Phía sau những bản án - Kỳ 4: Trong phòng nghị án

Đôi khi thẩm phán, chủ tọa phiên tòa lại trở thành ý kiến thiểu số, vậy họ sẽ phải ra bản án như thế nào?

 Hội đồng xét xử TAND TP.HCM trong một phiên tòa hình sự - Ảnh: H.Đ.

Tranh cãi quyết liệt

Hoàn tất phần xét hỏi và tranh luận tại tòa để làm rõ hành vi của các bị cáo cũng như đương sự trong vụ việc. Sau hai phần quan trọng công khai được diễn ra tại tòa thì phần nghị án lại rất bí mật, bởi chỉ có những người trong HĐXX mới được tham gia các phần này. Và trong phòng nghị án, thẩm phán và hội thẩm (hoặc thẩm phán) tranh luận với nhau xem mức án sẽ như thế nào, hướng giải quyết một vụ việc sẽ ra sao, những vấn đề gì chưa rõ sẽ được làm rõ.

Phòng nghị án của mỗi nơi xét xử thường được thiết kế rất gần phòng xử án để các thẩm phán và hội thẩm có thể rời phòng xử vào ngay phòng nghị án và làm việc tại đó. Và tùy thuộc các tình tiết diễn ra ở phiên tòa mà việc nghị án sẽ diễn ra lâu hay mau.

“Thông thường ở những vụ án ít phức tạp và tính chất vụ án quá rõ ràng thì các thành viên HĐXX sẽ không mất nhiều thời gian tranh luận. Nhưng ở những vụ án phức tạp, có nhiều bị cáo, có nhiều tình tiết, có nhiều bút lục thì các thành viên HĐXX sẽ cãi nhau tưng bừng” - thẩm phán Phạm Công Hùng kể.

Ông Hùng cho rằng không phải mọi thành viên HĐXX đều có ý kiến giống nhau. Theo ông Hùng, tranh luận càng nhiều thì càng vỡ ra nhiều vấn đề ở ngay trong phòng nghị án.

“Thế mới có những vụ án sau khi kết thúc phần nghị án mà còn nhiều tình tiết không thể thống nhất được nên buộc phải xét hỏi thêm, dời ngày tuyên án sang một ngày khác. Một bản án được tuyên có rất nhiều hệ lụy sau đó. Bởi vậy việc thận trọng trong công tác xét xử để tránh oan sai hay lọt người lọt tội là cần thiết” - thẩm phán Hùng nói.

Còn thẩm phán Trương Văn Sang, phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang, cho rằng trong phòng nghị án thành viên HĐXX phải làm việc hết sức căng thẳng, các ý kiến đưa ra đều được viết vào biên bản nghị án của phiên tòa:

“Có những vụ án hình sự rất nghiêm trọng mà ở lần xét xử đầu tiên tôi là thành viên HĐXX, khi ấy nhận thấy không đủ bằng chứng để kết tội các bị cáo tôi đã thuyết phục các thành viên khác trong HĐXX để thống nhất trả hồ sơ. Sau khi điều tra bổ sung phiên tòa được mở lại, nhưng lần này do một HĐXX khác ngồi xử và họ tuyên bị cáo án tử hình. Sau đó, bị cáo kháng cáo kêu oan và bản án được xem xét lại thì bị cáo được minh oan và bồi thường oan sai."

"Tôi cho rằng nếu trong phòng nghị án mà các thẩm phán, hội thẩm xem xét hồ sơ kỹ, làm việc nghiêm túc sẽ tránh được chuyện làm oan cho người vô tội, tránh được những sự đau khổ như trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn đã phải chịu”.

Phía sau những bản án - Kỳ 4: Trong phòng nghị án ảnh 2
Thẩm phán Trương Văn Sang (bìa trái) cùng HĐXX  TAND tỉnh Tiền Giang trong một buổi nghị án -Ảnh: H.Đ.

Khi thẩm phán thành “thiểu số”

Có lần tham gia một hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Luật tổ chức tòa án, ông Trương Hòa Bình, chánh án Tòa án nhân dân tối cao, có nói đại ý có nhiều phiên xét xử mà ý kiến thẩm phán chỉ là thiểu số, bởi vậy có những vụ án sửa, án hủy chủ yếu là bởi hội thẩm chứ không phải do thẩm phán.

Lý do để ông Bình đưa ra ý kiến trên là bởi trong một HĐXX thì số lượng hội thẩm luôn nhiều hơn thẩm phán. Bởi vậy không phải lúc nào bản án được ra cũng đúng ý các thẩm phán.

Là người từng phải viết bản án theo ý hội thẩm bởi ý kiến của mình chỉ là thiểu số, thẩm phán Vũ Phi Long (phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM) kể rằng đó là trường hợp một bị cáo bị xét xử bởi hành vi trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, giấy khai sinh của bị cáo này cho thấy có dấu hiệu tẩy xóa. Khi đó, trong phòng nghị án thẩm phán Long nêu quan điểm hoặc là tính ngày cuối cùng trong năm để tính tuổi cho bị cáo (nếu như vậy thì bị cáo chưa đủ 16 tuổi) hoặc thận trọng thì phải trả hồ sơ đề nghị làm rõ thêm chi tiết này.

Thế nhưng, hai hội thẩm đã không đồng ý với ý kiến của thẩm phán Long: “Tôi buộc phải theo ý kiến của hội thẩm nhưng tôi thuyết phục được hai hội thẩm tuyên mức án treo cho bị cáo. Và cũng may, bản án ấy không bị kháng cáo”.

Bởi nếu vụ án bị kháng cáo thì việc bản án bị sửa là rất có thể xảy ra, và lúc đó trách nhiệm không thuộc về các hội thẩm mà thuộc về thẩm phán chủ tọa.

Thẩm phán Long cũng nói thêm sau này tòa thành phố có tổ chức tập huấn về trường hợp cụ thể này, hai hội thẩm đã tham gia phiên tòa trước đó cùng với thẩm phán Long cứ băn khoăn mãi là sao tòa không tổ chức tập huấn sớm hơn về việc này để không xảy ra những điều đáng tiếc đối với bị cáo.

Trong phòng nghị án không phải lúc nào các thành viên HĐXX cũng đưa ra được ý kiến thống nhất mà rất nhiều khi cãi nhau nảy lửa, vấn đề bị tranh cãi nhiều nhất chính là việc tranh luận về tội danh và các yếu tố cấu thành tội phạm. “Có những vụ án phải tranh luận nhiều thì nhiều người nổi nóng, cãi vã nhau um sùm nhưng kết thúc vụ án thì thôi” - thẩm phán Phạm Công Hùng kể.

Những niềm vui nho nhỏ

Theo quy định của pháp luật, bước vào phần nghị án thì các hội thẩm sẽ phát biểu quan điểm trước, nhưng có nhiều vụ án phức tạp, nhiều tình tiết gây tranh cãi, đôi khi hội thẩm lại đề nghị thẩm phán chủ tọa có ý kiến trước rồi họ mới phát biểu quan điểm của mình. Bởi vậy nhiều khi ở vị trí thẩm phán chủ tọa sẽ quyết định được nhiều hơn cho bản án mà mình sẽ tuyên.

Mới đây, thẩm phán Trương Văn Sang đã tuyên hai bản án vô tội cho các bị cáo đã bị tòa cấp sơ thẩm tuyên có tội. Việc tuyên hủy một bản án và khẳng định bị cáo không có tội không chỉ cần thời gian nghiên cứu hồ sơ hay các tình tiết được làm rõ trong phần xét hỏi và tranh luận mà còn thể hiện bản lĩnh của thẩm phán chủ tọa khi phân tích được hết những yếu tố có trong hồ sơ vụ án để đưa ra một bản án đúng người đúng tội.

Vụ án mà thẩm phán Sang tuyên cho bị cáo không có tội là vụ án khá đặc biệt, bị cáo còn nhỏ và bị hại là chú ruột. Theo hồ sơ thì giữa cha bị cáo và bị hại có mâu thuẫn với nhau, xảy ra việc hôm đó bị cáo đến nhà chú thăm bà nội, rồi tự trèo hái dừa để ăn.

Người chú đi làm về thấy cháu tự hái dừa thì giận dữ đuổi đánh rồi vu cho cháu tội ăn trộm và báo công an. Tuy nhiên công an xã nói mức tài sản quá thấp, người chú về nhà rồi lại chạy lên công an báo rằng mình đã mất cả một nhẫn vàng và đã tìm được trong nhà của cháu. Sau đó công an bắt người cháu và khởi tố vụ án.

Đó không chỉ là điều mà vị thẩm phán này thấy được trong hồ sơ vụ án mà còn bởi người đôn đáo lo lắng kiếm luật sư bào chữa cho bị cáo lại là ông chủ nơi bị cáo làm thuê. “Bằng niềm tin nội tâm tôi cũng tin rằng bị cáo không có tội, và qua quá trình xét xử công khai tại tòa thấy rằng việc bản án sơ thẩm kết tội bị cáo là không có cơ sở. Bởi vậy tôi tuyên hủy án” - thẩm phán Sang nói.

Và niềm vui nho nhỏ ông mang lại được cho bị cáo cũng là nỗi buồn mà ông mang lại cho đồng nghiệp tòa sơ thẩm của mình: “Nhưng phải chịu thôi, biết làm sao được, chẳng thể nể vì đồng nghiệp mà đẩy những người vô tội vào vòng lao lý, nhất là họ còn quá trẻ”.

Theo HOÀNG ĐIỆP (Tuổi Trẻ)

________________

Kỳ tới: Nhà chia dọc, thóc chia hai

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm