Năm giải pháp kiềm chế bức cung, nhục hình

Những bức xúc của dư luận trong vụ năm công an đánh chết nghi can ở Phú Yên đã khiến người ta phải giật mình vì thực tế việc tiến hành các hoạt động điều tra đã và đang diễn ra quá khác so với quy định. Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm…”. Điều 6 BLTTHS cũng nói rõ: “Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình”.

Đang thiếu cơ chế kiểm sát

Vì sao bức cung, dùng nhục hình thường diễn ra ở giai đoạn tiền khởi tố bị can? Theo tôi, nguyên nhân là thiếu cơ chế kiểm soát đối với cán bộ điều tra, điều tra viên. Luật trao cho họ quyền lực nhà nước nhưng lại không có cơ chế giám sát việc thực hiện đúng đắn, tất yếu dẫn đến lạm quyền trong quá trình thực thi công vụ. Không giải quyết được nó ngay từ đầu thì đến giai đoạn khởi tố và điều tra, bức cung, dùng nhục hình sẽ vẫn tiếp diễn. Như vậy, chúng ta vẫn phải tiếp tục chứng kiến vụ việc khác tương tự. Điều này ảnh hưởng xấu đến niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp.

Các hành vi trên có một đặc điểm tội phạm học là rất khó chứng minh do chỉ có người bị hại và điều tra viên biết, không có người làm chứng, không băng ghi âm, ghi hình. Thậm chí nếu điều tra viên dùng thủ đoạn tinh vi thì cũng rất khó tìm ra dấu vết thương tích trên thân thể nạn nhân. Cho nên nhiều người nói đúng khi cho rằng nó chỉ bị phát hiện khi nghi can chết (như vụ năm công an tỉnh Phú Yên) hoặc bị oan (như vụ ông Chấn ở Bắc Giang)…

Có người nói nếu không dùng nhục hình thì một số đối tượng (trộm cắp tài sản, cướp tài sản, phạm tội có tổ chức…) sẽ không khai báo. Tôi cho rằng nhận định này trái luật (luật quy định rõ mọi hành vi bức cung, dùng nhục hình đều bị cấm) và không hợp lý bởi lẽ có nhiều biện pháp hợp pháp để đấu tranh chống tội phạm. Lập luận này chỉ phản ánh một thực tế đó là sự yếu kém về nghiệp vụ của một số điều tra viên mà thôi.

Có một thực tế hiện nay là rất nhiều bị cáo ra tòa phản cung rằng mình bị oan do bị ép cung, đánh đập. Nên nhiều người lập luận phải chăng hiện nay các tòa án chưa xem xét kỹ lời khai của các bị cáo tại tòa. Tòa luôn bắt họ phải chứng minh thì làm sao họ có chứng cứ khi lúc đó chỉ có một mình họ với điều tra viên?

Theo tôi, khi xét xử một vụ án hình sự phải xem lời nhận tội của bị can, bị cáo tại cơ quan điều tra chỉ là một trong các chứng cứ của vụ án và phải đảm bảo quy định tại khoản 2 Điều 72 BLTTHS: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo là chứng cứ duy nhất để kết tội”.

Gia đình anh Ngô Thanh Kiều, nạn nhân bị năm công an đánh chết tại TAND TP Tuy Hòa. Ảnh: Tấn Lộc 

Tăng cường vai trò luật sư, VKS...

Theo tôi, để hạn chế tệ trạng này cần phải tiến hành các giải pháp sau:

Thứ nhất, sửa đổi BLTTHS theo hướng bảo đảm hơn nữa quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Người bào chữa phải được tham gia ngay khi có sự đề nghị hoặc đồng ý của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và họ chỉ cần đăng ký với cơ quan tố tụng. Nên bỏ quy định phải có giấy chứng nhận bào chữa tại Điều 56 BLTTHS như hiện nay. Bởi vì về bản chất, quyền được nhờ người bào chữa là quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và chỉ bị hạn chế bởi luật chứ không phải bởi việc cấp giấy vốn mang nặng thủ tục hành chính. Có kênh giám sát của luật sư đối với điều tra viên ngay từ đầu chắc chắn sẽ làm hạn chế bức cung, dùng nhục hình.

Thứ hai, tăng cường hơn vai trò của VKS trong kiểm sát việc tuân theo pháp luật ở giai đoạn khởi tố đảm bảo phải hợp pháp, đúng luật. VKS nên chủ động kiểm sát việc tiếp nhận và giải quyết các đơn thư, thông tin tố giác và tin báo về tội phạm của các cơ quan điều tra. Đây là kênh giám sát thứ hai giúp hạn chế bức cung, nhục hình.

Thứ ba, luật phải quy định trách nhiệm cụ thể đối với thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra nếu đơn vị mình để xảy ra bức cung, dùng nhục hình. Thực tế các vụ dùng nhục hình đã xét xử chúng ta thường thấy có sự dung túng của các sếp này. Từ việc chỉ đạo phân công trinh sát, điều tra viên cho đến chỉ đạo lấy cung, biện pháp lấy cung thường được đưa ra tùy tiện, không tuân thủ đúng luật. Khi xảy ra hậu quả thì lãnh đạo lại né trách nhiệm hoặc tìm cách để được xem xét xử lý hành chính, chuyển công tác, chối bỏ trách nhiệm hình sự.

Thứ tư, tòa phải xử đúng tội danh và mức án để nghiêm trị những hành vi này. Cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về tội dùng nhục hình và tội bức cung.

Thứ năm, cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ điều tra của cơ quan điều tra cấp trên đối với cơ quan điều tra cấp dưới. Các vụ án dùng nhục hình vừa qua cho thấy việc không thực hiện đúng quy định pháp luật và hạn chế về nghiệp vụ của điều tra viên khiến họ có xu hướng dùng nhục hình thay vì các biện pháp nghiệp vụ hợp pháp khác. Việc kiểm tra gắt gao về nghiệp vụ, hướng dẫn cụ thể có trách nhiệm của cơ quan điều tra cấp trên sẽ khiến cấp dưới nể phục và làm theo.

TS PHAN ANH TUẤN

 

Xét xử phải chính xác, đúng luật

Theo quan điểm cá nhân tôi, trong vụ năm công an đánh chết nghi can ở Phú Yên vừa rồi, việc tòa sơ thẩm xử các bị cáo về một tội danh dùng nhục hình là không phù hợp với lý luận cũng như thực tế.

Về lý luận, hành vi đó ngoài xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan tư pháp còn xâm phạm đến tính mạng của nạn nhân. Do vậy các bị cáo phải bị xử lý về hai tội là dùng nhục hình và tội giết người (hoặc tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người).

Trên thực tế, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã có hướng dẫn tại Nghị quyết số 04 ngày 29-11-1986 với tội dùng nhục hình. Theo đó, “nếu nạn nhân bị chết hoặc bị gây thương tích thì tùy tình tiết của vụ án, cần xử lý thêm về tội vô ý làm chết người, tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người”.

Tháng 12-2012, Cục Điều tra VKSND Tối cao đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với trung úy NXC (nguyên cán bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an huyện Tuy Phước, Bình Định) về tội dùng nhục hình.

Trước đó, trong quá trình điều tra vụ án được lãnh đạo giao, trung úy C. đã bị nghi can và gia đình gửi đơn tố cáo về hành vi đánh đập tra tấn, gây thương tích nặng cho nghi can. Trong quá trình xử lý đơn tố cáo này, Cục Điều tra VKSND Tối cao gửi giấy triệu tập yêu cầu trung úy C. ra TP Đà Nẵng làm việc nhưng trung úy C. không chấp hành…

Tháng 8-2012, UBND xã Kim Nỗ, Đông Anh (Hà Nội) đã tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng của gia đình ông Nguyễn Mậu Thuận. Do ông Thuận cản trở nên bị đưa đến trụ sở công an xã làm việc. Các công an viên Nguyễn Trọng Kiên, Hoàng Ngọc Thức, Hoàng Ngọc Tuyên, Đoàn Văn Tuyến đã khóa tay ông Thuận ra phía sau bắt ngồi ghế. Ông Thuận chửi bới lại. Thấy vậy, các công an viên khóa hai chân, hai tay của ông vào chân ghế. Các công an xã dùng dùi cui cao su đánh liên tiếp vào đùi, dùng hai chiếc bút bi kẹp vào các ngón tay của ông Thuận bóp mạnh...

Sau hơn ba giờ có mặt tại trụ sở công an xã, ông Thuận đã tử vong với rất nhiều vết bầm tím trên cơ thể. Sau đó Công an huyện Đông Anh đã khởi tố bốn công an viên này về tội cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người...

Không chỉ có những vụ dùng nhục hình bị xử lý hình sự, thực tiễn còn xảy ra nhiều vụ khác có đơn khiếu nại, tố cáo điều tra viên về hành vi này.

Chẳng hạn vào tháng 6-2013, một trung tá công tác tại Công an quận Kiến An (Hải Phòng) đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng khiếu nại việc con trai ông là VVQ (nguyên thượng sĩ Công an huyện Tiên Lãng) bị đánh đập trong quá trình điều tra về hành vi dâm ô đối với trẻ em. Theo vị trung tá này, con trai ông đã bị cán bộ điều tra Công an TP Hải Phòng dùng nhục hình, bức cung, dụ cung, ép viết giấy từ chối luật sư của gia đình thuê...

SONG NGUYỄN tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm