Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên thị trường nội địa, Bộ Công Thương vừa có văn bản yêu cầu hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường, tăng sản xuất mặt hàng xăng để cung ứng cho thị trường trong nước.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho hay một trong những lý do khiến nguồn cung xăng dầu gián đoạn vừa qua là hai nhà máy lọc dầu đã chuyển cơ cấu tăng sản lượng dầu diesel, giảm sản lượng xăng.
Cùng với yêu cầu này, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn duy trì hoạt động sản xuất ổn định của nhà máy, tăng công suất ở mức tối đa có thể để cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.
Có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho DN đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký, sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối không có hợp đồng dài hạn với nhà máy bán hàng tại các khu vực bị thiếu cục bộ để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ.
Theo báo cáo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, kế hoạch sản xuất xăng dầu của hai nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn trong 3 tháng cuối năm dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3, chiếm 80% tổng nhu cầu.
Hiện hai nhà máy đều đang vận hành ở công suất tối đa. Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong Quý IV năm 2022. Lượng còn lại sẽ nhập khẩu để bảo đảm cung ứng cho thị trường.
Bộ Công Thương cho biết, về cơ bản, lượng sản xuất và nhập khẩu như trên theo đúng kế hoạch đã phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022.
Thời gian qua, tại một số địa bàn khu vực có hiện tượng các cửa hàng xăng dầu đóng cửa, ngừng bán hàng, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do chưa tính đúng, tính đủ các chi phí trong kinh doanh xăng dầu và nhiều quy định bất cập khác trong quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu.
Tại cuộc họp về tình hình quản lý và điều hành xăng dầu cho thị trường trong nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi Nghị định số 95/2021 và Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu. Phó thủ tướng yêu cầu báo cáo Chính phủ trong tháng 10 năm 2022.