Sáng 16-8, Sở GTVT TP.HCM họp khẩn với Công an quận 2, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP và các đơn vị liên quan để xem xét nguyên nhân liên tiếp xảy ra các vụ lật xe trên cụm cầu vượt Cát Lái và tìm biện pháp ngăn chặn.
Lỗi chính do lái xe chạy ẩu
Tại cuộc họp, các ý kiến thống nhất nhận định: các vụ lật cả xe và container hoặc chỉ rớt thùng container khỏi xe đều rơi vào loại xe đầu kéo kéo sơmi rơmoóc chở thùng container 40 feet. Đây là loại xe có chiều rộng như nhiều xe tải khác nhưng dài và cao hơn, chở nặng hơn nên độ ổn định của xe khi chạy nhanh, chở nặng và vào cua là rất thấp. Điều đáng lo ngại là các vụ tai nạn trên đều xảy ra ở điểm cầu vượt nằm ngay trên đường chui phía dưới. Vì vậy, khi lật cả xe hoặc chỉ lật container thì nguy cơ xe và container rớt xuống dòng xe đang lưu thông phía dưới là rất cao.
Theo ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2, thiết kế cầu vượt Cát Lái đúng với quy chuẩn về giao thông, đặc biệt là độ cong và nghiêng của mặt đường ở ngay điểm xảy ra ba vụ tai nạn của nhánh A. Về nguyên lý, khi xe chạy thì gia tốc trọng trường và vận tốc sẽ tạo nên lực ly tâm của cả xe và thùng container tại ngay điểm cong và nghiêng trên. Nếu xe chạy đúng tốc độ quy định, trọng lực của xe và container không bị lệch ra phía ngoài chân đế nên không thể nào xảy ra những tai nạn như vừa qua.
Hiện trường vụ container lật khỏi xe đầu kéo trên cầu vượt Cát Lái ngày 26-7. Ảnh: LƯU ĐỨC
Trung tá Trần Văn Thương, Đội trưởng Đội CSGT Rạch Chiếc, cho biết theo thiết kế tốc độ của xe lưu thông qua cầu vượt là 60 km/giờ, trong khi tốc độ cho phép lưu thông với xe container trong đô thị là 40 km/giờ. Tuy nhiên, do thấy trước nguy cơ tai nạn xảy ra ở điểm cong cầu vượt nên ngay từ dưới đường dẫn các cơ quan chức năng đã gắn biển hạn chế tốc độ 30 km/giờ. “Mặc dù vậy, lái xe đầu kéo khi lên cầu vượt đều đi số cao, tốc độ lớn để lấy trớn nên dễ bị lật khi vào khúc cua!” - Trung tá Thương cho biết.
Theo Thiếu tá Huỳnh Văn Long, Phó Đội trưởng Đội CSGT - trật tự - phản ứng nhanh Công an quận 2, điều tra các vụ tai nạn cho thấy nhiều tài xế chủ quan, không chốt gù, cố định container vào thân xe chắc chắn nên khi qua đoạn vòng cua của cầu, thùng container bị văng ra khỏi xe. “Với các xe container chở hàng rời hoặc chất lỏng đóng trong các thùng phuy, khi xe qua cua với tốc độ lớn đã tạo ra sự xô đẩy, dồn các khối hàng hóa về một bên hoặc chất lỏng chao lắc mạnh dẫn đến lật cả xe hoặc container!” - Thiếu tá Long cho biết.
Tăng biển báo, xử phạt nghiêm…
Tại cuộc họp, cơ quan chức năng đã đề ra các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm ngăn chặn, tiến tới xóa “điểm đen” lật xe nêu trên. Theo đó, phía trước biển báo tốc độ 30 km/giờ ở đường dẫn lên cầu vượt sẽ làm các gờ giảm tốc liên tục. Dọc theo thành cầu sẽ gắn thêm nhiều biển báo hạn chế tốc độ và biển báo phản quang có mũi tên dẫn hướng vào cua. Trên mặt cầu sẽ sơn lại và đậm hơn vạch sơn phân làn đường cho xe nhỏ tốc độ cao đi về tay trái; xe lớn, tải nặng, chạy chậm đi bên tay phải đồng thời đóng các cọc cao su phản quang phân làn ngay giữa đường.
Ngoài ra, Trung tá Phạm Văn Tuyến, Phó Đội trưởng Đội CSGT Rạch Chiếc, đề nghị cần tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát của CSGT và thanh tra GTVT tại khu vực cầu vượt. “Phải cho gắn ngay biển báo có bắn tốc độ tại khu vực cầu vượt và cho gắn camera để các lực lượng chức năng có thể phạt nguội trong điều kiện quân số tuần tra ít!” - Trung tá Tuyến đề xuất.
Về lâu dài, tư vấn thiết kế cần coi lại hồ sơ kỹ thuật và thực tế xem độ cong của khúc cua đã phù hợp, khớp nhau chưa. Đồng thời, xem lại độ bám, nhám của mặt cầu vượt, nhất là ở ngay khúc cua. “Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông đô thị TP.HCM, chủ đầu tư dự án đại lộ Đông-Tây nhanh chóng làm thủ tục bàn giao cụm cầu vượt cho Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 để cụm công trình thường xuyên được chăm sóc, duy tu, bảo đảm giao thông!” - một cán bộ Sở GTVT cho biết.
Bốn vụ lật xe, container trên cầu vượt - Trưa 14-9-2010, một xe container chở gốm sứ theo hướng từ xa lộ Hà Nội vào cảng Cát Lái, đến khúc cua trên nhánh A đã bị lật nhào đè lên thành cầu vượt, gốm sứ bên trong gần như hư hỏng hoàn toàn. Đây là vụ lật xe container đầu tiên tại cụm cầu vượt Cát Lái. - Tiếp đó, sáng 24-6, tại nhánh B1 của cụm cầu vượt, hướng từ cảng Cát Lái ra xa lộ Hà Nội hướng vào nội thành, một container rơi từ trên xe xuống làm hư hỏng mặt và lan can cầu. - Ngày 26-7, một xe container lưu thông trên nhánh A cầu vượt Cát Lái từ hướng xa lộ Hà Nội vào cảng Cát Lái đã bị rớt container xuống mặt cầu. - 17 giờ ngày 11-8, một xe đầu kéo container lưu thông từ xa lộ Hà Nội về cảng Cát Lái đã bị lật nhào giữa nhánh A của cụm cầu vượt. Thanh chắn lan can cầu bị xe tông gãy. Chiếc xe bị hư hỏng nặng, hóa chất từ container chảy đầy ra đường. __________________________________________ Trên đường lên xuống cầu vượt Cát Lái nên có nhiều biển cảnh báo về tốc độ, các biển báo cần to, rõ, dễ nhìn hơn. Nên phạt thật nặng, thậm chí giữ giấy phép lái xe để tài xế có trách nhiệm và thực hiện đúng luật. HUỲNH CÔNG(Lái xe HTX số 9) Có lần tôi lái xe con lên cầu vượt Cát Lái mà phát hoảng với cảnh lái xe đầu kéo cố nhấn ga, lấn sang làn dành cho xe con. Khi đó, tốt nhất là nên lùi lại chứ đừng chạy song song, nhất là khi vào khúc cua vì lỡ xe hoặc container lật thì mình coi như… toi! TÔ MAI LĨNH (đường Sư Vạn Hạnh, quận 10) Đôi khi chạy xe máy song song với những xe container, tôi để ý có rất ít xe móc chốt các thùng container một cách cẩn thận. Điều này rất nguy hiểm khi xe vào những khúc cua gấp như ở cầu vượt Cát Lái. MINH HÙNG (đường Trần Xuân Soạn, quận 7) |
LƯU ĐỨC - HOÀNG LONG