Thương mối tình già nghiệt ngã

Không người thân nương tựa, hiện ông Nguyễn Duy Hải (62 tuổi) sống nhờ vào tình thương của một “người dưng”.

Chưa hạnh phúc đã vướng tai ương

Đến hẻm 415 Tân Sơn, phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM hỏi ông Hải bị liệt là ai cũng biết. Vào phòng trọ không quá 10 m2, đồ đạc chiếm gần hết diện tích căn phòng. Ông Hải nằm trên một chiếc ghế bố cũ nát. Gặp chúng tôi, ông nói ú ớ vài tiếng không thành lời, cả thân thể chỉ cử động được một cánh tay nhưng cũng rất khó khăn.

Bà Hà Túy Nga (52 tuổi), người bạn mà bấy lâu nay cho ông nương tựa, kể: “Trước đây tôi và ông Hải làm chung công ty may ở quận Bình Tân. Tôi không biết gia đình ông Hải như thế nào nhưng nghe ông kể lại ông và vợ ly hôn lâu rồi, các con thì theo mẹ nên ông thuê phòng trọ gần công ty sống một mình. Năm 2013 ông Hải có ngỏ lời yêu tôi, chúng tôi quen được một năm và có ý định tổ chức đám cưới (lúc đó ông 58 tuổi). Thế nhưng chưa tổ chức được lễ cưới thì ông Hải bị đột quỵ, nằm liệt giường. Bao nhiêu tiền bạc của tôi và ông ấy dành dụm đều lấy ra chạy chữa để giành lại sự sống cho ông”.

Từ ngày ông Hải bị đột quỵ, bà Nga nghỉ hẳn việc để ở nhà chăm sóc ông. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

“Muốn sống bình thường sao quá khó”

“Thấy ông ấy không ai chăm sóc nên tôi đưa về nuôi dưỡng. Từ khi ổng bệnh tôi phải nghỉ hẳn việc để ở nhà chăm sóc nên cũng không có lương hằng tháng. Bấy lâu nay, tôi và ông Hải sống nhờ tiền tôi đi phụ quán của người ta, mỗi ngày cũng chỉ làm được 30.000 đồng và làm bốn ngày/tuần.

Hồi đó, do không có tiền nên tôi xin bác sĩ cho xuất viện sớm. Bác sĩ điều trị dặn rất kỹ phải đưa ông ấy đi tái khám thường xuyên, uống thuốc đủ liều thì mới có khả năng đỡ bệnh. Ngoài ra, bác sĩ còn dặn đi dặn lại là người nhà thay ống dẫn thức ăn ngoài da sau sáu tháng đặt vào người. Tuy nhiên, ba năm nay tôi không có tiền nên chưa bao giờ đưa ông ấy đi tái khám, thuốc cũng chẳng có mà uống, còn ống dẫn thức ăn thì hơn 5 triệu đồng làm sao đủ tiền thay” - bà Nga gạt nước mắt nói.

Mỗi lần muốn nói chuyện gì, ông Hải đều chỉ tay lên tấm bảng carton treo ngay cạnh giường do bà Nga đã ghi sẵn con số và các chữ cái.

Bất chợt dòng nước mắt ứa tràn trên đôi mắt hốc hác, tay ông chỉ lên bảng chữ cái chỉ từng chữ ráp vần: “Muốn sống bình thường sao quá khó, mà chết cũng không xong. Sống làm gì, như thế này chỉ làm khổ người khác thôi!...”. Ông sợ làm khổ người đã dốc lòng yêu mình, một tình yêu không hề toan tính.

Đọc được ý ông Hải nói, bà Nga nghẹn ngào: “Giá ông ấy mua được bảo hiểm cũng đỡ khổ!”. Rồi bà kể tiếp: “Cách đây sáu tháng, tôi có lên UBND phường 12, quận Gò Vấp để xin trợ cấp xã hội cho ông, từ đó sẽ có bảo hiểm y tế luôn nhưng cán bộ phường yêu cầu phải có xác nhận là chưa hưởng trợ cấp xã hội ở nơi thường trú thì mới làm được. Khổ nỗi ông ấy chỉ có mỗi giấy CMND và bằng lái xe, còn hộ khẩu thì nghe kể rằng người vợ cũ của ổng đã cầm đi biệt. Tôi cũng thăm dò theo địa chỉ ghi trên CMND của ông nhưng người ta nói căn nhà trên đã đổi chủ nhiều lần rồi nên không thể xác nhận được. Lúc quen nhau tôi không biết bà con thân thuộc của ông nên giờ cũng chẳng hỏi được vợ cũ của ông ấy ở đâu để mượn lại hộ khẩu. Không có sổ hộ khẩu nên ông ấy không thể mua được bảo hiểm y tế, cũng không được hưởng một chế độ trợ cấp gì dành cho người bệnh tật neo đơn”.

Tận đáy lòng, chúng tôi muốn được nhìn thấy cuộc sống cuối đời của ông Hải được nhẹ nhàng hơn. Tình yêu dâng hiến không toan tính của họ xứng đáng được đền đáp…

Một cán bộ UBND phường 12, quận Gò Vấp cho biết trước đây bà Nga có đến làm thủ tục để ông Hải hưởng trợ cấp xã hội. Tuy nhiên, do địa phương nơi ông Hải thường trú không đồng ý xác nhận nên UBND phường 12 không thể giải quyết được. Với hoàn cảnh thương tâm này, phường sẽ xin ý kiến của quận xem có linh động giải quyết được hay không.

Bạn đọc giúp đỡ ông Nguyễn Duy Hải xin gửi về số tài khoản: 1607201005173. Chủ tài khoản: Báo Pháp Luật TP.HCM. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chi nhánh Phan Đình Phùng (khi chuyển khoản xin ghi tên người gửi và nội dung: “Giúp ông Nguyễn Duy Hải”).

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…