Xóa dần e ngại trong góp ý phản biện

"Cái lãng phí trong thời gian qua không chỉ là tiền bạc, tham nhũng mà còn là vấn đề chất xám khi nhiều trí thức còn e dè, e ngại, không nêu chính kiến trước những vấn đề khác nhau của đất nước. Nhưng với quy chế giám sát và phản biện vừa được Ban Bí thư ban hành, tôi tin rằng sẽ dần xóa đi sự e dè, e ngại trong góp ý phản biện của đội ngũ trí thức” - GS Lưu Văn Đạt - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật MTTQVN nói như vậy khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Đừng nghĩ phản biện là phản đối

. Phóng viên: Ông nói trước đây nhiều trí thức còn e dè, e ngại khi phản biện, vậy vì sao lại có tình trạng trên?

+ GS Lưu Văn Đạt: Từ Đại hội X, Đảng ta đã có chủ trương tăng cường giám sát, phản biện. Bản thân tôi cũng đã rất nhiều lần tham gia vào việc xây dựng dự thảo quy chế giám sát, phản biện… Tuy nhiên, chủ trương là đúng nhưng khi đi vào triển khai thực hiện thì xuất hiện không ít lo lắng cho rằng có khi phản biện, giám sát không phải phát huy tác dụng mà lại phản tác dụng. Bởi có người nghĩ phản biện là phản đối, là tiêu cực.

Phản biện suy cho cùng cũng là làm thế nào cho mọi thứ được tốt lên. Chúng ta phải nhìn phản biện ở khía cạnh tích cực của nó và phải loại trừ những tiếng nói tiêu cực, lợi dụng vào đó để làm những điều trái với lợi ích của nhân dân.

. Như vậy, việc Ban Bí thư ban hành quy chế giám sát và phản biện - xã hội có phải là sự thống nhất chung về nhận thức đối với hoạt động phản biện?

+ Tôi nghĩ văn bản trên chính là thể hiện sự thống nhất chung về nhận thức phản biện. Phản biện sẽ giúp chúng ta đại đoàn kết được toàn bộ nhân dân để góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền một cách tích cực hơn. Chắc chắn với văn bản trên sẽ làm cho tình hình tốt thêm. Đặc biệt, sẽ dần xóa đi được cái cảm giác e dè, e ngại khi tham gia góp ý phản biện và khai thác được tốt hơn trí tuệ của nhân dân, nhất là đội ngũ trí thức.

  Sau nhiều ý kiến phản biện, các cơ quan chức năng đã có những điều chỉnh hợp lý trong quy hoạch đô thị Hà Nội với trục Hồ Tây - Ba Vì trước kia. Ảnh: HTD

Xóa e dè, e ngại

. Điều gì khiến ông tin rằng trí thức sẽ không còn cảm giác e dè, e ngại khi góp ý phản biện?

+ Thời gian qua chúng ta thấy rất nhiều người có tri thức, có trí tuệ nhưng chẳng thấy bao giờ họ phát biểu, họ cũng chẳng thể hiện chính kiến công khai gì trước những vấn đề đang gây ra nhiều ý kiến khác nhau trong xã hội. Có nói thì người ta cũng chỉ nói tại những bàn trà với bạn bè. Như thế thì làm sao chúng ta thu hút được tất cả tinh hoa để mà xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Trong khi đó, chúng ta thấy trí tuệ của dân tộc Việt Nam là rất lớn. Và cái lãng phí nhất trong thời gian qua theo tôi không hẳn chỉ là vấn đề tiền bạc mà còn là vấn đề chất xám. Vì trí thức người ta không góp ý, không nói lên tiếng nói của mình để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Nay với quyết định mới của Ban Bí thư thì cảm giác e dè, e ngại đó chưa thể mất đi ngay được trong một sớm một chiều nhưng ít nhiều cũng đem lại cho họ niềm tin. Giờ đây người ta sẽ chờ xem việc thực hiện như thế nào. Bởi người có tri thức đôi khi lại là những con người thận trọng, người ta sẽ chờ xem chúng ta sẽ thực hiện ra sao. 

. Như vậy, việc trí thức có tham gia góp ý phản biện hay không phụ thuộc nhiều vào hành động của MTTQ, thưa ông?

+ Đúng thế. Đảng đã ra quyết định rồi, vấn đề giờ đây là MTTQ phải làm gì đó để đội ngũ trí thức tin tưởng và tham gia. Thứ nhất, MTTQ phải tạo ra cơ chế để nhân dân tham gia phát biểu ý kiến. Điều quan trọng thứ hai là MTTQ phải làm những việc cụ thể để người ta nhìn vào mà tin tưởng. Bởi chúng ta thấy trong thời gian qua một số vụ việc khi MTTQ vào giám sát, phản biện như vụ Nông trường Sông Hậu đã tạo ra một sự thay đổi lớn, tạo sự tin tưởng nhiều trong đội ngũ trí thức. Tiếc rằng những vụ việc cụ thể như thế đó chúng ta làm chưa được nhiều nên giờ phải làm nhiều hơn.

Đúng, sai: Nhân dân sẽ phán xét

. Nhưng nhiều người lo rằng nếu góp ý phản biện mà không được tiếp thu thì nó làm thui chột đi tiếng nói phản biện, thưa ông?

+ Lo ngại đó hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng tiếp thu hay không hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của MTTQ. MTTQ hãy cứ làm tốt việc của mình đi, phải có ngay các giải pháp để thu hút được nhiều các tầng lớp nhân dân, đội ngũ trí thức cùng tham gia góp ý, phản biện. Quan trọng là phải lôi kéo được nhiều trí thức tham gia sao cho các góp ý đó phải đúng. Nếu góp ý đúng, cộng với sự kiên quyết vào cuộc của MTTQ thì chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi.

Điều quan trọng nữa là những góp ý phản biện đó bằng cách này, cách khác phải công khai để nhân dân biết. Và cuối cùng có tạo ra sự thay đổi hay không thì nhân dân sẽ là người phán xét.

. Xin cảm ơn ông.

Cánh cửa đã rộng mở

Từ năm 2006, chức năng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ đã được ghi nhận tại văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X. Chức năng quan trọng này cũng đã được hiến định trong Hiến pháp 2013. Tháng 12-2013, Ban Bí thư cũng ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội. Đây là lần đầu tiên chức năng quan trọng này được cụ thể thành cơ chế để đảm bảo thực hiện, với phạm vi thực hiện phản biện rất rộng, chỉ trừ vấn đề thuộc bí mật quốc gia.

Theo quy chế này, phản biện xã hội là nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị với các dự thảo chủ trương, chính sách, pháp luật. Nội dung phản biện cần đánh giá toàn diện dự thảo chính sách, pháp luật được đề cập, từ tính phù hợp về mặt pháp lý, tính khoa học, thực tiễn tới dự báo tác động. Để đảm bảo các điều kiện cho hoạt động phản biện xã hội, cơ quan, tổ chức dự thảo chủ trương, chính sách, pháp luật sẽ phải cung cấp tài liệu, thông tin cho MTTQ và tổ chức chính trị-xã hội thực hiện phản biện. Đôi bên có thể đối thoại khi cần thiết. Bên nhận phản biện phải trả lời bằng văn bản về việc tiếp thu ý kiến phản biện.

THÀNH VĂN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm