Xử lý nghiêm vụ khai thác cát ở cửa sông Hàm Luông

(PLO)- UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu làm rõ hành vi vi phạm có tổ chức, việc lợi dụng chủ trương của tỉnh để trục lợi, khai thác, mua bán trái phép nếu có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra xử lý.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, UBND tỉnh Bến Tre đã có văn bản giao công an tỉnh chỉ đạo đơn vị chức năng hỗ trợ UBND huyện Thạnh Phú lập hồ sơ, xử lý nghiêm vụ việc khai thác cát trái phép ở cửa sông Hàm Luông.

Bắt tàu “khủng” hút cát trái phép

Trước đó, ngày 29-5, tổ công tác gồm Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Bến Tre, Đồn biên phòng Cổ Chiên, Công an huyện Thạnh Phú và Công an xã Thạnh Hải phát hiện tàu hút cát chuyên dụng SG-7791 được lai dắt bằng tàu gỗ ST-06347 đang hút cát trái phép tại vùng cửa sông Hàm Luông. Vị trí phát hiện phương tiện bơm hút cát trái phép cách Nhà máy điện gió số 5 của Công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu Bến Tre khoảng 1 km.

Các phương tiện liên quan trong vụ khai thác cát trái phép ở cửa sông Hàm Luông. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Các phương tiện liên quan trong vụ khai thác cát trái phép ở cửa sông Hàm Luông.
Ảnh: ĐÔNG HÀ

Tại thời điểm này, tàu SG-7791 và tàu gỗ lai dắt do ông Nguyễn Duy Huynh (ngụ Bình Dương) là người trực tiếp quản lý. Theo ông Huynh, khi lực lượng chức năng kiểm tra, phương tiện của ông đang bơm hút cát là thực hiện theo hợp đồng nạo vét giữa Công ty cổ phần Khai thác khoáng sản Nhân Hòa Phú Quốc (do ông làm tổng giám đốc) và Công ty cổ phần Đầu tư TGDH (viết tắt là Công ty TGDH) với nội dung thi công nạo vét thông luồng dự án Nhà máy điện gió số 5 vùng biển xã Thạnh Hải.

Cùng nội dung trong hợp đồng nêu trên, ông Huynh còn trưng ra hàng loạt hợp đồng dây chuyền có liên quan gồm: Hợp đồng giao khoán nạo vét giữa Công ty TGDH và Công ty cổ phần Viet Daishin; hợp đồng giao khoán việc giữa Công ty cổ phần Viet Daishin và Công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu Bến Tre cùng các bản vẽ sơ đồ vị trí thi công nạo vét thông luồng dự án Nhà máy điện gió số 5.

Bên cạnh đó là thông báo của Công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu Bến Tre về việc thi công hạng mục nạo vét để phương tiện tiếp cận các tua bin Nhà máy điện gió số 5, trong đó nêu: “Liên doanh giữa Tập đoàn Đông Đô - Bộ Quốc phòng và Công ty cổ phần Viet Daishin có trách nhiệm vận chuyển bùn, cát ra ngoài phạm vi dự án”.

“Công ty chúng tôi chỉ là đơn vị làm thuê, thấy các hợp đồng đầy đủ và thông tin về dự án rõ ràng, tôi mới cho phương tiện tới thực hiện nạo vét. Tất cả các hợp đồng và giấy tờ có liên quan tôi đã cung cấp đầy đủ cho cơ quan công an” - ông Huynh cho hay. Cũng theo ông Huynh, dù không ghi rõ trong hợp đồng nhưng số cát khai thác được, các công ty có liên quan và Công ty Nhân Hòa Phú Quốc thỏa thuận miệng bán cho các sà lan đến mua với giá 85.000 đồng/khối.

Trao đổi với PV, ông Đào Công Thương, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú, cho biết vị trí các phương tiện bị lực lượng chức năng phát hiện khai thác cát trái phép nằm ngoài phạm vi được UBND tỉnh và huyện cho chủ trương nạo vét phục vụ thi công Nhà máy điện gió số 5.

“Chủ trương của tỉnh quy định rõ là sản phẩm nạo vét được tận thu phục vụ san lấp mặt bằng cho việc thi công Nhà máy điện gió số 5. Trường hợp doanh nghiệp dự án không tận thu được sản phẩm nạo vét thì phải giữ lại tài nguyên này và tập trung lại một điểm nhất định, không được vận chuyển hay mua bán” - ông Thương cho biết.

Công an đang thụ lý, điều tra

Ngày 16-6, Thượng tá Mai Văn Phúc, Trưởng Công an huyện Thạnh Phú, cho biết công an huyện đang thụ lý, điều tra liên quan đến vụ khai thác cát trái phép trên.

Chủ đầu tư nói “không liên quan”

Liên quan đến vụ việc trên, PV đã liên hệ qua điện thoại với ông Mai Văn Long, người đại diện của Công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu Bến Tre, ông Long khẳng định tàu hút cát bên ngoài, không liên quan gì đến dự án Nhà máy điện gió số 5 của Công ty cổ phầnTân Hoàn Cầu Bến Tre. “Tàu thuyền ở đâu vào, nói của dự án đâu có đúng. Phương tiện của công ty tôi có số hiệu đăng ký chứ đâu phải làm khơi khơi vậy” - ông Long nói.

PV đặt câu hỏi: Giữa Công ty cổ phầnTân Hoàn Cầu Bến Tre và các công ty liên danh có ký hợp đồng nạo vét luồng phục vụ thi công Nhà máy điện gió số 5 không? Ông có ý kiến gì về các hợp đồng nạo vét mà phía ông Huynh đưa ra? Ông Long nói: “Hợp đồng tôi có ký gì đâu mà hợp đồng, tôi có biết gì đâu mà hợp đồng, tôi chưa làm gì hết”. Ngoài ra, ông Long không nói gì thêm.

Về phía Công ty cổ phần Viet Daishin, ông Nguyễn Mạnh Thao, Giám đốc công ty, xác nhận có ký hợp đồng với Công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu Bến Tre để nạo vét luồng phục vụ thi công Nhà máy điện gió số 5. Và sau đó, Công ty cổ phần Viet Daishin ký hợp đồng với Công ty TGDH để thực hiện nạo vét. Tuy nhiên, ông Thao cho biết chưa có lệnh cho đơn vị này tiến hành nạo vét.

Tiếp tục trao đổi với ông Trần Văn Trường, Tổng giám đốc Công ty TGDH, ông Trường xác nhận chưa nhận được lệnh khởi công của Công ty cổ phần Viet Daishin. Thời gian qua, công ty chỉ cho phương tiện tập kết đến khu vực nạo vét và đang tiến hành thử máy. •

Phạm vi được nạo vét dài 200 m, sâu không quá 1,5 m…

Năm 2019, UBND tỉnh Bến Tre có văn bản chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu Bến Tre (chủ đầu tư Nhà máy điện gió số 5) triển khai nạo vét luồng lạch để vận chuyển các trang thiết bị phục vụ thi công Nhà máy điện gió số 5 tại xã Thạnh Hải. Phạm vi được cho phép nạo vét có chiều dài 200 m tính từ bờ biển hiện hữu, chiều rộng 50-60 m, sâu không quá 1,5 m.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm