Xem nhẹ Ebola là dân lãnh đủ

Đại dịch Ebola lây lan với tốc độ chóng mặt tại thủ đô của ba quốc gia Tây Phi là Guinea, Liberia và Sierra Leone. Đột ngột bùng phát dữ dội từ giữa năm 2014 và âm ỉ đến nay, virus Ebola đã tạo nên một thảm họa hãi hùng khi tước đoạt sinh mạng của hơn 4.000 người. Dự báo của các tổ chức quốc tế cho thấy con số đó sẽ còn tăng lên nếu các nước không có những chiến dịch “đại chiến” thật sự quyết liệt với Ebola.

Sáu lý do “đáng sợ” về Ebola

PGS Benjamin Hale - chuyên gia ngành triết học và môi trường ĐH Colorado-Boulder (Hoa Kỳ) trong bài viết “Những điều nguy hiểm bậc nhất về virus Ebola” đã đưa ra năm nguyên nhân cho thấy sức tàn phá ghê gớm của đại dịch này.

Khả năng “sát hại” người bệnh khủng khiếp: Các chỉ số từ một bảng thống kê được cập nhật thường xuyên cho thấy rằng có đến 54% người nhiễm Ebola tử vong. Thậm chí thực tế có bằng chứng cho thấy con số đó còn lớn hơn nhiều, chiếm 70%. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến nay đã có hơn 4.033 ca tử vong.

Số ca nhiễm bệnh tăng theo cấp số nhân: Số lượng người nhiễm tăng gấp đôi sau khoảng ba tuần khiến một số nhà dịch tễ học lo ngại rằng sẽ có từ 77.000 đến 277.000 trường hợp sẽ bị nhiễm bệnh vào cuối năm 2014. Trong một mô hình giả lập tốc độ lây nhiễm của đại dịch Ebola được thực hiện bởi nhà toán học dịch tễ học Gerardo Chowell tại ĐH bang Arizona (Mỹ), chỉ cần một người bị nhiễm bệnh thì 100 người không được tiêm vaccine phòng bệnh sẽ bị lây nhiễm trong vòng một ngày. Ông Thomas Frieden, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ, cho biết: “Trong suốt 30 năm làm việc trong ngành y tế cộng đồng, tôi chưa từng thấy căn bệnh nào lây lan như thế này (đại dịch Ebola - ND) ngoại trừ đại dịch AIDS”.

Theo WHO, hiện đã có 8.376 người nhiễm Ebola tại châu Phi và toàn thế giới. Tuy nhiên, theo tờ The Day (Anh), vẫn còn rất nhiều người dân châu Phi kẹt lại ở những vùng không có cơ sở y tế, vì thế số ca nhiễm Ebola thực tế tại châu Phi có thể lên đến xấp xỉ 20.000.

Đột ngột bùng phát dữ dội từ giữa năm 2014 và âm ỉ đến nay, virus Ebola đã tạo nên một thảm họa hãi hùng khi tước đoạt sinh mạng của hơn 4.000 người. Ảnh minh họa: BBC

Khiến nạn nhân “chết thảm”: Nạn nhân bị nhiễm Ebola nếu không được cứu chữa kịp thời sẽ bị sốt huyết nội, sốt huyết ngoại tại tất cả cơ quan trong cơ thể dẫn đến tử vong.

Lây truyền quá dễ dàng: Điều đáng lo sợ là hiện nay việc lây lan Ebola vẫn còn vướng nhiều tranh cãi. Các nghiên cứu chỉ ra rằng virus Ebola lây truyền qua đường tiếp xúc với chất dịch cơ thể, bao gồm cả mồ hôi, nước mắt, nước bọt, máu, nước tiểu, tinh dịch... hoặc thông qua các “vật trung gian” như khăn trải giường, khăn mặt, quần áo, kim tiêm của người nhiễm Ebola hoặc người chết vì Ebola.

Nỗi lo virus Ebola đột biến: Ngoài các đường lây nhiễm nói trên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng Ebola còn có thể lây nhiễm qua đường không khí. Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh dịch của Mỹ (CDC) Tom Frieden đã lên tiếng thừa nhận virus Ebola có thể lây lan trong không khí.

Khả năng tàn phá nền kinh tế: Ngoài năm nỗi đáng sợ mà Benjamin Hale đã đề cập, Tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB) còn đưa ra lời cảnh báo rằng nếu trong năm nay Ebola không được khắc phục mà tiếp tục lan rộng đến các quốc gia đông dân hay bùng phát ở các lục địa khác thì những thiệt hại về tài chính mà đại dịch này gây ra có thể lên đến ít nhất là 32,6 tỉ đôla Mỹ. Ông Donald kaberuka, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Phi, khẳng định dịch Ebola chắc chắn sẽ lan xuyên biên giới và “ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu”.

“Khó dập tắt” vì dính đến yếu tố văn hóa

Tại các nước châu Phi, “văn hóa thịt rừng” vẫn là thói quen rất phổ biến. Nghiên cứu của WHO cho thấy thịt thú rừng như dơi, linh dương, nhím và khỉ…, vốn là những món ăn được ưa thích và thông dụng ở nhiều nước Tây Phi, là nguồn gốc ẩn chứa virus Ebola.

Bên cạnh đó, Ebola còn lây lan qua việc tiếp xúc với cơ thể người bị nhiễm bệnh. Các chuyên gia cho đây là nguyên nhân quan trọng khiến Ebola bùng phát tại lục địa đen. Bởi lẽ các nghi thức, tập tục ma chay tại châu Phi tạo điều kiện cho người sống tiếp xúc, va chạm với cơ thể người đã chết.

Các nghi thức “ôm nhau” rất bình thường và diễn ra thường xuyên trong tín ngưỡng tôn giáo ở Liberia và Sierra Leone. Trong nghi thức mai táng tại các nước này, việc tắm rửa, va chạm, thậm chí là hôn xác người chết (có địa vị cao trong xã hội) là điều mà mỗi người thân phải làm khi tiễn người đã khuất. Phụ nữ khi chết còn được chải tóc, trong khi nam giới được ban ân huệ cạo đầu. Điều này tạo điều kiện cho Ebola lây truyền khắp nơi.

Mặc dù các tổ chức y tế, sức khỏe đã tuyên truyền cách sinh hoạt với người nhiễm Ebola và xử lý xác chết nhưng vấn đề phong tục, tập quán vẫn là rào cản khiến tốc độ bùng phát của Ebola nhanh đến mức chóng mặt.

Phương Tây còn “xem thường” Ebola

Ngay cả đối với các quốc gia phương Tây, với hệ thống vệ sinh dịch tễ, kiểm soát an ninh sinh học tiên tiến và chất lượng y tế cộng đồng gấp châu Phi hàng trăm lần, các ca lây nhiễm Ebola đầu tiên đã bắt đầu xảy ra tại Mỹ và Tây Ban Nha. Người bị mắc bệnh lại chính là những nhân viên y tế, cam kết đã tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn bảo hộ sinh học khi tiếp xúc với người bệnh. Trong một dự đoán mới đây, có trên 50% xác suất đại dịch Ebola sẽ lan đến Pháp và Anh. Gần đây nhất, các chuyên gia lo ngại Ebola sẽ đến Trung Quốc trong vài tuần tới.

Dường như quá tự tin vào năng lực kiểm soát dịch của mình, các quốc gia phương Tây đang có dấu hiệu lơ là trong công tác phòng, chống đại dịch này. Chẳng hạn như trường hợp lây nhiễm đầu tiên tại Tây Ban Nha, nạn nhân đã phải thông báo về các triệu chứng đáng ngờ của cô đến bác sĩ những ba lần thì mới được tiến hành cách ly. Điều này làm tăng nguy cơ bệnh nhân có thể lây nhiễm thêm một số người trước khi các biện pháp phòng ngừa đúng đắn được thực hiện. Tương tự với hệ thống nhận diện sinh trắc học và đo nhiệt độ cơ thể của hành khách tại các sân bay Mỹ, các chuyên gia đánh giá hệ thống này vẫn có khả năng “để lọt” bệnh nhân nhiễm Ebola do quá trình ủ bệnh của virus này lên đến 20 ngày, khó phát hiện người bị sốt vì Ebola.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới