Chiều 23-10, theo nguồn tin, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương ra quyết định bắt giam ông Nguyễn Minh Tâm, nguyên phó chủ tịch UBND xã An Tây (thị xã Bến Cát, Bình Dương).
Được biết, vào 8-2018, ông Nguyễn Minh Tâm đã bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng, cách chức phó chủ tịch UBND xã An Tây.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, nguyên bí thư thị ủy Bến Cát (trái) cùng hai cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Bến Cát.
Theo thông tin, ông Tâm bị bắt liên quan đến vụ ông Nguyễn Hồng Khanh, nguyên bí thư Thị ủy Bến Cát đã bị Cơ quan Công an tỉnh Bình Dương khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội danh “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại xã An Tây, thị xã Bến Cát.
Trước đó, ngày 12-10, Công an tỉnh Bình Dương ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt giam Lê Hoài Linh, giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Bến Cát và Nguyễn Thành Luân là cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Bến Cát. Lý do, họ đã có hành vi ký xác nhận, hợp thức hồ sơ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người khác không đúng nguồn gốc, gây thiệt hại đến tài sản.
Theo cơ quan công an từ năm 2005 đến 2008, Công ty TNHH Xuất khẩu thương mại An Tây (gọi tắt là Công ty An Tây) do bà Hồ Thị Hiệp làm giám đốc có vay của Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Tây Sài Gòn 72 tỉ đồng và thế chấp ngân hàng hơn 20 ha đất, bao gồm nhà xưởng mặt tiền.
Đến năm 2008, Công ty An Tây không có khả năng trả nợ nên ngân hàng đã đưa Công ty An Tây vào danh sách nợ xấu. Năm 2011, ngân hàng đã sử dụng vốn dự phòng xử lý rủi ro để trả cho khoản nợ này.
Sau đó, Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn đã tiến hành xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Việc thực hiện xử lý tài sản thế chấp được thực hiện từ năm 2012 đến 2015 do ông Nguyễn Huy Hùng, Giám đốc chi nhánh ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn và ông Nguyễn Quang Lộc, Phó trưởng phòng quan hệ khách hàng thực hiện. Phương thức xử lý tài sản thế chấp được ngân hàng giao cho bà Hồ Thị Hiệp tự bán.
Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Hồng Khanh là người mua lại tài sản thế chấp của bà Hiệp từ ngân hàng. Quá trình thanh lý tài sản giữa bên mua và ngân hàng đã vi phạm pháp luật vì phía ngân hàng không có văn bản thỏa thuận với bên bán; không định giá tài sản; không đấu giá tài sản và bán tài sản không đúng thẩm quyền.
Cụ thể, tổng giá trị tài sản của Công ty An Tây đem thế chấp khoảng 80 tỉ đồng nhưng cá nhân ông Hùng, ông Lộc đã thỏa thuận với bà Hiệp và ông Khanh hạ thấp giá bán chỉ đưa số tiền bán tài sản thế chấp về cho ngân hàng là 8,7 tỉ đồng. Ông Khanh lúc đó là Chủ tịch UBND thị xã Bến Cát đã thỏa thuận với ông Hùng, ông Lập để trích 50% số tiền bán tài sản cho bà Hiệp, phần còn lại đưa cho ngân hàng.
Tính đến thời điểm hiện nay, số nợ của Công ty An Tây nợ Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn khoảng 106 tỉ đồng, số tiền này ngân hàng không thể thu hồi lại được. Gây thiệt hại lớn đối với tài sản nhà nước.
Cơ quan điều tra xác định, hành vi của bị can Nguyễn Huy Hùng, Nguyễn Quang Lộc đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm vi phạm về quy định quản lý sử dụng tài sản nhà nước.
Ông Nguyễn Hồng Khanh đã thỏa thuận thống nhất với ông Hùng và ông Lộc cùng bà Hiệp trích 50% số tiền bán tài sản thế chấp để đưa lại cho bà Hiệp. Ông Khanh trực tiếp đưa cho bà Hiệp là 4,1 tỉ đồng.
Từ đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương xác định ông Nguyễn Hồng Khanh đã đồng phạm với ông Nguyễn Huy Hùng và Nguyễn Quang Lộc để gây thất thoát tài sản của nhà nước.
Ngày 17-5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Huy Hùng và Nguyễn Quang Lộc. Đến ngày 10-8, Công an tỉnh Bình Dương ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Hồng Khanh, tỉnh uỷ viên, cựu bí thư thị xã Bến Cát.