“Chống dịch COVID-19 còn hơn chống giặc vì giặc còn có trận tuyến, còn xác định được đối tượng mục tiêu chứ dịch chỉ chuyên ngành chuyên môn, vì nó ở trong mỗi con người” - Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP), khẳng định như vậy tại hội nghị về kiểm soát cửa khẩu và triển khai phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới Việt Nam (VN). Hội nghị vừa diễn ra vào ngày 10-3.
Chủ quan là chết
Bằng kinh nghiệm chỉ đạo chống dịch ở biên giới phía bắc trong thời gian qua, tướng Chiến nhấn mạnh “chủ quan là chết”.
Ông cho biết biên giới Tây Nam của VN khoảng 1.245 km nhưng là biên giới mở, có rất nhiều cửa khẩu: 50 cửa khẩu, đáng chú ý là có 29 cửa khẩu phụ, ngoài ra còn có hàng trăm đường mòn, lối đi truyền thống. Đó là chưa kể tới quan hệ tập quán hai bên biên giới rất thân mật, qua lại song thân, trao đổi hàng hóa cư dân hai bên biên giới. Bởi vậy việc quản lý cửa khẩu còn nhiều khó khăn, vất vả.
Tướng Chiến cũng nhấn mạnh “phòng ngừa là chính, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào VN là chủ yếu… Sẽ xem xét đóng cửa đường mòn, lối mở tùy theo tình hình cụ thể”.
Ông yêu cầu nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các cấp, người dân địa phương, nhất là cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Giao biên phòng các tỉnh phối hợp với các lực lượng công an, y tế… trong việc cách ly, ngăn chặn người nhập cư trái phép.
Ông chỉ đạo phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo về công tác quản lý biên giới và phòng, chống dịch COVID-19, giao biên phòng các tỉnh xây dựng kế hoạch tăng cường công tác bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch, thành lập ban chỉ đạo, các tổ phòng, chống dịch BĐBP, tổ chức phun thuốc khử trùng tùy theo điều kiện vật tư, tình hình dịch ở địa phương nhưng ít nhất ba ngày một lần… Những giải pháp căn bản như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt… liên tục được tướng Chiến nhắc lại.
Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội biên phòng, trao đổi cùng báo chí về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
“Tịch thu khẩu trang lậu, cấp lại cho dân, kỷ luật tính sau”
Báo cáo tại hội nghị, Đại tá Hồ Tú Điền, chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang, nói về vụ việc Đồn biên phòng cửa khẩu Hà Tiên bắt được hai vụ buôn lậu khẩu trang sang Campuchia với số lượng 30.000 chiếc.
Cụ thể, vào chiều 3-3, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và Hải quan cửa khẩu quốc tế Hà Tiên phát hiện một người Campuchia đang làm thủ tục xuất cảnh sang Campuchia, mang theo 200 hộp khẩu trang y tế với tổng số 10.000 chiếc.
Cùng thời điểm này, tại khu vực Bến Xuồng, phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên, tổ công tác của Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên phát hiện một vụ vận chuyển 400 hộp khẩu trang y tế với tổng số 20.000 chiếc.
“Nhiều người bảo phải làm theo quy định. Nếu theo đúng quy định thì phải sau 30 ngày, không đúng yếu tố khởi tố thì tịch thu sung công quỹ, hàng nào phải hủy thì hủy. Nhưng khẩu trang thì sao hủy. Khẩu trang dân mình còn thiếu, không có dùng, tôi báo lại ban chỉ đạo phòng, chống về vụ việc và xin phát lại cho người dân địa phương cùng cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Chúng tôi mang đi kiểm nghiệm trước rồi về chia số hàng lậu ấy cho các đồn để phát cho bộ đội và nhân dân. Chống dịch như chống giặc. Kỷ luật tính sau” - trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại tá Hồ Tú Điền nói.
Về câu chuyện này, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến khẳng định ngay tại hội nghị rằng cần học tập tinh thần trách nhiệm của chỉ huy trưởng BĐBP Kiên Giang. “Tôi khuyến khích cách làm của anh Tú Điền. Sau khi kiểm định đảm bảo khẩu trang chất lượng, không phải hàng giả báo cáo cho địa phương, Ban chỉ đạo 389 cấp lại cho biên phòng để biên phòng cấp lại cho người dân và lực lượng cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.
Chúng ta phải chủ động, có sự tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng. BĐBP trên tuyến đầu bảo vệ biên giới, đơn vị nào không hoàn thành nhiệm vụ chống dịch sẽ kỷ luật nặng người chỉ huy” - tướng Chiến nhấn mạnh.
Việt Nam đã có 34 trường hợp dương tính với COVID-19 Trong ngày 10-3, Bộ Y tế cho biết VN đã ghi nhận thêm ba trường hợp dương tính với COVID-19, nâng tổng số người nhiễm virus Corona chủng mới lên con số 34. Ca bệnh mới nhất là một phụ nữ tên ĐTLT, 51 tuổi, ở TP Phan Thiết, Bình Thuận. Người này từ Mỹ trở về VN vào sáng 2-3. Ca nhiễm COVID-19 thứ 33 tại VN là một người quốc tịch Anh, 58 tuổi, lưu trú tại Quảng Nam. Ông này là hành khách đi trên chuyến bay VN0054, cùng chuyến với ca nhiễm thứ 17. Ca nhiễm thứ 32 là nữ bệnh nhân 24 tuổi, quốc tịch VN, sống tại London, Anh và vừa trở về VN bằng chuyên cơ riêng thì được xét nghiệm dương tính với COVID-19. Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tạm đóng cửa 35 người của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã cho kết quả âm tính nhưng viện vẫn tạm đóng cửa đến hết ngày 15-3. Chiều 10-3, PGS-TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN, cho biết thông tin này. Sở dĩ viện phải tạm đóng cửa do có nhiều thành viên, trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt của đơn vị tiếp xúc trực tiếp với ông NQT (61 tuổi), bệnh nhân số 21, nguyên lãnh đạo viện, đến thăm cơ quan cũ. |