Sáng 22-10, dự thảo nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trình bày.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nói nên xóa hẳn nợ thuế để khuyến khích doanh nghiệp, người dân quay lại kinh doanh, trừ trường hợp người nộp thuế vi phạm pháp luật.
Bộ trưởng Dũng nêu sự cần thiết phải ban hành nghị quyết bởi số nợ thuế có những khoản là “ảo” do những quy định của pháp luật và thực tế vận hành của nền kinh doanh. Bộ trưởng Dũng cũng trình bày chi tiết bảy đối tượng được xem xét xóa nợ thuế nhưng đề xuất khi các tổ chức, cá nhân quay lại kinh doanh thì phải nộp lại khoản nợ đã được xóa.
Thẩm tra dự thảo này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình vì nghị quyết này là cần thiết. Tuy nhiên, việc khôi phục các khoản nợ đã được xóa thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình hết.
Cụ thể, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói như sau:
“Đối với trường hợp các đối tượng được xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp khi quay lại sản xuất kinh doanh thì phải hủy quyết định xóa nợ, khoanh nợ (nếu có) và nộp vào ngân sách khoản nợ đã được xóa, Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng để khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp quay lại sản xuất kinh doanh, đề nghị không thu hồi, trừ các trường hợp được xóa nợ do bỏ trốn, bỏ địa chỉ kinh doanh, bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do vi phạm pháp luật và các trường hợp đã được xóa nợ sai quy định”.
Sau khi phân tích rõ hơn, ông Hải nói: Ủy ban Tài chính-Ngân sách cơ bản nhất trí với dự thảo nghị quyết, tuy nhiên đề nghị rà soát việc xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với đối tượng người nộp thuế đã bị các cơ quan có thẩm quyền thu hồi các giấy chứng nhận về kinh doanh vì các lý do được liệt kê trong Luật Doanh nghiệp.
“Đề nghị không xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với các đối tượng không tuân thủ theo quy định của pháp luật” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội nói thêm.
Nghị quyết này dự kiến được thực hiện trong ba năm kể từ ngày 1-7-2020. Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng đa số các ý kiến trong Ủy ban đều nhất trí với dự thảo nghị quyết nhưng cũng có những ý kiến khác. Bởi vì có những khoản nợ được xóa không chỉ thực hiện trong ba năm hoặc có các khoản nợ sau ba năm mới được phát hiện thì vẫn phải được khoanh, xóa nợ theo nghị quyết này.
Trong trường hợp cần thiết để giải quyết dứt điểm các khoản nợ không có khả năng thu nộp ngân sách nhà nước thì đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ tổ chức thực hiện nghị quyết này trong ba năm. Vì vậy, Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị sửa lại theo hướng “báo cáo Quốc hội cụ thể, chi tiết về kết quả xử lý hằng năm khi trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước”.
Ủy ban Tài chính-Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn trách nhiệm của các bên liên quan để xảy ra tình trạng nợ thuế lớn, kéo dài nhiều năm và đánh giá tác động đối với việc khoanh, xóa các khoản nợ liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Với các DNNN, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc xử lý tiền nợ thuế vì việc này phải được xử lý trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.