Xem xét vụ hết thời hiệu tòa vẫn xử

Ngày 4-11, ông Trần Văn Hiện, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau, xác nhận với Pháp Luật TP.HCM rằng đã có văn bản kiến nghị viện trưởng VKSND Tối cao liên quan vụ vợ chồng bà Nguyễn Thị Bắc kiện ông Trần Văn Tùng, yêu cầu hủy hai hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại Công ty TNHH Nam Bắc.

Hết thời hiệu, tòa vẫn thụ lý

Văn bản của HĐND tỉnh Cà Mau kiến nghị viện trưởng VKSND Tối cao xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm ngày 12-8 của TAND Cấp cao tại TP.HCM liên quan vụ án này.

Vụ này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cũng đã có văn bản gửi chánh án TAND Tối cao với nội dung tương tự.

Cụ thể, theo hai cơ quan trên, bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM có nhiều điểm chưa phù hợp quy định pháp luật. Theo đó, vụ việc đã hết thời hiệu khởi kiện nhưng hai cấp tòa vẫn thụ lý giải quyết. Ngoài ra, nội dung tòa tuyên án không toàn diện, không thể thi hành án được.

Phân tích về tính thời hiệu, hai cơ quan trên đồng nhận định rằng vợ chồng bà Bắc kiện ông Tùng đòi hủy hai hợp đồng chuyển nhượng cổ phần trị giá khoảng 30 tỉ đồng.

Tính đến ngày vợ chồng bà Bắc khởi kiện thì cả hai hợp đồng này đều đã được ký trên ba năm. Trong khi theo Điều 132 và Điều 429 BLDS 2015, thời hiệu giải quyết vụ án này là ba năm. Tuy nhiên, cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ án này đều không đưa vấn đề thời hiệu khởi kiện ra nhận định.

Ngoài ra, hai cơ quan trên cũng có cùng quan điểm nhận định về nội dung vụ án với cùng kết luận có nhiều vấn đề chưa phù hợp quy định pháp luật, không toàn diện, không thể thi hành án.

Dự án liên quan đến tranh chấp giữa bà Bắc và ông Tùng. Ảnh: TRẦN VŨ

Hai phiên xử, hai kết quả khác nhau

Theo hồ sơ, năm 2004, vợ chồng bà Bắc thành lập Công ty TNHH Nam Bắc, đầu tư dự án khu đô thị Bạch Đằng ở TP Cà Mau. Năm 2012 và 2016, vợ chồng bà Bắc chuyển nhượng cổ phần tại công ty cho ông Tùng.

Khi ông Tùng nắm trên 90% giá trị cổ phần thì ông đã đứng đầu công ty, vợ chồng bà Bắc sau đó rút khỏi vị trí đứng đầu.

Đến tháng 6-2019, vợ chồng bà Bắc kiện ông Tùng, yêu cầu hủy hai hợp đồng chuyển nhượng cổ phần nêu trên, đồng thời trả lại công ty cho vợ chồng bà.

Theo nguyên đơn, hai hợp đồng trên là giả cách nhằm mục đích nhờ ông Tùng đứng tên giúp để xử lý một số vấn đề tài chính khó khăn lúc bấy giờ chứ không phải là thật.

Trong khi bị đơn cho rằng hợp đồng này là thật. Ông đã chuyển nhượng và thanh toán bằng cách nhận nợ ngân hàng thay cho vợ chồng bà Bắc.

Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Cà Mau tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của vợ chồng bà Bắc. Sau đó, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm sửa án, tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc ông Tùng trả lại cho nguyên đơn gần 3 triệu cổ phần, tương đương khoảng 30 tỉ đồng.

Quyền kiến nghị xem xét giám đốc thẩm của HĐND, Đoàn ĐBQH

Phát hiện bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm: Trường hợp tòa án, VKS hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì phải thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của bộ luật này.

(Trích khoản 2 Điều 327 BLTTDS 2015)

Người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm

1. Chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND Cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

2. Chánh án TAND Cấp cao, viện trưởng VKSND Cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

(Trích Điều 331 BLTTDS 2015)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm