Trước giờ tuyên án: Những điểm phi lý trong vụ 5 công an đánh chết người

Theo dự kiến, 14 giờ hôm nay 3-4, TAND TP Tuy Hòa (Phú Yên) sẽ tuyên án vụ 5 công an dùng nhục hình đánh chết nghi can Ngô Thanh Kiều. PLO sẽ trực tiếp thông tin tới bạn đọc. Trước giờ tuyên án, PLO xin điểm lại những điểm phi lý trong vụ án gây rúng động dư luận này để bạn đọc tiện theo dõi. 

Bắt giữ người trái quy định

  • Công an xã Hòa Đồng gửi thư mời cho anh Ngô Thanh Kiều, đề nghị đến trụ sở làm việc vào lúc 7h30 ngày 15-3-2012. Thế nhưng, 3 giờ sáng 15-3, công an bất ngờ ập vào nhà, bắt giữ anh Kiều, còng tay dẫn đi nhưng lại không có lệnh bắt.

 Anh Kiều bị bắt giữ (không có lệnh)  giữa đêm khuya khi đang ở nhà với vợ con, hoàn toàn không có dấu hiệu trốn tránh. Trong ảnh: Vợ con anh Kiều tại tòa.

  • Anh Kiều bị chuyển thẳng từ công an xã lên công an TP.Tuy Hòa cũng không qua quyết định nào. Tại đây anh bị còng vào ghế. Về việc này, phó công an TP.Tuy Hòa, ông Lê Đức Hoàn, thừa nhận là sai quy định nhưng…cần thiết để anh Kiều không bỏ chạy.
  • Tại công an TP.Tuy Hòa, anh Kiều - lúc này chưa xác định tội danh - bị các công an viên dùng dùi cui cao su đánh, bỏ đói đến chiều (xét nghiệm tử thi không có thức ăn nào trong bao tử) và dù đã van xin nhưng cuối cùng Kiều vẫn mất mạng.  
  • Mặc dù các công an viên đều khai do nóng vội kết thúc chuyên án nên mới ra tay đánh anh Kiều, nhưng suốt quá trình xét hỏi lại không có bất cứ một biên bản làm việc, biên bản lấy lời khai nào được lập.

 Phản biện của VKS: 

Không có căn cứ để nói ông Lê Đức Hoàn (nói riêng) và các công an viên này phạm tội bắt giữ người trái pháp luật, vì việc bắt giữ người tình nghi là đúng, ở đây chỉ thiếu về thủ tục và có thể bổ sung.

Tuy nhiên, VKS công nhận việc bỏ đói nghi can cũng là một hành vi sử dụng nhục hình.

Bưng bít thông tin, nhận định không chính xác

  • Theo biên bản khám nghiệm tử thi, anh Kiều bị 72 vết thương trên toàn thân do tác động ngoại lực, nội tạng hầu như đều bị tổn thương. Qua hình chụp thi thể anh Kiều thấy rõ các vết bầm, dập nghiêm trọng nhưng cơ quan điều tra lại nhận định hành động đánh vào người của bốn công an Quyền, Quang, Mẫn, Huy chỉ gây “xây xát ngoài da”.

Những vết thương nặng trên người nạn nhân 

  • Theo lời gia đình nạn nhân, sau khi anh Kiều chết, cơ quan công an đã cố tình bưng bít vụ việc, ngăn cản gia đình chôn cất nạn nhân. Chị Ngô Thị Tuyết, chị ruột anh Kiều, đã ròng rã đi gõ cửa đòi công lý hơn một năm trời mới có thể đưa được vụ án ra xét xử.
Giám định viên Hoàng Việt (đại diện cho Trung tâm giám định pháp y):  Kết quả cho thấy phần lớn các cơ quan nội tạng của anh Kiều đều bị tổn thương như não, tim, phổi, gan, thận, dạ dày, lách, ruột non, ruột già, tinh hoàn… Nạn nhân bị sung huyết và phù não cấp, sung huyết các tạng cấp tính....song nguyên nhân cái chết xác định là do chấn thương sọ não. 
Giám định viên từ chối trả lời hầu hết các câu hỏi của luật sư bào chữa cho bị cáo Thành. Về việc các cơ quan nội tạng của nạn nhân bị tổn thương nặng nhưng không bị xem là nguyên nhân gây nên cái chết, ông Hoàng Việt nói: "Khi nào luật sư dự hội nghị khoa học thì tôi sẽ trả lời ". 

Mâu thuẫn trong quyết định truy tố và xét xử

  • Quá trình xét hỏi anh Kiều không được coi là giai đoạn điều tra vụ án, vì chưa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can… đây chỉ là giai đoạn truy xét. Hơn nữa, pháp luật đã quy định nghiêm cấm dùng nhục hình trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thế nhưng, dù trường hợp này không chỉ là dùng nhục hình mà còn gây hậu quả nghiêm trọng là chết người, nhưng VKS chỉ truy tố tội “dùng nhục hình” mà không truy tố tội “giết người” hay “cố ý gây thương tích”.

 Các bị cáo và đại diện gia đình nạn nhân tại tòa.

  • Cáo trạng của vụ án này bất ngờ bị thay đổi mà không dựa trên căn cứ nào. Trong bản cáo trạng mới, mọi chi tiết vụ án đều giữ nguyên, chỉ đổi phần điều khoản áp dụng truy tố đối với bốn bị cáo được tại ngoại, để giảm khung hình phạt.
  • Bị cáo chính của vụ án, Nguyễn Thân Thảo Thành, người có cấp bậc thấp nhất trong năm bị cáo là người duy nhất bị bắt tạm giam. Khi thời hạn tạm giam lần thứ nhất kết thúc, Thành tiếp tục bị giam mà không có quyết định gia hạn thời gian giam giữ.
  • Trong quá trình điều tra, bị cáo Thành liên tục phủ nhận mình có liên quan đến vụ việc, một mực kêu oan. Thành được cơ quan góp tiền giúp để bồi thường cho nhà anh Kiều nhưng Thành không nhận. Bị cáo này cũng là người duy nhất không xin lỗi gia đình nạn nhân, không bồi thường cho người bị hại. Thành cung cấp thông tin cho thấy các bị cáo có dấu hiệu thông đồng khi cung cấp lời khai qua lời trách cứ của bị cáo Quang: “Sao em lại khai như vậy, các anh đã thống nhất khai khác rồi”. Thế nhưng tất cả các chi tiết này hoàn toàn không được “để tâm”.

Bị cáo Thành tại tòa

  • Điều khoản truy tố bị cáo Thành có khung hình phạt từ 5 năm đến 12 năm tù. Dù không có bất cứ tình tiết giảm nhẹ nào song VKS vẫn đề nghị mức  phạt thấp nhất là  5 năm đến 5 năm sáu tháng tù giam.
  • Bốn bị cáo còn lại qua tranh tụng cho thấy đây là  vụ án có  đồng phạm, thuộc trường hợp  nghiêm trọng, rất nghiêm trọng (gây chết người, giảm uy tín của cơ quan pháp luật) sau khi được thay đổi không lý do điều khoản truy tố, lại được “giảm nhẹ” một lần nữa khi đề nghị mức án tù treo mà không đưa ra căn cứ nào.
Phản biện của VKS: 
Không có cơ sở nào để nói VKS vi phạm tố tụng, cũng không có căn cứ để nói VKS sử dụng các văn bản không có giá trị pháp lý để buộc tội bị cáo Thành.
Tuy nhiên, VKS vẫn không lý giải về việc đột ngột thay đổi cáo trạng cũng như lý do truy tố các công an viên này tội dùng nhục hình.
Lời khai của bị cáo Thành bị nhân chứng Hà Văn Đại (cán bộ Công an TP Tuy Hòa) phản bác do ông này cam đoan tận mắt chứng kiến Thành đánh vào đầu nạn nhân nhiều lần. 

Và “lọt lưới” cá lớn

  • Ông Lê Đức Hoàn, với tư cách là người trực tiếp chỉ đạo việc bắt giữ và xét hỏi, nhưng khi anh Kiều bị các công an viên đánh đập, ông Hoàn lại nói “hoàn toàn không hay biết, không nghe tiếng kêu la” . Trong khi nhiều công an viên ngồi ăn trưa ở phòng ngoài khai đã nghe nhiều tiếng kêu la từ phòng xét hỏi.
  • Ông Hoàn là người chỉ đạo toàn bộ chuyên án, có mặt tại phòng xét hỏi nhưng không ngăn cản việc dùng nhục hình, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, song cơ quan điều tra chỉ xác định ông liên quan đến vụ án này với tư cách nhân chứng, hoàn toàn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Một phần lý do của việc miễn trách nhiệm này là do ông Hoàn có nhiều thành tích, thêm nữa đã bị xử lý kỷ luật (lỗi thiếu trách nhiệm) ở đơn vị.

 Luật sư Võ An Đôn nhiều lần đề nghị tòa triệu tập ông Lê Đức Hoàn nhưng đều bị bác bỏ

  • Mặc dù vậy, trong tư cách là nhân chứng, và là nhân chứng quan trọng, ông Hoàn vẫn tỏ thái độ coi thường pháp luật khi không hề đến dự một phiên xử nào, bất chấp lệnh triệu tập nhiều lần từ Tòa án. Luật sư nhiều lần đề nghị dẫn giải ông Hoàn đến tòa nhưng đều bị chủ tọa bác bỏ.
Theo đại diện VKS:

Trong vụ án này, ông Hoàn không đồng lõa dùng nhục hình. Ông Hoàn có dấu hiệu tội thiếu trách nhiệm nhưng chỉ vì ông Hoàn là trưởng ban chuyên án và đã chịu xử lý kỷ luật ở cơ quan (mức độ cảnh cáo). 

Kiểm sát viên Ngô Thị Hồng Minh nhấn mạnh: "Tôi nói rõ là đồng chí Lê Đức Hoàn có sai phạm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu luật sư không đồng tình thì có thể làm đơn yêu cầu". 

PD tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm