Xóa dự án treo khu Mả Lạng, người dân được làm những gì?

(PLO)- Hủy dự án nhưng ô phố này vẫn thuộc quy hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị nên quyền lợi về nhà đất của người dân trước mắt vẫn bị hạn chế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã ra thông báo kết luận về việc thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, quận 1 của Ban cán sự đảng TP.HCM. Như vậy, sau 17 năm dự án “treo” không thực hiện, khi bị hủy bỏ, quyền lợi của người dân được khôi phục ra sao?

Người dân phấn khởi

Khu Mả Lạng lâu nay tập trung chủ yếu là người dân lao động, nhà cửa có diện tích nhỏ và “siêu” nhỏ. Thậm chí chỉ có không ít “căn nhà” chỉ 3-5 m2 và rất nhiều trong số đó không có chủ quyền nhà đất.

Mấy ngày nay, người dân sống tại khu Mả Lạng xôn xao vì thông tin dự án tứ giác Nguyễn Cư Trinh đã bị xóa bỏ. Con hẻm 245 dẫn vào khu dân cư nhà bỗng xôm tụ hơn hẳn ngày thường. Nhiều người túm lại bàn tán rôm rả về thông tin dự án vừa bị thu hồi.

“Xóa dự án rồi nha, tôi mới nghe nói xong! May quá, chứ không biết đến bao giờ nhà cửa mới yên ổn” - ông Thanh ở hẻm 245 đường Nguyễn Trãi chạy xe đi công chuyện nhưng không quên thông báo cho bà bán nước đầu hẻm.

Bà Bùi Thị Lợi, 76 tuổi cũng không giấu nổi sự phấn khởi: “Tôi cũng vui, sống mấy chục năm ở đây, dân tình hàng xóm thân quen, bệnh tật ốm đau đều giúp đỡ nhau. Nay dự án được xóa rồi thì tốt quá. Tôi cũng như bà con ở đây đều muốn sống ổn định tại nơi này chứ không muốn dời đi đâu”.

Bà Lợi cho biết người dân trong khu vực nghe nói về việc thu hồi giải tỏa khu này từ rất lâu. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua mà vẫn chưa thấy gì. “Nhà cửa chỉ được sửa chữa nhưng chỉ tạm thôi, không được xây dựng gì cả” - bà Lợi nói thêm.

Cùng chung niềm vui, bà Phan Thị Cẩm Linh, 71 tuổi, nói gia đình bà sinh sống ở đây từ lâu. “Có dạo nhà cửa chật chội, mối mọt ăn mất mấy cây cột, không chừng muốn sập. Nhà vướng vào dự án, không được xây dựng nên đã sửa sang lại chút ít để ra vào thoải mái hơn. Nghe thông tin xóa dự án, tôi hy vọng sẽ tốt hơn” - bà Linh bày tỏ.

Khoảng từ năm 2000, ô phố có diện tích 6,8 ha, giới hạn bởi bốn tuyến đường Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh, Trần Đình Xu và Nguyễn Trãi (hay còn gọi là khu Mả Lạng) được đưa vào quy hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị. Nhà đất của hơn 1.400 hộ dân (với hơn 10.000 nhân khẩu) trong khu vực này đã bị hạn chế xây dựng khi nằm trong quy hoạch.

Nhất là khi dự án có chủ đầu tư là Tập đoàn Bitexco và có thông báo thu hồi đất, người dân chỉ được sửa chữa nhà cửa, không được xây dựng mới. Mọi giao dịch khác liên quan đến nhà đất như sang nhượng, tặng cho, cầm cố… cũng hoàn toàn bị cấm theo quy định. Cuộc sống của người dân khó khăn hơn.

Nhà của người dân trong khu Mả Lạng. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Nhà của người dân trong khu Mả Lạng. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Xóa dự án nhưng quy hoạch vẫn còn

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận 1, chia sẻ ông cũng rất vui khi TP chấm dứt chủ trương đầu tư dự án vì đã để quá lâu nhưng chủ đầu tư không thực hiện. Quận 1 được giao thu hồi, hủy bỏ hơn 1.400 thông báo thu hồi đất đã ban hành trước đây để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Ông Vinh cho biết dự án chậm triển khai đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Bởi khi đã có thông báo thu hồi đất thì nhà đất của người dân không được chuyển dịch: Không được xây dựng mới, tặng cho, tách thửa, chuyển nhượng, chỉ được sửa chữa…

“Quá trình giải quyết các vụ việc phát sinh của người dân trong khu vực này có những trường hợp vợ chồng ly hôn nhưng không thể làm thủ tục phân chia tài sản nên dù đã ly hôn nhưng vẫn phải sống chung nhà. Nhiều người muốn cho chia nhà đất cho con cũng không thực hiện được” - ông Vinh thông tin.

Liên quan đến việc khôi phục quyền lợi của người dân sau khi dự án hủy bỏ, ông Vinh cho biết quyền lợi về nhà đất của người dân sẽ được khôi phục như trước khi có dự án. Tuy nhiên, do khu vực này vẫn nằm trong quy hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị nên người dân vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng.

Theo đó, nhiều quyền lợi khác sẽ được khôi phục hoàn toàn như được mua bán, cho tặng, thừa kế, cầm cố. “Tuy nhiên, việc xây dựng sẽ bị hạn chế vì luật hiện hành chỉ cho phép xây dựng có thời hạn trong khu vực đã có quy hoạch. Về điều kiện công trình xây dựng có thời hạn cũng đã được quy định rõ tại Quyết định 26/2017 của UBND TP” - Phó Chủ tịch quận 1 cho hay.

Chiều 16-3, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phát, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 1, đã thông tin với báo chí về các vấn đề liên quan đến dự án này sau khi thu hồi.

Theo đó, sau khi có văn bản chính thức về việc thu hồi dự án của cơ quan có thẩm quyền, quận 1 sẽ hỗ trợ cho người dân trong khu vực để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân theo quy định về đất đai, xây dựng.

“Quận cũng sẽ xem xét, cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng và các luật khác có liên quan. Về thành phần hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng, quận 1 nói sẽ có thông báo để phường triển khai cho người dân trong khu vực được rõ” - ông Phát nói.•

Đề xuất phương thức thực hiện dự án mới vào quý II-2023

Trong thông báo thu hồi chủ trương đầu tư dự án, Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo giao Sở KH&ĐT phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan tham mưu văn bản UBND TP trả lời cho nhà đầu tư (Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco) không có cơ sở xem xét việc nhà đầu tư đề nghị tiếp tục thực hiện dự án khu Mả Lạng theo quy định xử lý chuyển tiếp của Luật Đầu tư năm 2020 và triển khai dự án BV Sài Gòn. Đồng thời tham mưu dự thảo công văn của UBND TP gửi Bộ KH&ĐT, Văn phòng Chính phủ về nội dung trên.

Sau khi dự án được thu hồi, Sở KH&ĐT cũng được giao tham mưu UBND TP thành lập tổ công tác rà soát thực hiện dự án này và dự án khu tam giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học. Tổ công tác khẩn trương làm việc, đề xuất UBND TP về phương thức thực hiện dự án trong quý II-2023, đảm bảo khả thi, đúng quy định pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tối đa quyền lợi của người dân.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm