Ngày 8-1, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 sau một năm đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân đã ghi nhận những nỗ lực của KTNN và lưu ý những điểm quan trọng trong năm 2020.
Tập trung vào chất lượng kiểm toán
Báo cáo tại hội nghị, Phó Tổng KTNN Nguyễn Quang Thành cho hay năm 2019, KTNN đã quyết liệt thực hiện chủ trương cắt giảm số cuộc kiểm toán so với năm 2018 để tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán. Đầu mối kiểm toán cũng được giảm.
Các giải pháp như hoán đổi đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, lập kế hoạch kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; xác định và công khai chi tiết danh mục cụ thể các đơn vị, đầu mối, dự án được kiểm toán ngay từ đầu năm… tiếp tục được triển khai, áp dụng.
Trong công tác xây dựng pháp luật, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 154 văn bản nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể và cá nhân.
“Qua kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán. Trong đó có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập. Cụ thể như thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập, bệnh viện công lập; thực hiện hợp đồng BT, BOT; công tác quản lý thuế, đất đai, tài nguyên khoáng sản; cơ chế quản lý, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tín dụng...” - ông Thành nói.
Kiến nghị của KTNN về sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 19 văn bản nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước tránh thất thoát, lãng phí cũng được triển khai. KTNN cũng tổng hợp kiến nghị xử lý trách nhiệm 29 tập thể và cá nhân theo quy định.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: C.LUẬN
Công khai, minh bạch, tăng cường liêm chính của cán bộ
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân sau khi thay mặt Đảng và Nhà nước đánh giá cao và biểu dương những kết quả, thành tích của KTNN đã nhận định: Những kết quả ấy có ý nghĩa thiết thực, đánh dấu sự trưởng thành, tiến bộ vượt bậc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của KTNN sau 1/4 thế kỷ xây dựng và phát triển.
Trong năm 2020, Chủ tịch QH đề nghị KTNN cần chủ động phối hợp và cung cấp các thông tin kịp thời, xác thực phục vụ hoạt động của QH, Ủy ban Thường vụ QH, HĐND các địa phương và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Bà Ngân cũng đề nghị KTNN tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2020 theo đúng quy định của pháp luật, trong đó tập trung kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và các nội dung phục vụ cho đánh giá năm năm thực hiện kế hoạch tài chính năm năm quốc gia và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
73.000 tỉ đồng là số tiền KTNN đã kiến nghị xử lý tính đến ngày 31-12-2019. Trong đó tăng thu ngân sách nhà nước 10.276 tỉ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 16.829 tỉ đồng, kiến nghị khác là 45.732 tỉ đồng. Đến ngày 31-12-2019, các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan đã thực hiện 63.102 tỉ đồng/92.499 tỉ đồng, đạt 70,4% tổng số kiến nghị xử lý tài chính. |
“Toàn ngành và từng kiểm toán viên nhà nước phải luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, trách nhiệm, trung thực, bảo đảm nguyên tắc “hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Đồng thời không ngừng tăng cường công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại hóa trong hoạt động; bảo đảm công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Cùng đó là phân tích, đánh giá chính xác nguyên nhân để có giải pháp tăng tỉ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN” - Chủ tịch QH yêu cầu.
Chủ tịch QH lưu ý KTNN cần tiếp tục kiện toàn công tác cán bộ, xây dựng, đào tạo đội ngũ công chức, kiểm toán viên trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Cùng đó là xây dựng bản lĩnh chính trị của đội ngũ thật vững vàng, kiến thức, kinh nghiệm phong phú, tính chiến đấu cao, kỹ năng nghiệp vụ thuần thục, phương pháp công tác khoa học, sâu sát, thận trọng.
“KTNN cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát và giám sát trong hoạt động công vụ; thực hiện các giải pháp về giáo dục chính trị, tư tưởng, tính gương mẫu, liêm chính của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của KTNN. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm những cá nhân liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật, những biểu hiện sai trái, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” - Chủ tịch QH nói.
Theo Chủ tịch QH, vị thế của KTNN ngày càng được đề cao, quyền hạn, trách nhiệm đã được nâng lên. “Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước luôn quan tâm, ủng hộ nhưng cũng đòi hỏi, mong muốn KTNN phải làm tốt hơn nữa trách nhiệm của cơ quan kiểm tra tài chính công “công minh, chính trực, nghệ tinh, tâm sáng”” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Kiểm toán Nhà nước sẽ vào cuộc hàng loạt dự án nóng Mới đây, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc đã ký ban hành quyết định kế hoạch kiểm toán 2020. Tổng số cuộc kiểm toán mà KTNN sẽ tiến hành là 158. Ngoài kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước tại Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, KTNN sẽ kiểm toán 16 bộ, cơ quan trung ương và 40 tỉnh, thành trực thuộc trung ương; chín cuộc kiểm toán hoạt động; 21 cuộc kiểm toán chuyên đề. Cùng đó là kiểm toán 40 dự án đầu tư xây dựng; 16 cuộc kiểm toán các tổ chức tài chính, ngân hàng và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; chín cuộc kiểm toán lĩnh vực quốc phòng, an ninh và sáu cuộc kiểm toán lĩnh vực an ninh, khối cơ quan đảng. Đặc biệt KTNN sẽ thực hiện 40 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm như các dự án BT thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM; đầu tư xây dựng đường vành đai II, III, TP Hà Nội; các tuyến đường trên tuyến quốc lộ 1A; tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020. Cùng đó là các dự án thủy lợi (hồ chứa nước Đồng Mít; hệ thống thủy lợi Tân Mỹ; hồ chứa nước sông Lũy, bắc sông Chu - nam sông Mã; đập ngăn mặn sông Hiếu; hồ chứa nước Mỹ Lâm; hồ chứa nước sông Chò I); dự án vệ sinh môi trường TP.HCM; đường dây 500 kV Long Phú - Ô Môn; Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1 và dự án đường sắt đô thị Hà Nội... |