Hàng chục cán bộ, nhân viên hai ban quản lý dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nhiều tháng nay bị chậm lương, thậm chí bị Thanh tra BHXH “điểm danh” vì nợ đọng tiền bảo hiểm nhiều tháng.
Đây là một lý do khiến cho Bộ Xây dựng phải có công văn gửi Thủ tướng đề nghị họp Ban chỉ đạo nhà nước của dự án này.
Không muốn thúc đẩy triển khai ngay
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 8-9, Thứ trưởng Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết: “Dự án đã hoàn tất thiết kế, lên khái toán từ 10 năm trước. Vì khó thu xếp vốn nên bị lùi tiến độ triển khai nhiều lần. Bộ có văn bản đề nghị Thủ tướng họp ban chỉ đạo bàn xem làm tiếp hay lùi, hoãn. Bộ không hề có ý thúc đẩy triển khai ngay lúc này vì làm gì có vốn”.
Trưởng Ban quản lý dự án Nguyễn Quang Nam cho biết đến nay ngoài công tác thiết kế, khái toán đã hoàn tất thì dự án đã giải phóng xong mặt bằng, xây dựng một tòa nhà điều hành.
“Đọc các báo, thấy so sánh dự án này với các công trình bảo tàng không hiện vật, vắng người xem ở Hà Nội, tôi thấy không đúng lắm. Bởi dự án này được định hướng chuẩn bị rất kỹ, không chỉ về phương án kiến trúc, công trình, hạ tầng kỹ thuật, mà còn lập hẳn một ban riêng về chuẩn bị nội dung, hình thức trình bày, vận hành; làm rất quy chuẩn theo tư vấn của nước ngoài” - ông Nam cho hay.
Theo tìm hiểu, công trình từng được đặt mục tiêu khánh thành năm 2010, vào dịp 1.000 năm Thăng Long nhưng do khủng hoảng kinh tế mà không có vốn triển khai, tất phải lùi lại nhiều lần.
Thậm chí Ban chỉ đạo nhà nước do một phó thủ tướng đứng đầu cũng thay đổi qua nhiều đời lãnh đạo: Lúc đầu là ông Nguyễn Sinh Hùng, tiếp theo là ông Hoàng Trung Hải, còn nay thực tế chưa phân công ai thay thế. Các thành viên khác là cấp thứ trưởng nhiều bộ, ngành cũng thay đổi nhiều lượt, mà nhiều người đã về hưu.
Khu đất thuộc dự án bảo tàng. Hạng mục xây dựng duy nhất ở đây là khu làm việc của ban quản lý dự án. Ảnh: VIẾT THỊNH
Rất bi đát
Kể về tình hình ban quản lý, ông Nam cho hay rất bi đát. “Từ năm 2015 đến giờ ngân sách không rót đồng vốn nào cho công tác chuẩn bị. Bộ Xây dựng phải bố trí cho chúng tôi quản lý thêm một số dự án nhỏ khác lấy kinh phí nuôi quân nhưng cũng không đủ. Trước đây chúng tôi 28 người, nay anh em nghỉ nhiều, chỉ còn 17. Bên ban xây dựng nội dung thuộc Bộ Văn hóa cũng nhiều tháng nay nợ lương, thậm chí chẳng có tiền mà đóng bảo hiểm cho anh em. Ngay khu đất dự án cỏ lút đầu người còn chả có kinh phí cắt dọn”.
Chúng tôi đặt vấn đề: Nghe dư luận báo chí phản ứng với các dự án khu di tích, tượng đài sử dụng nguồn ngân sách, ông nghĩ thế nào?
Ông Nam đáp: “Cá nhân tôi là công dân cũng không đồng tình triển khai ngay dự án lúc này. Kinh tế, ngân sách khó khăn, sao mà làm được. Ngay lãnh đạo Chính phủ cũng nhận thức như vậy mà. Hồi cuối năm 2015, họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc ấy cũng chỉ kết luận là phấn đấu khởi công dự án vào năm 2021. Như vậy có gì chắc chắn đâu”.
“Thế nhưng tôi cho rằng cũng không nên cực đoan là không cần, không làm. Ngay lúc đói khổ, vất vả chúng ta cũng cần phải có tầm nhìn tương lai, về một bảo tàng lịch sử quốc gia đúng nghĩa của nó. Mà như vậy thì phải đầu tư cho công tác chuẩn bị, nhất là phần xây dựng nội dung, phương án phân loại và thu thập hiện vật, phương án trưng bày, bảo quản, khai thác… Các nước cũng vậy, để xây dựng bảo tàng, họ phải chuẩn bị 10-15 năm” - ông Nam nói thêm.
Hơn 10 năm chưa xong Dự án bảo tàng xây dựng quốc gia được khởi động từ năm 2005 với kinh phí dự tính lúc đó cho riêng phần xây dựng gần 11.300 tỉ đồng. Công trình dự kiến được triển khai tại khu đô thị mới Tây Hồ Tây với tổng diện tích sử dụng gần 10 ha. Gồm bốn hạng mục xây dựng: Tòa nhà chính, khu tưởng niệm danh nhân, khu trưng bày ngoài trời, hạng mục kỹ thuật phụ trợ - cây xanh - cảnh quan. Tòa nhà chính đặt tại khu đất 20.000 m2 gồm một tầng hầm và sáu tầng nổi, bao gồm kho lưu giữ hiện vật qua các thời kỳ; trung tâm bảo quản và phục chế; hội trường, các phòng hội thảo, chiếu phim phục vụ công tác nghiên cứu, học tập… Trước mắt nên tạm hoãn Tôi đánh giá cao nên có bảo tàng lịch sử. Có điều trong điều kiện ngân sách khó khăn thì chưa nên chi tiền đầu tư vào dự án lớn như vậy. Dự án này không cấp bách bằng các dự án trường học, bệnh viện, cầu, đường… Trước mắt, Chính phủ nên tạm hoãn đến khi nào ngân sách dồi dào, có bội thu và các điều kiện khác đáp ứng được thì triển khai. TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế |