Theo đó, Cục yêu cầu các sở “tạm dừng cho phép cô tham gia các hoạt động này”. Đồng thời, Cục yêu cầu các sở “có văn bản thông báo đến các công ty tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi hoa hậu người mẫu; các chủ địa điểm (nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường…) không được tổ chức cho Diễm Hương tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu”.
Từ văn bản này, công ty sản xuất một bộ phim Mỹ nhân Sài thành mà Diễm Hương đang tham gia diễn xuất buộc phải tìm người thay thế sau khi Cục Nghệ thuật biểu diễn từ chối đơn xin xem xét cho cô tiếp tục.
Ông Nguyễn Quang Minh - đại diện nhà sản xuất phim cho biết: “Thời điểm Diễm Hương tham gia bộ phim trước khi xảy ra scandal khá lâu và nhà sản xuất không thể lường trước được sự việc”.
Ông Lê Cung Bắc - đạo diễn bộ phim này cho biết phim đã quay được 20 tập, hiện phải dừng hoàn toàn những phân cảnh có mặt Diễm Hương. “Đây là một tai nạn lớn, một tổn hại cho nhà sản xuất. Phim phải quay lại những cảnh liên quan đến Diễm Hương vì cô là một trong ba vai chính. Phí hoài công sức suốt nhiều tháng qua của cả đội ngũ làm phim” - đạo diễn cho biết…
Bàn về việc cấm đoán này, các chuyên gia luật hành chính và luật sư nói họ rất băn khoăn về căn cứ pháp lý cũng như thủ tục, hình thức thực hiện và hậu quả của văn bản cấm đoán này. Chúng tôi xin giới thiệu các ý kiến này.
Hoa hậu Diễm Hương. Ảnh: INTERNET
Hành vi nào sai thì xử hành vi đó
Diễm Hương khai dối lý lịch khi thi hoa hậu năm 2012 thì theo quy chế có thể bị xem xét tước vương miện (nếu có) trong phạm vi cuộc thi mà thôi. Cô chỉ vi phạm quy chế cuộc thi, ngoài ra không vi phạm pháp luật hay vi phạm các quy định hành nghề (ăn mặc hở hang, vi phạm các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, lối sống đồi trụy…).
Mọi hành vi của công dân bị điều chỉnh bởi quy định pháp luật. Hành vi nào sai thì xử lý hành vi đó. Còn chuyện cô hành nghề là chuyện mưu sinh, chuyện cuộc sống, không vi phạm thì không xử lý được.
Cục Nghệ thuật biểu diễn không có quyền cấm mọi hoạt động của cô. Đã ban hành văn bản thì phải tuân thủ quy định pháp luật, văn bản dưới không được trái văn bản trên, phải có cơ sở pháp lý.
Luật sư TRƯƠNG ĐÌNH CÔNG VĨNH (Đoàn Luật sư TP.HCM)
Không có căn cứ pháp luật nào cả!
Diễm Hương là hoa hậu thế giới người Việt năm 2010. Theo khoản c Điều 16 Quy chế Tổ chức thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp (ban hành kèm theo Quyết định 87 năm 2008 của Bộ VH-TT&DL, có hiệu lực từ ngày 15-1-2009) quy định: “Thí sinh đoạt danh hiệu tại các cuộc thi, nếu có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức gây ảnh hưởng xấu đến xã hội sẽ bị tước danh hiệu”.
Tuy nhiên, quy chế này đã bị Nghị định 79 năm 2012 (có hiệu lực ngày 1-1-2013) bãi bỏ. Mà hành vi vi phạm của Diễm Hương diễn ra trước khi nghị định này có hiệu lực nên cũng không thể sử dụng để chế tài hay tước vương miện.
Về quy định cấp phép biểu diễn cho tổ chức, khi đơn vị nào muốn tổ chức biểu diễn nghệ thuật thì phải xin phép Sở. Sở sẽ xem xét nội dung chương trình, thành phần tham gia rồi từ đó cấp phép. Nếu có ai trong danh sách không cấp phép thì không được biểu diễn.
Trong vụ này, thông báo của Cục Nghệ thuật biểu diễn cho các sở VH-TT&DL chỉ mang tính chất nội bộ. Trong khi đó, cô Diễm Hương đang tham gia bộ phim mà giấy phép đã có và kịch bản đã được duyệt từ trước khi cô vi phạm.
Tôi nhận thấy Cục đã ra văn bản mà không căn cứ vào quy định pháp luật nào cả.
Công ty sản xuất có thể kiện Cục vì văn bản này gây thiệt hại cho công ty.
Ông LÊ HOÀNG TẤN, Thẩm phán Tòa Hành chính TAND TP.HCM,
Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử TP.HCM
Văn bản của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Ảnh: P.LOAN
Không có quy định rút phép với nghệ sĩ
Hiện tại, Luật Xử phạt vi phạm hành chính không có quy định nào về cấm biểu diễn đối với nghệ sĩ. Đối với nghề người mẫu, hiện có các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh như: Nghị định 79 năm 2012 (quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu), Thông tư 03 năm 2013 của Bộ VH-TT&DL (quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 79 năm 2012), Chỉ thị 65 của Bộ VH-TT&DL năm 2012 (chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang), Nghị định 158 năm 2013 (quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa thể thao, du lịch và quảng cáo).
Tuy nhiên, những văn bản này vẫn chưa điều chỉnh trực tiếp và chi tiết hoạt động hành nghề người mẫu. Đây chỉ là những quy định mang tính chung nhất về cuộc thi người mẫu và người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang mà không có sự điều chỉnh về các vấn đề khác có liên quan. Có thể nói vẫn chưa có sự ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết về việc điều chỉnh hoạt động hành nghề người mẫu.
Điều 14 Nghị định 158 năm 2013 (có hiệu lực từ 1-1-2014) quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực biểu diễn cũng không quy định rõ việc cấm diễn (chủ yếu điều chỉnh đơn vị tổ chức).
Công văn gửi các sở VH-TT&DL của Cục Nghệ thuật biểu diễn tạm dừng cho phép cô Diễm Hương tham gia các hoạt động nghệ thuật cũng không rõ căn cứ pháp lý. Cục ra văn bản này với tư cách cấp quản lý có thẩm quyền thì xem như đây là một văn bản chỉ đạo.
Tuy nhiên, văn bản này cũng không có cơ sở vì luật, nghị định, thông tư đều không có quy định nào về cấm biểu diễn trong trường hợp gian dối khi khai lý lịch đi thi hoa hậu.
Có thể lý giải, việc biểu diễn của nghệ sĩ không cần cấp phép thì cũng không thể rút giấy phép nhưng phải tạm dừng biểu diễn khi có vi phạm. Vì vậy không có chuyện rút phép đối với cá nhân biểu diễn như đối với đơn vị kinh doanh. Cá nhân nào vi phạm thì bị tước quyền diễn. Nhưng căn cứ để Cục ra thông báo cấm diễn chưa thực sự vững chãi về cơ sở pháp lý.
Việc gian dối của cô Diễm Hương phải có chế tài (giống như luật sư vi phạm đạo đức thì tùy trường hợp sẽ bị xử lý) nhưng đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật.
Công ty sản xuất bộ phim mà Diễm Hương đang đóng được một nửa cũng đã xin xem xét chuyện cô tham gia phim từ trước khi phát hiện việc gian dối khá lâu nhưng không được chấp nhận. Từ đó dẫn đến chuyện phải thay người, làm lại từ đầu. Thiệt hại nặng là điều không tránh khỏi nhưng cũng có cái lợi về việc PR bộ phim.
Có người đặt vấn đề rằng cô hoa hậu gian dối khi khai lý lịch để đi thi thì tước vương miện là được rồi, sao phải cấm diễn. Hoặc có thể cấm làm những việc bắt đầu từ sau khi phát hiện gian dối chứ sao lại “hồi tố” (gây ảnh hưởng những việc cô ấy đã nhận diễn từ trước khi phát hiện sự việc gian dối). Tôi cho rằng đây cũng không hẳn là việc “hồi tố” vì việc diễn vẫn đang diễn ra. Cục không hủy kết quả diễn mà diễn viên đã đóng, chỉ là không cho đóng tiếp thôi.
ThS DƯƠNG HOÁN, giảng viên khoa Luật hành chính Trường ĐH Luật TP.HCM
PHƯƠNG LOAN thực hiện