp 

Chấm dứt quyền và nghĩa vụ

Tại Việt Nam, Điều 3 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 ghi nhận có ba nhóm bệnh truyền nhiễm là A, B và C lần lượt với mức độ đặc biệt nguy hiểm cho đến nguy hiểm.

Ngày 29-1-2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định 219 về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Đến ngày 1-2-2020, Thủ tướng ban hành Quyết định 173 về việc công bố đại dịch COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu.

Từ hiệu lực của luật và các quyết định trên, các quyền (được chữa bệnh miễn phí…), trách nhiệm (phòng chống dịch, khai báo, trách nhiệm hình sự…) của người dân có đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai.

Do đó, nếu có văn bản chính thức từ Bộ Y tế loại bỏ bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra khỏi danh mục nhóm A, đương nhiên các quyền và trách nhiệm pháp lý trên sẽ chấm dứt. Chẳng hạn, các hành vi vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19 trước đây có thể bị xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì nay, nếu xem COVID-19 là bệnh thông thường, người vi phạm sẽ không còn phải chịu các trách nhiệm pháp lý này nữa.

Tóm lại, việc loại bỏ COVID-19 ra khỏi danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A sẽ kéo theo việc chấm dứt các ràng buộc pháp lý mà chúng ta đã điều chỉnh một cách khá hiệu quả bằng các quy định, chính sách trong thời gian qua.

Tuy nhiên, việc chấm dứt này có lẽ là chưa phù hợp trong bối cảnh thực tiễn hiện nay. Theo tôi, chỉ nên hạ cấp độ dịch và xác định nới lỏng tương ứng các biện pháp phòng chống dịch. Loại bỏ những biện pháp tốn kém và không hiệu quả như cách ly y tế, kiểm soát ra vào vùng dịch, ngừng hoạt động một số lĩnh vực kinh tế… là nên làm. Cạnh đó, việc duy trì các biện pháp như tuân thủ 5K là cần thiết để có thể sống chung an toàn với dịch bệnh.

Làm lây lan dịch bệnh sẽ không còn bị xử hình sự?

Ngày 29-1-2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định 219 về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Sau đó, căn cứ vào tình hình dịch bệnh, ngày 30-3-2020, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Công văn 45 về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Do vậy, nếu Bộ Y tế quyết định loại bỏ bệnh này ra khỏi danh sách và xem như bệnh thông thường thì các hành vi trước đây bị xem là phạm tội hình sự theo Công văn 45 thì nay sẽ không còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa. Khi đó, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cũng nên có công văn hướng dẫn cho phù hợp với tình hình.

Tương tự, những quy định, chế tài hành chính liên quan đến các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 như 5K sẽ trở thành khuyến cáo đối với người dân. Tuy nhiên, việc tuân thủ 5K có thể chuyển hóa thành quy tắc ứng xử mang tính đạo đức và thể hiện trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng…

ThS LƯU ĐỨC QUANG, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm