Sau khi đăng tải bài viết "Hà Nội áp dụng thành công sáng kiến bỏ đèn đỏ để giảm ùn tắc giao thông", PLO đã nhận được nhiều góp ý của bạn đọc. Chúng tôi xin trích dẫn một số góp ý của bạn đọc về sáng kiến bỏ đèn đỏ.
Ủng hộ bỏ đèn đỏ
Bạn đọc Thái Phong bình luận: Nhiệt liệt hoan nghênh ý tưởng bỏ đèn đỏ. Ý tưởng nên được áp dụng nhiều nơi.
Tương tự, bạn đọc Nguyễn Thanh Bình viết: Thực ra tôi đã xem một clip giao thông không dừng trên Facebook cách đây 10 năm và tôi thấy ý tưởng bỏ đèn đỏ rất hay.
Bạn đọc Mạnh Nguyễn cho rằng ý tưởng bỏ đèn đỏ đã đạt giải và áp dụng thành công, vì vậy, tuyến đường nào đủ điều kiện tổ chức phân luồng giao thông thì nên áp dụng bỏ đèn đỏ ngay để giải quyết ùn tắc.
Bạn đọc Phạm Quốc Thanh cũng hoàn toàn ủng hộ: Tôi nghĩ nếu chúng ta áp dụng thí điểm mà mang lại hiệu quả tốt thì nên triển khai thực hiện đại trà. Tôi hoàn toàn ủng hộ những ý tưởng làm tốt cho đất nước.
"Có lẽ vì thuật ngữ ngắn gọn "bỏ đèn đỏ" đã làm một số người hiểu chưa đúng về bản chất của giải pháp này. Tôi thấy nhiều nút giao thông ở Hà Nội đã từng áp dụng việc bỏ đèn đỏ từ lâu. Tôi thấy giải pháp này phù hợp với hoàn cảnh và phong cách tham gia giao thông của nhiều người Việt Nam"- Bạn đọc Thịnh Nguyễn viết.
Một bạn đọc khác viết: "Nhiều khi đèn đỏ rồi mà vẫn có không ít người vẫn cố tình vượt đèn đỏ với ý nghĩ sẽ nhanh hơn người khác, việc này chỉ tạo nên tắc nghẽn ở ngã tư. Nhiều người rất "nhanh nhạy" trong việc tận dụng các cơ hội để vượt lên như len lỏi để tiến lên, leo lên vỉa hè,... nên cũng chẳng "khó" khi bị bắt buộc phải rẽ phải một đoạn rồi mới quay lại hướng đi cần thiết của mình. Đây đúng là một giải pháp vừa phù hợp vừa tiết kiệm lại không cần phải có công an trực điều tiết giao thông".
Nên bỏ một nửa
Văn hóa giao thông của người dân chưa tốt, nếu bỏ hẳn cũng khó nếu có va chạm ở nơi đường giao nhau. Nên chăng, bỏ "một nửa", nghĩa là cho các phương tiện giao thông rẽ phải mọi lúc, mọi nơi - Một bạn đọc bình luận.
Cần thí điểm trước
Đồng tình với các góp ý trên, nhiều bạn đọc cho rằng nên thí điểm sáng kiến này trước
Một bạn đọc nêu: Tùy chỗ, tùy nơi có thể bỏ đèn đỏ chứ không thể áp dụng đại trà được. Mỗi tỉnh, thành, quận, huyện có mức độ giao thông khác nhau. Vì vậy, nhà nước cần chọn một tuyến đường làm thí điểm, sau một thời gian xem hiệu quả ra sao. Từ đó xem xét có nên áp dụng đại trà hay không?
“Tôi nghĩ chỉ áp dụng vài điểm ít lưu lượng thôi còn đông thì khó”- bạn đọc Sam Sung viết.
Bạn đọc Long Cao Van cũng cha rằng nếu bỏ đèn đỏ mà giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông thì quá tốt, việc giáo dục pháp luật về luật giao thông chẳng phải sửa đổi gì nhiều. Tuy nhiên, cần áp dụng thí điểm kỹ trước khi áp dụng rộng rãi. Một số nước trên thế giới cũng đã áp dụng, điển hình là nước Đức.
Tương tự, một bạn đọc khác bình luận: Đây coi như là một phát minh làm lợi rất nhiều cho người tham gia giao thông và ngân sách. Nhà nước hãy đưa vào thí điểm ở một số nút giao thông sau đó đạt kết quả tốt thì nhân rộng ra. Còn giải quyết cho người đi bộ qua đường thì có thể làm cầu vượt bộ hành hay lối ngầm qua đường.
TP.HCM cũng đã bỏ đèn đỏ
Theo một bạn đọc ở TP.HCM, ở ngã tư đường Trường Sa và Cầu sắt (quận Phú Nhuận) TP.HCM đã bỏ đèn đỏ từ rất lâu và địa điểm này không còn kẹt xe nữa.
TP.HCM cũng có nhiều nút giao tương tự, bình thường không kẹt cho đến khi thêm đèn đỏ vào lại kẹt. Giờ cao điểm nếu không có CSGT chỉ dẫn thì nhiều người vẫn lấn làn như thường. Nếu đèn đỏ chỉ phục vụ giờ cao điểm thì thiết nghĩ nên bỏ vì có cũng như không.
"Thêm nữa là các khu có quy hoạch bàn cờ, 1 km có đến 5, 6 ngã tư cũng nên xem xét ngã tư nào lắp đèn, ngã tư nào không. Bởi lẽ, giờ cao điểm ưu tiên đường chính, các đường phụ phải đi vòng chứ ngã tư nào cũng lắp đèn đỏ thì vẫn kẹt dài” – một bạn đọc khác nêu ý kiến.