V-League là sản phẩm của giải vô địch quốc gia từ hồi bao cấp chuyển sang tự hạch toán rồi bước thẳng lên chuyên nghiệp. để chuẩn bị cho V-League, từ nhiệm kỳ II VFF (đầu những năm 1990), các đoàn nghiên cứu của bóng đá Việt Nam đã cử nhiều phái đoàn đi học hỏi kinh nghiệm các nước.
Học và hành
Đầu tiên là học Malaysia khi quốc gia này còn đang tập tễnh với giải Semi Pro (bán chuyên nghiệp). “Khóa học” sớm này bị gãy khi Malaysia năm 1994 phải đối đầu với nạn bán độ lịch sử khiến hơn 150 cầu thủ bị treo giò và đày ra đảo. Sau đó, VFF chuyển hướng sang Hàn Quốc, Trung Quốc và cả Nhật Bản, trong đó mô hình của Hàn Quốc được chú ý rất nhiều. Quốc gia này khởi điểm giải chuyên nghiệp (K-League) với chỉ sáu đội bóng được đỡ đầu bởi sáu tập đoàn mạnh hàng đầu Hàn Quốc. Nhưng kế hoạch làm chuyên nghiệp giống Hàn Quốc nhanh chóng trôi vào quên lãng bởi tính địa phương của các đội bóng tồn tại từ thời bao cấp lấn át hết tất cả và bầu sữa nuôi bóng đá vẫn chủ yếu là tiền từ Nhà nước.
Đến năm 2000, nhờ “bà mối” Strata (Công ty Tiếp thị Thể thao quốc tế có văn phòng chính đặt ở Anh), những nhà điều hành VFF nhiệm kỳ III quyết định phải lên chuyên nghiệp, phải có V-League bởi đó là tiền đề phát triển của một nền bóng đá chuyên nghiệp. Và VFF động viên các CLB, động viên các địa phương làm chuyên nghiệp theo kiểu “cứ đi rồi thành đường”.
Mùa đầu tiên mang tên Strata V-League 2000-2001, tất cả 10 đội chuyên nghiệp mặc chung một áo có dòng chữ Highlands Coffee trước ngực và Symaster ở lưng áo. Mùa giải mà bình luận viên Long Vũ đã hài hước bình trên VTV như sau: “Cầu thủ Symaster đỏ số 4 chuyền cho Symaster đỏ số 9 đi bóng qua hai hậu vệ Symaster vàng rồi sút tung lưới đội Symaster vàng. Kết quả 1-0 tạm nghiêng về đội Symaster đỏ”...
Mùa bóng đấy mỗi đội thi đấu nhận 3 tỉ đồng từ nhà tài trợ cộng với kinh phí của địa phương cấp gói ghém cũng đủ cho một mùa giải chưa có chuyển nhượng cầu thủ nội mà chỉ mua cầu thủ ngoại. Để giải quyết chuyện ngoại binh, không ít đội thuê cả “Tây balô” biết đá bóng ở khu Phạm Ngũ Lão - Bùi Viện, quận 1, TP.HCM về thi đấu.
Nhưng đội bóng đầu tiên của Việt Nam thuộc sở hữu doanh nghiệp theo mô hình chuyên nghiệp lại là một đội ở hạng Nhất. Đó là đội Gia Lai khi ấy được tỉnh chấp thuận cho kết hợp với Xí nghiệp tư nhân Hoàng Anh Pleiku (tiền thân của Tập đoàn HA Gia Lai). Ngay trong buổi họp với tỉnh, bầu Đức khi ấy đứng lên tuyên bố thẳng: “Chúng tôi là nhà đầu tư chứ không phải nhà tài trợ cho đội bóng nên đề nghị tỉnh giao hẳn đội bóng để chúng tôi đầu tư”. Và sự quyết liệt của bầu Đức khi ấy đã có tác dụng khi tỉnh sẵn sàng bật đèn xanh giao hẳn đội Gia Lai của tỉnh cho bầu Đức điều hành và quản lý và đổi tên là HA Gia Lai.
Sau cú đột phá trên, tỉnh Long An cũng mạnh dạn giao đội bóng cho bầu Thắng sở hữu lấy tên Đồng Tâm Long An rồi tiếp theo là Hà Nội ACB của bầu Kiên, Hòa Phát của bầu Long, Hà Nội T&T của bầu Hiển...
SL Nghệ An vô địch mùa đầu tiên V-League 2000-2001.
Hà Nội T&T vô địch mùa V-League thứ 16 - 2016. Ảnh: XUÂN HUY
Những cỗ máy tiêu tiền
Nhưng từ tiền đề làm chuyên nghiệp theo kiểu “cứ đi rồi thành đường”, qua các mùa giải, thay vì nâng cấp làm mới đường thì những nhà điều hành lại cứ chấp nhận lối mòn trong cái vỏ bọc chuyên nghiệp. Nhiều CLB được biến thành cỗ máy tiêu tiền và là công cụ để “giải ngân” trong khi phần chính là chất lượng, là quy chuẩn chuyên nghiệp thì chỉ qua loa, hời hợt. Điển hình cả 14 CLB hiện nay mới chỉ HA Gia Lai có sân riêng thực thụ, còn lại đều phải đi thuê. Ngay cả việc buộc một CLB chuyên nghiệp phải đứng dưới “màu áo” của một công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp cũng chỉ là lớp vỏ hình thức bởi chưa một công ty, một CLB chuyên nghiệp nào tự hạch toán, tự nuôi sống CLB mình bằng tiền làm ra từ bóng đá nhưng mỗi mùa vẫn phải tiêu tốn từ 40 tỉ đến 70 tỉ đồng.
Có những ông chủ đầu tư cho CLB bóng đá của địa phương để đổi lại được khai thác quặng, được đất vàng, được dự án và được những quyền lợi ưu ái từ địa phương đấy. Có những ông chủ nhận một CLB chuyên nghiệp vì tỉnh đặc cách cho công ty của mình khai thác toàn bộ tuyến quốc lộ cắt ngang tỉnh, từ thu quảng cáo ngoài trời đến các trạm thu phí và cả bất động sản mọc lên từ các dự án cho công ty đó. Và sự bền vững của các CLB đấy cũng chính là phần làm ăn được của các ông chủ với những hoạt động ngoài bóng đá.
Còn với các CLB ăn đong từng mùa như Kiên Long Bank - Kiên Giang trước đây hay Đồng Tháp, Long An hiện tại... lại sống bằng một phần trợ cấp từ ngân sách địa phương (không đúng với tinh thần chuyên nghiệp) và phần còn lại là bầu sữa của những doanh nghiệp được địa phương chỉ đạo phải có trách nhiệm với đội bóng như một dạng nghĩa vụ. Kết quả là những đội bóng này mỗi mùa chỉ lo tồn tại đã hụt hơi thì làm sao nói đến những quy chuẩn chuyên nghiệp tiếp theo như tuyến trẻ và các điều kiện cần và đủ.
Sống chung với lũ
16 năm làm chuyên nghiệp, VFF luôn xác định V-League là nền tảng của đội tuyển. Nhưng khi nói đến chất lượng V-League thì giới chuyên môn lại đang trăn trở với những căn bệnh chưa có thuốc chữa. Mùa 2016 nổi cộm nhất là vấn đề trọng tài nhưng vấn đề này nằm ngoài tầm tay Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) bởi nó thuộc phạm vi quản lý của VFF.
Các đội than phiền công tác trọng tài nhưng vì sao đại diện các đội trong Ban chấp hành VFF lúc bỏ phiếu thì đa phần lại muốn giữ ghế cho ông Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi? Vấn đề mà ai cũng biết đó là không phải ở năng lực ông Mùi mà là ông nào ngồi vào đấy cũng thế. Đơn giản vì ông trưởng ban trọng tài không có quyền quyết định những vấn đề thuộc về trọng tài như các quốc gia khác, mà chỉ là người hợp thức hóa những quyết định của cấp trên ở VFF. Và nguy hiểm hơn là ở ban trọng tài luôn nắm quy luật bất thành văn đó là phải hiểu và điều hành kiểu làm hài lòng cấp trên thì mới tồn tại.
Cứ lấy một dẫn chứng thật đơn giản đó là các trọng tài FIFA Việt Nam đi làm nhiệm vụ ở các giải quốc tế đều để lại ấn tượng tốt cùng nhận xét tốt về chuyên môn. Nhưng khi về với môi trường “ao nhà” thì gãy hàng loạt. Mùa 2016 này danh sách trọng tài xuất sắc đã không có tên 11 trọng tài đạt chuẩn FIFA đa phần vì tư tưởng lấn át chuyên môn.
V-League rõ ràng không khắc nghiệt như Thai-League, S-League hay M-League và những giải quốc tế khác nhưng nó vòng vo với nhiều dấu chấm than mà phần chuyên môn trở nên thứ yếu. Điều này càng rõ hơn với phát biểu của nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Danh Thái (từng là chủ nhiệm Ủy ban TDTT): “Tại sao ai cũng thích nắm trọng tài? Đơn giản vì nắm trọng tài là nắm được cuộc chơi và làm chủ cuộc chơi!”.
16 năm làm chuyên nghiệp, đến khi xin nghỉ không làm giám đốc kỹ thuật CLB HA Gia Lai nữa, ông Nguyễn Văn Vinh đã khuyên bầu Đức rằng: “Anh từng nói làm bóng đá Việt Nam phải chấp nhận sống chung với lũ còn tôi thì lại khuyên thêm là sống với lũ nhưng phải biết đắp đê làm đập”.
Và không biết việc bầu Đức khi lên đến vị trí phó chủ tịch VFF rồi mà có lúc buồn chán nói rằng “Tôi không quan tâm đến bóng đá!” thì có phải vì ông đã chịu thua lũ?
Tại V-League 2016, những vòng đấu trong mùa Euro (13, 14, 15) có tỉ số bất thường và đa phần là “nổ tài”. Thế nhưng đại diện VFF đã xem sự bất thường đấy là… bình thường. Sang đến vòng 16, nhiều người đã tẩy chay không đến sân để tránh phải chứng kiến những trận đá cuội nhưng các quan chức vẫn gồng lên nói là “Không có gì đâu! Giải vẫn bình thường”. |