Xử vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng: Tranh luận về tội danh của một số bị cáo

(PLO)- Bị cáo Đào Ngọc Viễn (vai trò cầm đầu) đề nghị chuyển khung hình phạt, trong khi đó một số bị cáo khác mong được chuyển tội danh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-11, TAND tỉnh Đồng Nai tiếp tục xét xử sơ thẩm Phan Thanh Hữu (giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) và 73 bị cáo trong đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam.

Đề nghị xem xét số tiền thu lợi bất chính

Trong vụ án này, bị cáo Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) được xác định là một trong những bị cáo có vai trò cầm đầu. VKS cáo buộc bị cáo Viễn phạm tội buôn lậu gần 200 triệu lít xăng, thu lợi bất chính gần 47 tỉ đồng. Hành vi của bị cáo Viễn là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến hoạt động quản lý kinh tế nhà nước về xuất nhập khẩu nói chung và trong lĩnh vực xăng dầu nói riêng. Vì vậy, VKS đề nghị mức án 16-17 năm tù đối với bị cáo này.

Bị cáo Đào Ngọc Viễn được xác định có vai trò cầm đầu trong vụ án. Ảnh: VŨ HỘI

Bị cáo Đào Ngọc Viễn được xác định có vai trò cầm đầu trong vụ án. Ảnh: VŨ HỘI

Trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho bị cáo Viễn đồng ý với tội danh mà VKS đã truy tố. Tuy nhiên, số lượng chuyến xăng, trọng tải chở của các tàu cần phải xác định lại dựa trên số lượng thực tế sau khi đã cấn trừ tiêu hao. Ngoài ra, số tiền thu lợi bất chính của các bị cáo cũng cần làm rõ, lời không đến 2.000 đồng/lít vì còn cấn trừ lại các chi phí như: Tiền “bôi trơn”, tiền thuế, các khoản chi phí khác….

Ngoài ra, LS cho rằng việc giao nhận xăng lậu được thực hiện tại phần lãnh hải nước ngoài, không phải trong nước và cơ quan điều tra chưa xác định được số xăng bị cáo Viễn bán sang Campuchia. Đồng thời, theo lời khai, bị cáo Viễn đã đầu thú với nguyên giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai nhưng lại không có biên bản đầu thú và không triệu tập cán bộ công an đến phiên tòa để làm rõ nội dung này là vi phạm tố tụng.

Do đó, luật sư đề nghị trả tòa hồ sơ vụ án hoặc chuyển khung hình phạt từ khoản 4 sang khoản 3 Điều 188 BLHS (tội buôn lậu) đối với bị cáo Viễn.

Tranh luận lại, đại diện VKS cho rằng số lượng xăng nhập lậu, số chuyến hàng, khoản tiền thu lợi bất chính được xác định dựa trên cơ sở tài liệu, giấy tờ, sổ sách thu được từ nhà của các bị cáo và trên các tàu vận chuyển xăng; quá trình lấy lời khai, xét hỏi các bị cáo phù hợp với nhau để có số liệu như trong cáo trạng truy tố. Về số tiền thu lợi bất chính, từ tài liệu thu giữ và các bị cáo tự xác định số tiền thu lợi hơn 2.000 đồng/lít là số tiền thu lợi thấp nhất, có lợi nhất cho các bị cáo.

Với ý kiến của luật sư về việc cần xác định số xăng bị cáo Viễn nhập lậu sang Campuchia, đại diện VKS cho biết cáo trạng chỉ xác định số xăng tiêu thụ tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu xác định như lời khai của bị cáo Viễn là có bán hàng sang Campuchia thì HĐXX cần kiến nghị trong bản án về việc xem xét tách sang một vụ án khác để làm rõ thêm hành vi bán hàng sang Campuchia của các bị cáo.

Từ đó, VKS cho rằng luật sư đề nghị trả hồ sơ hoặc chuyển khung hình phạt đối với bị cáo Viễn là không có căn cứ.

Tương tự, trong phiên tranh luận đối với bị cáo Phan Thanh Hữu (65 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM), luật sư bào chữa cho bị cáo Hữu cho rằng số lượng xăng các bị cáo buôn lậu trong cáo trạng không trùng khớp với số lượng bị cáo khai tại phiên tòa. Tuy nhiên, đại diện VKS bảo lưu quan điểm như trong bản luận tội.

Luật sư đề nghị chuyển tội danh

Cũng tại phiên xử, luật sư bào chữa đề nghị chuyển tội danh cho bị cáo Nguyễn Minh Khoa (52 tuổi, quê TP Hải Phòng) và Trần Văn Việt (36 tuổi, Ninh Bình, thuyền trưởng tàu Western Sea).

VKS xác định bị cáo Khoa và Việt đã giúp sức tích cực cho Đào Ngọc Viễn trong việc quản lý, điều hành các tàu Pacific Ocean, Western Sea và vận chuyển xăng lậu từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ. Do đó, bị cáo Khoa và Việt phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm giúp sức cho bị cáo Viễn với tình tiết định khung tăng nặng.

Trong phần tranh luận, luật sư bào chữa đề nghị chuyển tội danh cho bị cáo Khoa từ tội buôn lậu (Điều 188 BLHS) sang tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189 BLHS). Theo luật sư, bị cáo Khoa và Việt không đồng phạm với bị cáo Viễn về tội buôn lậu, bởi lẽ không có sự bàn bạc, thỏa thuận và không tham gia mua bán xăng; không hưởng lợi nhuận từ hoạt động buôn lậu xăng dầu và chỉ thực hiện chuyên môn làm thuyền trưởng, vận chuyển thuê được trả lương của người làm công. Công việc của bị cáo Khoa và Việt chỉ là quản lý về mặt con người, kỹ thuật, lái tàu theo sự chỉ đạo của Viễn, còn lại không biết việc buôn lậu xăng.

Song đại diện VKS khẳng định có đủ tài liệu chứng minh bị cáo Khoa và Việt đã giúp sức cho Viễn mua xăng nhập lậu về tiêu thụ tại Việt Nam. Lời khai của bị cáo Khoa, Việt và các bị cáo khác trong quá trình điều tra đều nhận thức và thừa nhận đã đồng phạm giúp sức cho bị cáo Viễn buôn lậu xăng. Vì bị cáo Khoa và Việt không bàn bạc, thỏa thuận, câu kết và không được hưởng lợi nhuận nên chỉ truy tố các bị cáo tội buôn lậu đồng phạm giúp sức giản đơn mà không phải là đồng phạm có tổ chức.

"Mong được xử đúng tội danh"

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Minh Đức (39 tuổi, giám đốc Công ty TNHH Dầu khí Vượng Đạt, bị truy tố tội buôn lậu) cho rằng việc truy tố tội buôn lậu với hành vi mua xăng giá rẻ, không có hóa đơn… là chưa chính xác, chỉ có thể truy tố về tội trốn thuế. Bị cáo Đức mong muốn: “Bị cáo đề nghị không trả hồ sơ mà xử đúng tội danh. Quá trình buôn lậu có chuyển tiền, trao đổi mua hàng, đưa hàng về vịnh Bắc Vân Phong - Khánh Hòa. Bị cáo không tác động đến quá trình mua bán. Bị cáo có mua hàng của bị cáo Đào Ngọc Viễn cao hơn giá xăng bán ở Singapore và như vậy chỉ có trốn thuế”.

Tuy nhiên, theo VKS, tại tòa, bị cáo cũng khai có kinh nghiệm làm xăng 10 năm, góp vốn 7,5 tỉ đồng thì bị cáo phải biết nguồn hàng từ đâu về. Rõ ràng các bị cáo có sự thỏa thuận buôn lậu xăng. Lời khai cũng thể hiện sự bàn bạc buôn lậu xăng, tiêu thụ rất rõ ràng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm