Sáng nay trong vai người đi khám chữa bệnh, đoàn thanh tra liên ngành Quảng Ngãi bắt quả tang bà Phan Thị Phương chữa bệnh bằng cách phù phép, dùng nước lã và rễ lá cây như bông trang, dâu tằm, ngũ sắc, cây vòi voi...
Khám cho một cán bộ y tế (giả làm bệnh nhân), bà Phương nhập đồng lầm rầm làm phép bằng tiếng Huế trước bàn thờ để xin “bề trên” ban thuốc. Sau đó, bà rót nước lã trong chai nhựa ra ly, dùng chày đâm lá rồi đổ nước vào cối, bảo “Đây là nước thánh”, rồi đưa cho người bệnh uống.
Nhiều tháng qua, tin đồn “Thánh cô” (tên thật là Phan Thị Phương) ở khu vực núi Chùa, thị trấn Châu Ổ, chữa được bệnh lan xa thu hút hàng trăm người bệnh ở các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định...
Trong gian nhà nhỏ, mới tờ mờ sáng mà đã có một số người chờ đợi để được bà Phương chữa bệnh. Từ Quảng Nam đưa vợ bị ung thư phế quản vào chữa bệnh nhưng chờ mãi từ sáng sớm đến gần trưa vẫn chưa đến lượt, ông Ninh vừa cầm quạt giấy phe phẩy vừa nói: “Chữa nhiều nơi không khỏi, tôi đánh liều đưa vợ vào cho 'cô' chữa trị may ra hết bệnh”.
Bà Phương (áo hồng quần tím) đang chữa bệnh cho khách. Ảnh chụp ngày 30/5: Trí Tín |
Theo người dân địa phương, mỗi ngày có khoảng 80 người từ khắp nơi đến nơi này xin bà Phương chữa bệnh. Song nhiều người thất vọng vì cách chữa bệnh của người tự xưng "Thánh". Bà chẩn đoán bệnh bằng cách dùng tay sờ trên cơ thể người bệnh rồi ấn huyệt khắp nơi, đọc vài câu bùa chú, dùng nước lã vẩy lên đầu, cổ, cơ thể bệnh nhân. Bệnh gì cũng dùng chung một phương thuốc: uống ly nước lã lớn kèm theo ba tờ vàng mã bỏ bên trong và một thang thuốc bằng rễ cây, cỏ dại. Mỗi bệnh nhân được chữa xong trả cho bà lang này 20.000-100.000 đồng.
Bà Nguyễn Thị Thu quê ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, đưa con bị bệnh tim đến chữa. Bà Phương yêu cầu người bệnh ngồi dưới nền nhà để “làm phép”, sau đó cho uống vài ngụm nước lã và rễ cây mang về sắc làm thuốc.
"Tôi không tin cách chữa này có thể hết bệnh cho con mình”, bà Thu sau đó nói với PV.
Đại diện chính quyền địa phương cho biết, bà Phương xuất thân từ một gia đình nghèo khó, học chưa hết bậc tiểu học đã nghỉ ở nhà làm ruộng. Năm 2001 lập gia đình, vợ chồng làm nông rồi se nhang để bán. “Một buổi sáng vợ tôi thức dậy thấy choáng váng, nói bằng giọng Huế là thần thánh đã nhập vào người rồi. Từ đó bà ấy bắt đầu chữa bệnh cho mọi người", người chồng kể với các bệnh nhân.
Làm việc với đoàn kiểm tra, bà Phương cũng nhìn nhận là "bề trên" đã ban ơn, nhập hồn vào bà để chữa bệnh cho dân. Ông Nguyễn Thái Sơn, Chánh thanh tra Sở Y tế Quảng Ngãi khẳng định: “Đây là cơ sở hành nghề bất hợp pháp, không có chứng chỉ, giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề; kể cả phương pháp, dược liệu dùng thuốc cho bệnh nhân không được Bộ Y tế cho phép”.
Ông Ngô Văn Chúc, Chủ tịch UBND thị trấn Châu Ổ khẳng định: "Chúng tôi đã kiểm tra, nhắc nhở nhiều lần, 3 lần lập biên bản xử phạt nhưng bà Phương vẫn tiếp tục hành nghề”.
Phân tích một số rễ, cành, lá cây "thuốc" thu được tại nhà bà Phương, ông Hạ Thế Phong, Phó chủ tịch Thường trực Hội Đông y tỉnh Quảng Ngãi kết luận đây là những dược liệu không đảm bảo chuyên môn, một số bị Bộ Y tế cấm sử dụng từ lâu. Đặc biệt cây vòi voi có hoạt chất có thể trực tiếp gây ra bệnh ung thư.
Theo ông Phong, cây vòi voi ở Việt Nam có tên khoa học là Heliotropium indicum L. hoặc Heliotropium anisophyllum P de B. Họ vòi voi. Cách đây 19 năm, Bộ Y tế đã khuyến cáo về độc tính của cây vòi voi. Năm 1969, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nhà khoa học phát hiện trong một số loài Heliotropium như Heliotropium lasiocarpum Fish et Mey có alkaloid độc tính cao với gan, có thể hủy hoại gan, đau bụng, tiêu chảy, xuất huyết lan tỏa và ung thư. Độc tính này không xuất hiện ngay sau khi dùng thuốc mà kéo dài âm ỉ, khó phát hiện. Do đó không nên dùng cây vòi voi làm thuốc.
Hoạt động khám chữa bệnh của bà Phương đã bị cơ quan chức năng đình chỉ và xem xét mức xử phạt.
Theo Trí Tín (VNE)