Theo Sở GTVT TP.HCM, đơn vị đang gấp rút làm hàng loạt cầu vượt đi bộ tại các điểm đông dân cư nhằm giải quyết ách tắc, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực. Cụ thể sẽ xây một cầu vượt đi bộ trên quốc lộ 1, trước Trường ĐH Kinh tế-Luật, quận Thủ Đức; hai cầu trên đường Điện Biên Phủ, trước Trường ĐH HUTECH, quận Bình Thạnh; một cầu trên đường Quang Trung, trước BV quận Gò Vấp...
Gấp rút làm hàng loạt cầu
Những ngày qua, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Khu 1 - Sở GTVT TP.HCM) đang khẩn trương lắp dựng cầu vượt đi bộ trên đường Nguyễn Văn Cừ, trước Trường THPT Lê Hồng Phong, quận 5. Cầu được lắp dựng trên dải phân cách đường Nguyễn Văn Cừ, cách vòng xoay ngã sáu Cộng Hòa khoảng 200 m hướng về đường An Dương Vương. Cầu dài 23 m, rộng 4 m và tĩnh không dưới cầu là 4,75 m. Tổng kinh phí xây dựng 3,8 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Vinh Ninh, Giám đốc Khu 1, dự kiến cầu vượt đi bộ này sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12-2017, nhằm tạo thuận lợi và đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh Trường Lê Hồng Phong và sinh viên Trường ĐH KHTN qua đường. Cạnh đó, cầu xong sớm cũng nhằm phục vụ cho việc tổ chức chợ hoa xuân 2018 sắp tới trên tuyến đường Nguyễn Văn Cừ.
Cũng theo ông Ninh, Khu 1 đang lựa chọn nhà thầu xây cầu vượt đi bộ trên đường Hoàng Minh Giám nhằm nối thông hai bên của Công viên Gia Định, quận Phú Nhuận. Cầu dài 37,1 m, rộng 4,4 m, làm bằng vòm thép trang trí, trên cầu trồng cây xanh, chiếu sáng, tổng mức đầu tư 11,6 tỉ đồng. “Đầu năm 2018, khi làm xong công trình mở rộng đường Hoàng Minh Giám và dự án xây cầu vượt thép tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn-Nguyễn Kiệm thì cầu vượt đi bộ giữa Công viên Gia Định cũng sẽ được hoàn thành để đồng bộ hóa, giải quyết ách tắc ở cả khu vực rộng lớn này” - ông Ninh cho biết.
Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 cũng cho biết đơn vị đang triển khai đấu thầu xây dựng cầu đi bộ trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp. Theo đó, cầu dài 23 m, rộng 4 m, nối vỉa hè Trường THCS Thông Tây Hội với Siêu thị Co.opmart Quang Trung. Dự án có tổng mức đầu tư 3,3 tỉ đồng. “Hiện dự án đang chờ giải tỏa xong hệ thống điện là sẽ triển khai thi công ngay” - ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Khu 3, cho biết.
Trước đó, Sở GTVT TP cũng đã đưa vào sử dụng cầu vượt đi bộ nối hai khu của BV Bình Dân trên đường Điện Biên Phủ, quận 3.
Cầu vượt đi bộ trên đường Nguyễn Văn Cừ, trước Trường THPT Lê Hồng Phong đang được gấp rút thi công. Ảnh: LƯU ĐỨC
Dù có cầu vượt đi bộ tại BV Bình Dân nhưng người đi bộ vẫn băng qua đường Điện Biên Phủ. (Ảnh chụp sáng 17-12) Ảnh: LƯU ĐỨC
Nhân dịp TP đang cho xây hàng loạt cầu vượt đi bộ, PV Pháp Luật TP.HCM đã theo đơn vị chức năng của Sở GTVT TP đi khảo sát một số cầu đi bộ đã xây trước đây. Theo đó, tại TP.HCM hiện có 22 cầu đi bộ nhưng chỉ có khoảng tám cầu được người dân sử dụng thường xuyên, số còn lại rất ít người dùng.
Nhiều cầu vượt đi bộ ít người đi điển hình như trên các tuyến đường Cống Quỳnh (trước BV Từ Dũ, quận 1), Nơ Trang Long (BV Ung bướu), Văn Thánh (chợ Văn Thánh, Bình Thạnh), xa lộ Hà Nội (trước Khu du lịch Suối Tiên, Thủ Đức), Nguyễn Trãi (BV Nguyễn Tri Phương, quận 5), Hoàng Văn Thụ (Công viên Hoàng Văn Thụ, Phú Nhuận) và một số cầu vượt khác trên đại lộ Phạm Văn Đồng và Võ Văn Kiệt...
Các chuyên gia giao thông cho rằng chỉ khoảng 1/3 số cầu vượt đi bộ hiện hữu khai thác có hiệu quả. “Muốn đánh giá hiệu quả của cầu vượt đi bộ thì cần phải xem lại từ mục đích xây dựng đến cách xây lắp cầu như thế nào” - chuyên gia xây dựng Hoàng Minh Đức Long nói. Ông Long dẫn chứng cầu vượt đi bộ ở các BV Từ Dũ, Bình Dân nhằm nối hai khu của các bệnh viện này với nhau và có cầu thang lên xuống nằm trong khuôn viên nên người dân muốn qua đường bằng cầu vượt thì phải đi luồn vào bệnh viện mới lên đi được nên bất tiện. Còn cầu vượt ở BV Nguyễn Tri Phương thì lại có cả “chân trong” và “chân ngoài” nhưng cầu thang lên xuống ở ngoài thì lại không ai quản lý nên trở thành “điểm… đi tè” hoặc tệ nạn xã hội nên cuối cùng bệnh viện đóng luôn cửa lên xuống của cầu thang bên ngoài.
Ngoài ra, theo Sở GTVT TP, hiện một số cầu vượt đi bộ không thuận tiện cho người khuyết tật hoặc chuyển bệnh nhân vì cầu quá dốc, bậc thang quá cao…
Ghi nhận trên đường Phạm Văn Đồng có năm cầu vượt đi bộ dù thiết kế khá đẹp, thông thoáng và có mái che nhưng rất hiếm người sử dụng. Tình trạng này cũng diễn ra ở tám cầu đi bộ trên đường Võ Văn Kiệt. “Cầu vượt đi bộ ở hai tuyến đường này được xây dựng theo quy chuẩn… nước ngoài, cứ cách 1,5-2 km là có một cầu vượt. Nó không xây dựng trên cơ sở là sát bên khu dân cư, trường học, hay bệnh viện… nên xây rồi bỏ đó” - một cán bộ Sở GTVT nhìn nhận. Cũng theo Sở GTVT TP, một trong những nguyên nhân cầu vượt đi bộ ít được sử dụng là ý thức của người tham gia giao thông. Nhiều người chưa có thói quen đi bộ, việc chấp hành luật giao thông kém. |