Xung đột pháp luật tạo điều kiện cho tiêu cực nảy nòi

Dự án này đã được lập và điều chỉnh quy hoạch khá nhanh nhưng mãi đến tháng 3-2019, Bộ GTVT mới trình cho Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Một trong những đề nghị của Bộ GTVT là để bộ này trình chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Bởi theo Luật Đầu tư 2014 nhà ga là dự án nhóm A, tổng mức đầu tư dự án trên 11.400 tỉ đồng và phải được Bộ KH&ĐT thẩm định, báo cáo, trình Thủ tướng phê duyệt.

Vướng mắc này do Luật Đầu tư 2014 chỉ quy định bộ chuyên ngành là cơ quan góp ý kiến, chứ không phải là cơ quan trình Chính phủ chủ trương đầu tư. Đương nhiên quy trình để Quốc hội, Thủ tướng, UBND phê duyệt chủ trương đầu tư cũng khá gian nan. Bởi vậy mới có câu chuyện sân bay Long Thành dù đã được Quốc hội đồng ý chủ trương nhưng cũng sẽ phải mất ba năm để chỉ lo… thủ tục.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, từng phân tích: Trong lĩnh vực hàng không, kết cấu hạ tầng sân bay, quy hoạch là do bộ chuyên ngành quản, không phân cấp cho địa phương. Việc quản lý cũng do bộ chuyên ngành quản, không phân cấp. Việc phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch là bộ chuyên ngành, tuy nhiên vào các dự án đầu tư, xin phê duyệt chủ trương đầu tư lại phải qua Sở KH&ĐT địa phương. “Trong khi đó có rất nhiều vấn đề liên quan chuyên môn, Sở KH&ĐT địa phương không thể nắm được. Đơn cử như hạng mục đường băng trong cảng hàng không, địa phương sao rõ được vì có phân cấp cho họ quản lý đâu” - ông nói.

Tuần trước, Chính phủ họp chuyên đề xây dựng pháp luật, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nói: “Dự án cải tạo, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất đang bị chậm tiến độ bởi Luật Đầu tư ban hành sau này có nhiều điểm vênh với Luật Hàng không ban hành trước. Luật chuyên ngành đã dự liệu hết, phù hợp với việc triển khai các dự án đặc thù của hàng không. Vậy nhưng khi Bộ tiến hành thì lại vướng Luật Đầu tư và phải chuyển cho TP.HCM làm trong khi địa phương gặp khó với lĩnh vực này”.

Nhưng có lẽ đây không phải là lĩnh vực duy nhất có những khó khăn do chồng chéo pháp luật.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc tổng kết trong phiên họp ấy đề cập tới khoảng 20 xung đột trong các luật hiện hành. Điều đáng buồn là các xung đột pháp luật ấy hứa hẹn sẽ tăng lên khi tháng 12-2019 VCCI hoàn thành báo cáo rà soát trình Thủ tướng Chính phủ.

Nhưng đáng nói đây không phải là lần đầu tiên những mâu thuẫn, chồng chéo trong pháp luật được đề cập. Năm 2018, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra 37 khó khăn, vướng mắc phổ biến của doanh nghiệp trong chuẩn bị và thực hiện các dự án đầu tư do các quy định thiếu cụ thể, rõ ràng, bất hợp lý, chồng chéo, mâu thuẫn trong chính các văn bản luật trên.

CIEM cho rằng các thủ tục đầu tư, xây dựng bị phân tán ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật, phân cấp cho nhiều cơ quan có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương nhưng lại thiếu cơ chế phối hợp, liên thông. VCCI thậm chí còn gọi đó là hiện tượng “pháp luật cục bộ”, tức là các bộ chuyên ngành khi soạn thảo các dự thảo luật luôn mở rộng tối đa phạm vi thẩm quyền của mình, chèo kéo thêm các quyền cấp phép, thanh tra, kiểm tra mà ít khi để ý đến sự chồng chéo, xung đột.

Một trong những xung đột “kinh điển” nhất có lẽ vẫn là quy định về đất đai. Trong khi Luật Đầu tư quy định có đất mới được làm dự án thì Luật Đất đai lại bảo phải có dự án mới giao đất, làm nhà đầu tư không biết phải tuân theo luật nào.

Pháp luật nếu không xung đột, chồng chéo chắc chắn sẽ có những tác động tích cực trên thực tế. Vì ngoài việc giảm bớt chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, người dân thì còn giảm thiểu rủi ro cho xã hội. Nhưng nếu vẫn còn những xung đột, chồng chéo thì chẳng những pháp luật đặt người dân, doanh nghiệp vào tình trạng rủi ro, tạo lực cản cho phát triển mà còn thực sự là “môi trường tốt” cho những tiêu cực, nhũng nhiễu.

Gốc rễ có thể là “quyền anh, quyền tôi” nhưng biện pháp mạnh để loại bỏ “tham nhũng chính sách” cũng cần triển khai mạnh mẽ để xung đột, chồng chéo pháp luật không phải là vật cản muôn thuở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm