Kẻ chịu chơi đến hơi thở cuối cùng

Không có tiền thì khó lòng yêu được gái đẹp. “Chân lý” đó diễn ra không chỉ ở New York, Paris hoa lệ mà còn ở tận cánh rừng S’Tiêng heo hút này. Với Điểu Đố, tiền ở đây là của cải, vì buổi mờ xa đó dân tộc S’Tiêng của chàng không có tiền tệ. Chữ viết còn không có, huống chi phương tiện thanh toán thế nhân gọi là “tiền” kia.

Quần quật từ thuở mười ba

Để có “tiền”, Điểu Đố đã quần quật lao động từ thời mười ba, mười lăm và rực cháy là từ sau tuổi mười bảy. Không ai thấy chàng rảnh rỗi ở bòn (làng) hằng ngày. Chàng cài đặt mình dính luôn trên núi Gùng Păng, nơi những cánh rừng Rwech có suối Wơ é, Wơ lơng quẩn quanh, cùng dòng sông Da Dơng sùng sục chảy bao đời ở nơi xa tít bòn của mình. Cơ thể sùng sục tráng khí, trai núi vào thì. Lầm lũi giữa núi rừng tím ngắt và núi rừng hào hiệp.

Những ngọn đồi phủ đầy lúa rẫy của chàng rồi cũng xuất hiện khắp nơi, cùng những đàn trâu hàng chục con thả ăn trong rừng xa. Buổi rừng núi là của Yang, con người làm rẫy tự do và trâu bò sinh chơi tự do, không có cái thước kẻ nào lên mặt của thiên nhiên. Người đi rừng thấy những đàn trâu đó biết ngay chỉ có thể là trâu của chàng. Trâu và lúa chỉ dấu của cải, thành tựu. Có thời điểm đàn trâu của chàng lên đến cả trăm con và lúa thu được cả ba trăm sa vài (gùi). Chở về nhà kho không đủ để chất cất, chàng lập luôn chòi kho trên rừng.

Chàng dùng trâu, lúa để đổi T’rap (tố, ché, ghè). Người sơn nguyên, như S’Tiêng chàng đây, coi T’rap quý, chứ vàng thì là thứ quái gì, xa lạ, không cần biết đến. Cái quý là cái khó tìm nhưng phải hữu dụng, lồ lộ ra, sờ mó và cảm giác được hằng ngày, chứ không phải thứ giấu cất đi. T’rap quý báu bởi là vật để ủ và trữ rượu cần, và không biết “loài người” nào đã làm ra nó. Ngay khi không chứa rượu thì nó cũng lừng lững ở bên con người, giữa hoặc góc nhà, thậm chí ngoài hiên, dưới gốc cây, trong mưa, trong nắng. Tự nó đã lấp lánh, xa hoa, sang cả.

Điểu Đố đã đổi trâu thành T’rap như thế từ bòn gần, bòn xa. Có khi đổi tận những bòn Mạ ở bên Lâm Đồng, bòn M’Nông trên Đắk Nông. Hai, ba, năm con trâu cho một T’rap chứ nào ít. Qua nhiều mùa, căn nhà dài cũng không còn đủ không gian để dựng những hàng dài T’rap. Nhà dài từng năm lại phải nối thêm, nối thêm để đủ chỗ cho T’rap. Người trong nhà ngủ ấm áp chen giữa T’rap. T’rap là điểm tụ cuối của giá trị của cải, với người sơn nguyên, như thể người Ấn Độ, Chăm, Kinh khi sở hữu đá hay kim loại quý gọi là châu ngọc ấy. Người ta sở hữu vài T’rap đã gọi là “có của” thì chàng phải tính bằng số trăm. Giữa rừng già, chàng là “đại gia”, dù mù chữ tiếng phổ thông (Việt).

Mà này, T’rap nào người S’Tiêng thèm thích thì ở nhà chàng đều có, kể cả cái S’Lung - thứ ché cổ xưa mà chính ông cha của chàng cũng không rõ về niên đại mà có thể chỉ giống người Brum nào đó ở đồng bằng miền biển mới có thể tạo ra. Gốm là một phát minh của nhân loại mà, trong khi sắc dân S’Tiêng của chàng không biết cách tạo ra nó. Mỗi khi người thân trong dòng họ già, bệnh mất đi, chàng tặng theo cho họ năm, ba cái T’rap đặt bên nấm mồ ở Bri Chạ (rừng Ma), vậy mà vẫn không hết T’rap trong nhà. Dùng khái niệm mà người thời nay dùng thì nhà chàng cứ như cái “bảo tàng” T’rap của giống người bản địa ở mạn sườn cuối của miền thượng Tây Nguyên này. Và cái bảo tàng ấy sống suốt bảy chục năm nay.

Thế thì gái nào mà không mê chàng.

Căn nhà nhìn từ hướng Tây.

Một người vợ của Đố bên những hàng T’Rap quý hiếm.

Một người vợ khác của Đố khi phục vụ chàng.

“Lấy Đố vì Đố nhiều T’rap!”

Sức sống chất ngất của chàng làm gái bòn xa, sok lớn nhỏ, dù cách trở núi rừng, vẫn nghe đến, tìm đến. Tất nhiên gái e ấp, lấp ló nhìn cho được chàng và hy vọng lọt vào tầm mắt chàng. Chàng như “hoàng đế” không cần ngai. Rồi chàng chấm người con gái đầu tiên đẹp nhất miền S’Tiêng ở sok Bom Bo và giao cho cha việc tổ chức cưới nàng cho mình. Đó là năm mười chín tuổi.

Hai mươi năm sau, chàng chấm một cô gái khác nữa ở bòn Bù Môn và lần này thì giao cho người vợ đầu cưới nàng cho mình. Mười năm tiếp sau nữa, chàng chọn một nàng trẻ hơn mình ba mươi tuổi ở bòn Bù Dang Sa Rai và giao cho hai cô vợ trước tổ chức cưới cho mình. Nàng Thị Brai, trước mặt chàng, vẫn nói thật: “Lấy Đố vì Đố nhiều T’rap!”. Nàng tâm tình rằng các bòn có nhiều chàng điển trai hơn, đeo bám nàng nhưng nàng cứ chờ đợi Đố chọn, từng đi tìm Đố và chỉ Đố mới hấp dẫn được nàng.

Buổi đó, pháp luật hôn nhân gia đình chưa tạt qua rừng già và luật tục S’Tiêng không cấm đàn ông đa thê. Điều này thì sắc tộc S’Tiêng khác hoàn toàn với các tộc người khác ở cao nguyên - họ theo mẫu hệ, con gái đi cưới con trai. Quanh năm ở trong rừng rẫy nhưng bằng sự tinh tường Đố vẫn biết rõ bòn nào có cô gái đẹp đang lớn. Cưới mỗi nàng, Đố phải đưa cho nhà gái mười bốn chiếc T’rap ba mắt, hai T’rap S’lung, một T’rap Gri, ba con trâu. Mỗi lần cưới thêm vợ là căn nhà dài của chàng buộc phải nối thêm hai trụ theo chiều dài để tạo ra thêm hai gian và chẳng cần phải dựng vách, ngăn phên tạo cách biệt làm gì. Qua nhiều mùa mưa nắng, mười tám đứa con ra đời. Số lượng vợ con thế này thì Đố chỉ thua các ông vua người Yuan ở đâu đó nơi hạ nguồn thời nào đó.

Tôi hỏi bí quyết để chung sống hòa thuận cùng ba vợ trong căn nhà dài, Đố ngắn gọn: “Chả thấy em nào kiện suốt bảy mươi chín năm qua”. Đố luôn biết làm họ mụ mị, nói trắng ra là “lừa” một cách ngọt ngào. Ví như chàng bảo bà trước cưới thêm vợ cho mình là: “Bắt (cưới) nó về đi, thêm người làm, chứ rẫy nương, trâu bò nhiều thế lấy ai mà làm, chăn!”. Hỏi, các em có ganh hẹ nhau trong việc nhà cửa, làm lụng rẫy nương? “Mình chỉ cần nói: Cùng nhau làm ăn. Đừng cãi cọ mà người bòn gần xa chê cười nhà mình. Vậy là các vợ làm theo” - Đố cười.

Thế các con của các bà, chung sống trong một căn nhà như thế chắc rối rắm đây? “Mình cũng nói giống vậy” - Đố gọn ơ. Và bằng chứng là mười bảy đứa con đã lập gia đình, chàng Đố giải quyết ổn cả; đứa nào cũng có T’ráp, trâu để lấy vợ. Độc đáo hơn, những đứa con gái của Đố còn mang thêm T’rap, trâu, bò về cho Đố khi người ta đòi cưới nó. Và hơn thế, một số đứa còn mang luôn những thằng con trai về cho đại gia đình của Đố, vì nó không có của để trả cho nhà gái nên ở rể luôn. Dĩ nhiên, Đố có đủ đất đai để chia cho các con dâu rể làm, sống.

Hôm qua, đứa con trai mười tám của Đố muốn bắt vợ. Đố chỉ nói vu vơ, giản dị: “Đã mất công yêu cứ lựa gái đẹp mà yêu. Đàn ông là phải thế!”. Tự dưng nó dính cái tình với cô gái Tày - gia đình từ tận Tây Bắc di cư vào Nam Tây Nguyên. Bố mẹ của cô gái thách cưới một cây vàng và hai con bò. Đố cười, chịu ngay. Thứ quý hơn vàng là T’rap - có nhiều vàng cũng khó mua được - họ chả biết đề cập. Ở miền S’Tiêng này, ai mà chả biết một T’rap S’Lung giờ nhiều người trả năm chục triệu mà Đố chả chịu bán.

Khả năng tổ chức, quản trị gia đình của Đố quả thượng thừa, mượt mà như rừng núi tự nhiên dạy cho, đánh đố đàn ông chốn thị thành nào có thể. Lắm đứa ở đó chỉ mỗi một vợ, hai con mà loay hoay, rối như canh hẹ, xung đột, than trời kêu đất, ly thân, ly hôn... Nàng Thị Lan, vợ sau cùng của Đố, nói có gì đâu, người này nấu cơm thì người kia nấu cám heo, người nọ đi rẫy. “Tự thấy công việc là làm thôi, làm cho nhà mình mà! Đâu cần phải nhìn ngó qua lại, phân công làm gì”. Bọn văn minh lý trí hẳn chào thua văn minh tâm hồn, thuần hậu, tự nhiên, hướng vào cây cỏ rồi.

Chẳng hiểu sức lực dồn hết cho rẫy rú như thế và mù từ chữ viết đến tri thức về khoa học, y sinh, phụ khoa, nam khoa như thế nhưng Đố làm thế nào để mà phân phối đồng đều đủ sáu con cho mỗi nàng.

Đố say mê kể về rừng hoang và những cuộc đi săn với tác giả bút ký và sự hùng dũng đó cũng là phẩm chất hấp dẫn các mỹ nữ.

Căn nhà dài cuối cùng của thế giới S’Tiêng

Sự phồn sinh ngồn ngộn ấy diễn ra trong căn nhà dài kia, ở bòn Bù Mon. Nay thì vùng rừng già Bù Mon bỗng một ngày đông đen người xa lạ đến ở, dù độ sáu chục năm trước vẫn chỉ duy nhất người S’Tiêng giữa mênh mông đại ngàn đó. Rồi thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng, Bình Phước dần hình thành và Bù Mon thành một bộ phận của nó. Hìu Yong Jah - căn nhà dài bằng tranh - là là mặt đất, kéo dài tính nguyên thủy nhà của người S’Tiêng xa xưa. Bốn mươi centimet cách mặt đất là mặt sàn kết bằng lồ ô để con người sinh hoạt. Căn nhà dài hình thành trên một mặt sàn như thế. Nó đủ để tạo ấm áp về mùa mưa và mát dịu về mùa nắng khô. Hai cửa đằng đông và đằng tây theo trục dọc căn nhà thỏa sức cho khí và ánh sáng thông giao cả ngày. Ba bếp lửa đặt ở đầu, cuối và giữa luôn cháy đỏ bằng củi rừng đủ cho mùi thảo mộc sưởi lấy không gian sống.

Khác với những sắc dân bản địa Tây Nguyên khác làm nhà tạo gầm sàn để chăn nuôi bên dưới, nhà người S’Tiêng của Đố không có chỗ cho heo gà, mà chúng được nuôi ngoài xa căn nhà người ở. Con người dùng chân tay để bơi lướt trên sàn lồ ô kia để di chuyển, sinh hoạt trong căn nhà, nghĩa là ở thể ngồi và nằm nhiều hơn thế đứng. Không có kết cấu nào ở đây bằng thứ kim loại nào. Trụ cho mỗi lần nối căn nhà dài ra được dùng bằng thứ cây rừng chắc và thân thương nhất, tầm T’rau. Làng có di dời, nhà có tháo dỡ đi hay vì mục nát mái sườn, buộc phải lợp mới thì vẫn dùng đúng những cây trụ đã nâng niu này để làm khung mà cất lại cho căn mới.

Khi cất căn nhà này, quanh đây rừng hoang vu, Đố vẫn thực hiện đúng nghi thức tâm linh bao đời đã làm. Là vạch đám cây dại ra, bỏ xuống đất bảy hạt gạo và lấy một nửa lóng lồ ô còn nguyên mắt hai đầu đó đậy bảy hạt gạo kia lại. Một ngày, một đêm, trở lại lật lên xem, thấy bảy hạt gạo vẫn còn dưới đất thì đã là điềm tốt, Yang Bri (thần rừng) cho cất nhà và Yang Hìu (thần nhà) ưng thuận cho một căn nhà mọc lên.

Có những đứa con của Đố đã bảy mươi tuổi, nghĩa là cháu chắt đầy rừng, đầy bòn, nhưng quái lạ là Đố vẫn sống như thế, như núi rừng đã dẫn nhịp. Nhà con cái Đố giờ đã đầy thánh giá, nhưng Đố vẫn ôm lấy Yang, ôm thảo mộc, treo đầy sừng trâu, T’rap, Sa Vai, xà gạt, và căng tai… Đố bảo: “Chỉ có T’rộ (trời), và Tia (đất) là “Cha” và “Mẹ” tạo hóa”. Từ ngày mở mắt thấy rừng đến cái tuổi chín mươi chín như bây giờ, núi rừng và con, vật, cây cho Đố tất cả, từ thăng hoa đến tình yêu cuộc sống trong lao lực, buồn vui và lẫn khổ lụy. Với Đố, có cái gì thật và hơn T’rộ, Tia đâu. Và tới nay, duy nhất chàng vẫn an nhiên trong minh triết rừng của tổ tiên. Lạ chưa!

* * *

Số lượng con, cháu, chắt cả trăm rồi, chúng nó ở nhà xây khắp nơi, nhưng Đố vẫn hưng phấn với Hìu Yong Jah kia và chỉ ngủ, nghỉ quây quần ở đó. Bảy mươi năm trước Đố biết rồi sẽ có ngày không gian đại ngàn bị con người chế ngự, tàn phá nên chàng đã trồng cây Tâm Jri tiêu biểu cho rừng ngay sát căn nhà dài của mình. Nó giờ đã như cây cổ thụ, trùm bóng xuống căn nhà như cái tổ kén khổng lồ. Sự tự tin vững chãi đến mức cả cái bảo tàng T’rap kia chả bao giờ có khóa, dù nó là cổ vật mà bao người dưới xuôi thèm thuồng. Đố chả cần sổ sách để ghi gia phả, những cái thanh K’lô (lồ ô) treo trên nóc nhà dài đó, cứ theo một đứa trẻ nào ra đời chàng bẻ gấp đi một nấc và mỗi một người cha/mẹ có một thanh K’lô như thế. Trên nóc nhà đó có những thanh K’lô như thế từ thời các ông xa lắc của chàng.

Trở thành căn nhà cuối cùng mà bất cứ ai muốn tìm hiểu về sắc tộc lâu đời S’Tiêng và những gì đi cùng đều phải vượt núi diện kiến thì cái tổ kiến trúc của Đố cũng lộng lẫy, đáng giá lắm rồi.

Giờ ở tuổi chín mươi chín, hằng ngày người ta thấy Đố thường cởi trần đi lại, nhanh nhạy như lũ trẻ. Đố phương phi, hài hước và tinh tường mọi chuyện, từ trong nhà đến hiện tình đàn trâu còn thả trong rừng xa, cái rẫy, cái ruộng của mình hay của từng thành viên máu mủ khác. Thanh giọng của Đố khi nói là oang oang, rền vang, sóng âm như mãnh thú. Cái miệng khi cười thì toe toét, rộng gần đụng mang tai. Nhưng kỳ diệu nhất là Đố truyền thống đến tỉnh bơ, không suy suyển. Là đàn ông nhưng Đố vẫn căng tai và dái tai chảy dài kia lại là một niềm hãnh diện nữa trong chàng.

Tôi hỏi vậy khi chết đi Đố có tính chia của, chôn theo T’rap. “Phải có chứ, vài cái. Cho vui!” - Đố tự nhiên. Bọn buôn lậu đồ cổ khi đọc được những dòng này hẳn dõi canh ngày chàng sơn nhân xó núi này mất đây và sẽ đổ xô tìm chỗ chôn chàng. Đố biết tất vì nhận ra sự tham tàn của họ từ lâu rồi, khi nhìn vào các Bri Chạ - nghĩa địa - của sắc dân mình gần đây. Vẫn cười, với cái miệng rộng như khe núi đó: “Kệ! Nó lấy được phần xác. Cái phần tinh thần mình đã lấy đi theo rồi!”. Bọn họ sẽ khác Đố ở chỗ đến chết cũng chẳng dám mang theo cái gì.

Hình như Đố lạc thời. Hay là Đố có một ý thức về hạnh phúc cao hơn đám đông ta bà chúng ta bày vẽ ra, quy ước rồi dắt nhau đi theo. Chẳng có thứ thước đo chuẩn nào đâu trong câu chuyện đến, sống và ra đi của con người trên dương gian này. Là chính mình, tâm hồn ấy, hình như là đúng nhất.

Chàng bảo ngủ nghỉ sướng nhất là ở Hìu Yong Jah. Con cái chàng, vợ, chồng ở xa của chúng, sống nhà xây như Yuan, lâu lâu cũng cố tìm về đây, lăn ra thụ hơi một bữa, lăn kềnh ra ngủ, cho đỡ nhớ… S’Tiêng.

Quái thay, chàng cứ lặp lại câu nhắn gửi tôi: “Ở Lâm Đồng, đi đâu có thấy người Mạa, K’ho, Churu bán T’rap, chỉ mình mua đi!”. Dĩ nhiên Đố vẫn mua bằng trâu và nông sản - kiểu trao đổi buổi xa xưa. Tôi chưa từng thấy kẻ nào ở Tây Nguyên có nhiều ché cổ như Đố. Đố sống với nó, chỉ sống, trọn vẹn, thành tâm với những thứ sơn nguyên buổi ban sơ và bán khai mà giống người không hiểu sẽ cho là “lạc hậu” đó, ngay giữa thời vong bản hoặc học đòi hổ lốn, xa rời thế giới tự nhiên, loạn giá trị, thất chuẩn và ma mị, hư đốn từ rừng núi đến thị thành này.

Bây giờ chàng đã thành “Ông”. Điểu Đố thì hiểu mình là ai.

Kẻ chịu chơi đến hơi thở cuối cùng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tạm biệt một dòng sông

Tạm biệt một dòng sông

(PLO)- Thiên nhiên kỳ diệu và phi thường đã không thể giữ nổi dòng sông, thế nên  nó chỉ còn cách yên lặng lùi vào ký ức. 
Chòng chành một khúc sông

Chòng chành một khúc sông

(PLO)- Hình ảnh chiếc ghe hủ tiếu bà Đen như là một ký ức, một điều cuối cùng còn sót lại của hồn quê xưa.
Xóm Chà giờ đã nhạt phai

Xóm Chà giờ đã nhạt phai

(PLO)- Xóm Chà của tôi, xóm Lưới của anh. Những tên xóm như một chỉ dấu cho vùng đất ven sông đã từng trù phú, phì nhiêu. Giờ đây, ngay cả cái tên cũng đã mất dần.
Sinh mệnh của dòng sông

Sinh mệnh của dòng sông

(PLO)- Cái đuôi của con sông Mekong dài thứ bảy châu Á gãy gọn thành chín cái đuôi nước dài kéo tận ra Biển Đông. Trên chín dòng chảy đó là hàng triệu sinh kế, chọn lựa khác nhau… 
Chuyện một người Mỹ yêu Sài Gòn

Chuyện một người Mỹ yêu Sài Gòn

(PLO)- Người Sài Gòn dù nghèo hay giàu đều rất cởi mở. Họ muốn chia sẻ về đời sống của họ và thích nói chuyện về mọi thứ. 
Sông quê, thiên đường tuổi dại

Sông quê, thiên đường tuổi dại

(PLO)- Quê nhà, dù phồn vinh hay lam lũ thì trong ký ức tuổi dại của mỗi người luôn là chốn thiên đường. Thiên đường tuổi dại của tôi là một khúc sông Hiếu sau nhà, nước trong văn vắt… 
Hiệu trưởng ‘soái ca’

Hiệu trưởng ‘soái ca’

(PLO)- Chưa đầy ba năm về Trường THPT Nguyễn Du giữ chức vụ quản lý, Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú đã đem lại một luồng sinh khí mới cho ngôi trường.
Sông Hoài đang thở bên bờ Hội An

Sông Hoài đang thở bên bờ Hội An

(PLO)- Khi bạn thật lòng yêu thương sông Hoài, bạn sẽ đau lòng khi thấy nó đau, đôi khi chỉ vì một nhúm rác, một vỏ chai nhựa trôi lềnh bềnh…
Du sông tháng Giêng

Du sông tháng Giêng

(PLO)- Có lẽ ít có đô thị nào được thiên nhiên ưu đãi bằng TP.HCM, nơi có con sông Sài Gòn chảy qua và giao nhau với hai hệ thống sông lớn khác là Đồng Nai và Vàm Cỏ.
Chuyện lạ miền Tây

Chuyện lạ miền Tây

(PLO)- Việc nuôi thòi lòi làm thú cưng có lẽ là độc nhất vô nhị, chưa ai làm được.
Cây cầu mùa lũ và hoa anh đào mùa xuân

Cây cầu mùa lũ và hoa anh đào mùa xuân

(PLO)- Và dù thế nào đi nữa, những chùm hoa anh đào trắng tím phơn phớt hồng vẫn cứ nở đúng độ xuân về, cho lòng người còn nôn nao Tết, cho cây cầu khoác tấm áo mới mà đón xuân. 
Rời Sài Gòn, về chùa trong mây núi

Rời Sài Gòn, về chùa trong mây núi

(PLO)- Sống giữa thị thành đầy rẫy ồn ào, khói bụi, rất nhiều người đã chọn chùa trên núi cao cho hành trình tìm về bản ngã của mình.
Cùng xè mang 5S đi muôn nơi

Cùng xè mang 5S đi muôn nơi

(PLO)- Trên chiếc campervan, đôi vợ chồng cùng cậu con trai 5 tuổi đã thực hiện chuyến hành trình xuyên Việt.
Chợ tết phong vị xưa

Chợ tết phong vị xưa

(PLO)- Tối đến, chợ Tết tràn ngập ánh đèn, tràn ngập âm thanh vọng cổ, tân nhạc. Trẻ con đi chơi chợ Tết như đi vào một thế giới thần tiên, hồi hộp và vui nhộn.
Ăn rong hàng ‘độc’ Sài Gòn

Ăn rong hàng ‘độc’ Sài Gòn

(PLO)- Ba món độc được giới thiệu trong bài này nằm giữa kim tự tháp kẻ giàu - người nghèo, nghĩa là ai cũng có thể thưởng thức được.
Cái duyên của bầu Đức và thầy Park

Cái duyên của bầu Đức và thầy Park

(PLO)- Bầu Đức chơi một canh bạc lớn khi lặn lội qua tận Hàn Quốc mời HLV Park Hang-seo cùng lời hứa “lo từ A đến Z cho đội tuyển quốc gia đến khi nào vô địch Đông Nam Á mới thôi” và ông đã thành công.
Chúa sơn lâm, trùm hà bá!

Chúa sơn lâm, trùm hà bá!

(PLO)- Ông Lâm Tặc Tổ cho gọi con cháu họ Lâm về họp mặt cuối năm. Năm nay nhờ rừng trụi lũi, hết sạch những cây cổ thụ nên dòng họ Lâm phất như diều gặp gió. Đám con cháu đi ô tô bóng loáng, sang trọng về không thiếu mống nào.
Độc đáo bánh canh khô Xì phố

Độc đáo bánh canh khô Xì phố

(PLO)- Bánh canh trộn, hay bánh canh khô với tô nước lèo để riêng là phiên bản mới xuất hiện, bắt đầu được nhân rộng ở Sài Gòn bao dung, từ đất, đến người và cả ẩm thực...