“Quan điểm của Sở về mặt kỹ thuật là ủng hộ doanh nghiệp (DN) thực hiện xây cầu nhưng dự án này không nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn của TP. Đây là dự án xã hội hóa, do đó phải đảm bảo sự đồng thuận cao giữa Nhà nước - DN - người dân”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT TP Cần Thơ, cho biết như trên.
Xin tự nguyện xây cầu
Cụ thể, tháng 6-2018, Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hiếu Nhân (Công ty Hiếu Nhân - PV, ấp Phước Trung, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) có công văn gửi UBND TP Cần Thơ xin chủ trương cho phép tự đầu tư xây mới cây cầu 5000 (tỉnh lộ 921, ấp Phước Trung). Toàn bộ kinh phí do công ty này đầu tư và sẽ bàn giao cho Nhà nước quản lý sau khi hoàn thành.
Theo đại diện Công ty Hiếu Nhân, cầu 5000 xây dựng đã lâu, chiều cao thông thuyền trung bình là 2,25 m, không đảm bảo độ thông thuyền và an toàn cho ghe thuyền qua lại. Trong khi đó, tại khu vực này, không chỉ có Công ty Hiếu Nhân mà còn có nhiều DN khác mỗi ngày nhập hàng ngàn tấn lúa về nhà máy để chế biến và xuất gạo ra thị trường. Theo đó, Công ty Hiếu Nhân tự nguyện đóng góp kinh phí hơn 7,3 tỉ đồng để nâng cấp, xây mới cầu 5000.
Nhận đơn đề nghị của DN, UBND TP Cần Thơ đã chuyển đến Sở GTVT xem xét. Do dự án không nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, không có kế hoạch cải tạo, nâng cấp nên Sở GTVT yêu cầu DN lập phương án thiết kế để Sở xem xét. Hồ sơ thiết kế hoàn chỉnh và trình Sở GTVT vào đầu tháng 8-2018.
Ngày 19-10-2018, Sở GTVT chủ trì cuộc họp với các sở, ban, ngành và địa phương để góp ý cho dự án. Các thành viên đại diện dự họp đã thống nhất với phương án mà DN đưa ra. Đồng thời, Sở GTVT có công văn yêu cầu DN cam kết các điều kiện đầu tư như đã thống nhất và phải phối hợp với địa phương tổ chức họp dân để tổng hợp các yêu cầu, kiến nghị của người dân gửi về Sở. Công ty Hiếu Nhân cũng đã làm theo cam kết này của Sở.
Cầu 5000 hiện hữu có chiều cao thông thuyền trung bình 2,25 m. Ảnh: NAM GIAO
Gặp khó vì 2 hộ dân phản đối
UBND xã Thạnh Phú cũng đồng ý để DN xây cầu nhưng lưu ý thiết kế phải phù hợp để tránh làm ảnh hưởng đến người dân sống hai bên mố cầu. Tuy nhiên, nếu cầu 5000 xây mới sẽ có khoảng 15 hộ dân bị ảnh hưởng.
Theo đó, xã Thạnh Phú đã tổ chức một buổi họp dân nhưng chỉ có sáu hộ tham gia. Do đó, Sở GTVT yêu cầu họp dân một lần nữa để có sự đồng thuận cao nhất, tránh khiếu nại.
Về những hộ dân bị ảnh hưởng, UBND huyện Cờ Đỏ đề nghị DN hỗ trợ chi phí hỗ trợ bồi hoàn như chi phí dời điện, ống cấp nước, điện chiếu sáng và phải đảm bảo có mặt bằng sạch để xây cầu tạm mới được tháo dỡ cầu cũ.
Tháng 11-2018, xã Thạnh Phú và DN tổ chức họp với 21 hộ dân. Tại buổi họp, đa số người dân đồng tình thống nhất chủ trương nâng cấp, tuy nhiên còn hai hộ bị ảnh hưởng trực tiếp từ đường dẫn tạm không đồng thuận cho thực hiện.
Hai hộ dân này cho hay: “Cầu sau khi xây xong thì lượng ghe lớn ra vào nhiều gây tiếng ồn, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh. Bên cạnh đó, nguy cơ làm sạt lở đất của gia đình là rất lớn”.
UBND huyện Cờ Đỏ sau cuộc họp này đã có công văn gửi Sở GTVT, trong đó quan điểm huyện đồng ý cho nâng cấp cầu với điều kiện 100% hộ dân phải thống nhất.
Đại diện Công ty Hiếu Nhân cho hay: “Cái khó của chúng tôi là biết dựa vào đâu, căn cứ nào để thỏa thuận vì đây là công trình xã hội hóa, chúng tôi tự nguyện bỏ tiền ra làm rồi bàn giao cho Nhà nước. Vì vậy, chúng tôi mới nhờ đến chính quyền nhưng mọi việc cứ lòng vòng thế này”.
Ông Bùi Anh Kiệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, cho hay: “Tuyến tỉnh lộ 921 do Sở GTVT quản lí, Sở có yêu cầu phải họp dân, tạo sự thống nhất trước khi thực hiện. Huyện/xã đã tổ chức họp dân, đích thân tôi cũng có tham dự. Tại cuộc họp, cơ bản người dân thống nhất chủ trương nhưng có yêu cầu bồi hoàn thỏa đáng khi di dời. Hiện có hai hộ phản đối nên UBND huyện có văn bản gửi Sở GTVT, Sở vẫn yêu cầu phải có sự đồng thuận thống nhất của người dân mới được thực hiện”.
Theo ông Kiệt hiện chưa có chủ trương phê duyệt của UBND TP có thống nhất cho dự án được thực hiện hay không nên huyện chờ và cũng không làm được gì khi chưa có chủ trương phê duyệt. “DN phát triển thì địa phương mừng và tạo điều kiện, ủng hộ. Tuy nhiên, đụng đến quyền lợi của dân thì phải thực hiện đúng quy trình” - ông Kiệt nói.
Ông Lê Tiến Dũng cho biết thêm: “Nếu là vốn ngân sách TP hoặc của huyện thì lập danh sách, phương án cưỡng chế này kia được, còn cái này là vốn toàn bộ của DN, đâu có làm vậy được. Sở vẫn tiếp tục tạo điều kiện cho địa phương và DN vận động, thỏa thuận với người dân. Nếu đạt được thì báo cáo UBND TP để chấp thuận đầu tư xây dựng, ngược lại thì UBND TP sẽ có văn bản trả lời yêu cầu của DN”.
Nâng cao cầu thêm 2,5 m Công ty Hiếu Nhân đưa ra thiết kế xây mới toàn bộ cây cầu gồm trụ bê tông, dầm thép, mặt đường trải nhựa, diện tích vẫn trên hiện trạng cầu cũ. Duy chỉ có nâng cao độ thông thuyền từ 2,25 m lên 4,75 m (cầu cũ dầm thép có mặt cầu trung bình 6 m, chiều cao thông thuyền trung bình là 2,25 m), tổng chi phí hơn 7,3 tỉ đồng. |