Khi tòa vận dụng nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị cáo

TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm vụ án Phạm Văn Vinh phạm tội trộm cắp tài sản. Tòa này đã vận dụng nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị cáo và áp dụng khung hình phạt nhẹ hơn tòa cấp sơ thẩm đã xử, đồng thời giảm án 1 năm tù cho bị cáo.

Phán quyết của này của tòa trùng với một phần quan điểm của đại diện VKS, ở chỗ VKS đồng ý áp dụng khung hình phạt nhẹ hơn tòa sơ thẩm đã xử nhưng đề nghị giữ nguyên mức án sơ thẩm hai năm sáu tháng tù.

Do tài sản bị trộm không được định giá, nên TAND TP.HCM suy đoán tài sản có giá dưới 2 triệu đồng là suy đoán có lợi cho người phạm tội.

Ngày 10-12-2019, Phạm Văn Vinh đi bộ vào chợ Kim Biên, quận 5, TP.HCM. Phía trước một sạp có để gói hàng gồm 96 cái áo lót phụ nữ cùng loại và 50 cái quần lót phụ nữ cùng loại, mới 100%, trị giá hơn 3,7 triệu đồng. Vinh bèn vác lên và ra khỏi chợ. Chủ sạp phát hiện nên đuổi theo và tri hô. Vinh liền vứt gói hàng rồi bỏ chạy nhưng bảo vệ chợ bắt được. 
VKSND quận 5 truy tố Vinh tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 173 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, gọi tắt là BLHS 2015). TAND quận 5 phạt Vinh hai năm sáu tháng tù, theo khoản 2 điều này.
VKSND quận 5 kháng nghị, đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 173 BLHS 2015 để xét xử và giảm hình phạt. Kháng nghị nêu: Năm 1988 và năm 1991, Vinh từng bị TAND quận 10 và TAND quận 5 kết án về tội trộm cắp tài sản của công dân.
Theo kết quả xác minh thì Chi cục Thi hành án dân sự quận 10 không có hồ sơ lưu trữ việc thi hành bản án của tòa quận 10, còn Chi cục Thi hành án dân sự quận 5 không thụ lý thi hành bản án của tòa quận 5. Tuy nhiên, hiện nay cũng đã hết thời hiệu thi hành hai bản án này. Tòa sơ thẩm cho rằng Vinh chưa được xóa án tích là không đúng.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 30-9-2020 mới đây, đại diện VKSND TP.HCM phát biểu rằng việc tòa sơ thẩm xác định bị cáo phạm tội thuộc trường hợp “tái phạm nguy hiểm” là không đúng. Tuy nhiên, bị cáo có nhân thân xấu, mức án sơ thẩm đã xử phạt là tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm. VKS đề nghị xử bị cáo theo khoản 1 Điều 173 BLHS 2015 nhưng giữ nguyên hình phạt.
HĐXX phúc thẩm nhận định: Đối với hai bản án nêu trên, bị cáo đã chấp hành xong nhưng đến nay vẫn chưa nộp án phí. Căn cứ khoản 2, 4 và 5 Điều 60 BLHS 2015 thì thời hiệu thi hành hai bản án này của Vinh đã lần lượt kết thúc. Kể từ khi hết thời hiệu thi hành án, bị cáo không còn phải chấp hành các bản án đã nêu (bao gồm cả phần hình sự và dân sự).
Mặt khác, hai lần trộm cắp đã bị kết án trước đây, bị cáo đều trộm xe đạp và bị bắt quả tang, tài sản được thu hồi trả cho bị hại nhưng không được định giá. Do không xác định được giá trị nên cần phải suy luận theo hướng những chiếc xe đạp này giá dưới 2 triệu đồng để đảm bảo việc không gây bất lợi cho bị cáo; đồng thời xác định bị cáo được đương nhiên xóa các án tích vào thời điểm trước khi phạm tội lần này.
Từ những nhận định này, TAND TP.HCM đã kết luận: Tòa sơ thẩm xác định bị cáo phạm tội thuộc trường hợp “tái phạm nguy hiểm” và kết án bị cáo theo điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS 2015 là không đúng, dẫn đến việc xử nặng, không tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, đặc điểm nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo được hưởng.

Bị cáo có nhân thân không tốt, ngoài hai án tích đã được xóa, năm 2018 bị cáo còn bị TAND quận 6 đưa đi cai nghiện bắt buộc. Bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại nên tòa giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. 

Từ đó, TAND TP.HCM đã xử theo khoản 1 và giảm án còn một năm sáu tháng tù.
Bị xử tội cướp vì đòi tiền “phạt”
Bị xử tội cướp vì đòi tiền “phạt”
Bốn người bị câm điếc bẩm sinh đến gặp bạn (cũng câm điếc) đòi tiền “phạt vạ” vì “tội” nói xấu. Người bị đòi tiền nói không có tiền nên bị đánh. Thế là bốn người kia bị xử tội cướp tài sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm