Quân đội Mỹ đã bắt đầu rút quân khỏi Syria, và tiến trình này dự kiến sẽ hoàn tất trong 90 đến 120 ngày, một quan chức quốc phòng Mỹ xác nhận với CBS News cuối tuần rồi. Cụ thể theo lời quan chức này, khí tài quân sự đã bắt đầu được rút khỏi Syria đầu tuần trước, nhưng binh sĩ thì chưa.
Đại tá Sean Ryan, người phát ngôn liên quân quốc tế đánh IS xác nhận với AP rằng “tiến trình rút quân của chúng tôi khỏi Syria” đang diễn ra. Theo lời Đại tá Ryan, “vì lý do an ninh, chúng tôi sẽ không bàn về lịch trình, địa điểm cụ thể của hoạt động binh sĩ”.
Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (SOHR) – thân phe nổi dậy, giám sát cuộc xung đột Syria – cho biết tiến trình rút quân bắt đầu tối 10-1. Một đoàn khoảng 10 xe bọc thép và một số xe tải đã di chuyển từ thị trấn Rmeilan, tỉnh al-Hasakah, Đông Bắc Syria sang Iraq. AP cho biết hiện tàu đổ bộ tấn công USS Kearsarge của Mỹ đang ở Trung Đông hỗ trợ tiến trình rút quân.
Trong quá trình rút quân, chiến dịch đánh IS ở Syria vẫn sẽ được tiếp tục. Hiện quân Mỹ vẫn đang sát cánh với Các lực lượng Dân chủ Syria truy quét căn cứ địa cuối cùng của IS ở thung lũng sông Euphrates gần biên giới Iraq.
Mỹ liệu có rũ bỏ đồng minh YPG?
Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 12 bất ngờ lên Twitter tuyên bố rút quân với lý do cuộc chiến đánh IS đã hoàn thành. Tuyên bố này gây sốc toàn khu vực và dẫn đến sự từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và đặc phái viên Mỹ tại liên quân đánh IS Brett McGurk. Theo ông McGurk, việc nói IS bị đánh bại và rút quân là việc làm liều lĩnh.
Nếu thật sự rút quân, Mỹ sẽ chấm dứt chiến dịch tổ chức, vũ trang, cố vấn, cung cấp hỗ trợ cho các tay súng dân quân người Syria, người Kurd, người Ả Rập do chính phủ Obama phát động 3 năm trước. Mỹ bắt đầu chiến dịch không kích IS ở Syria từ tháng 9-2014, đến năm 2015 Mỹ bắt đầu đưa quân vào Syria để làm công tác huấn luyện, cố vấn các đồng minh đánh IS. Hiện Mỹ có khoảng 2.000 quân ở Syria.
Binh sĩ và xe quân sự Mỹ ở Manbji (Syria) ngày 30-12-2018. Ảnh: AFP
Việc Mỹ xác nhận rút quân đến giữa bối cảnh đang có sự lúng túng khó hiểu về việc thực hiện chỉ đạo rút quân của ông Trump và đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ với người Kurd ở Syria (YPG) – đồng minh chủ chốt của Mỹ trong cuộc chiến đánh IS.
Nhà Trắng tới giờ vẫn chưa chính thức thay đổi hai tiêu chuẩn vốn được Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đề cập một tuần trước: IS phải bị đánh bại và an ninh của YPG phải được đảm bảo trước khi Mỹ rút quân. Tiêu chuẩn đầu chưa được đáp ứng nhưng có thể khả thi khi IS hiện chỉ còn kiểm soát một phần nhỏ lãnh thổ Syria. Tuy nhiên tiêu chuẩn thứ hai chắc chắn khó khăn hơn nhiều để đạt được.
Trong nỗ lực bảo vệ đồng minh YPG, ngày 13-1 ông Trump lên Twitter đe dọa sẽ trừng phạt nặng về kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này dám đánh YPG một khi Mỹ rút quân. Với Thổ Nhĩ Kỳ, YPG là cánh tay nối dài của tổ chức ly khai Đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà mình xem là khủng bố ở miền Nam nước này.
Cùng ngày, ông Bolton một lần nữa tuyên bố binh sĩ Mỹ sẽ không rời Đông Bắc Syria đến chừng nào IS bị đánh bại hoàn toàn và đồng minh YPG được bảo vệ.
Phát biểu tại đại học Cairo (Ai Cập) ngày 13-1 về chính sách Mỹ ở Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ủng hộ quyết định rút quân khỏi Syria của ông Trump nhưng nhấn mạnh cuộc chiến đánh IS sẽ vẫn tiếp tục. Tuy nhiên điều đáng chú ý là ông Pompeo không lặp lại yêu cầu bảo vệ người Kurd hay đề cập đến cam kết của ông Bolton sẽ ngăn chặn sự hiện diện của Iran ở Syria. Ông Pompeo – hiện đang công du Trung Đông – đang nỗ lực tìm sự bảo đảm YPG sẽ được an toàn dù Mỹ có rút quân khỏi Syria.
Thách thức với Mỹ là tìm được một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để bảo đảm an ninh cho YPG, nếu không chính phủ Trump sẽ bị gán tội rũ bỏ đồng minh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) phải thuyết phục Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Tayyip Erdogan không đánh YPG nếu không sẽ bị gán tội rũ bỏ đồng minh. Ảnh: AFP
Đây là thách thức không dễ vượt qua với Mỹ, khi thăm binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đóng quân gần biên giới với Syria ngày 11-1, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Hulusi Akar khẳng định lại rằng Thổ Nhĩ Kỳ “quyết tâm” đánh YPG, cho biết quá trình chuẩn bị vẫn đang diễn ra tích cực.
Ngày 10-1, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan đã quyết sẽ thực hiện chiến dịch đánh người Kurd ở miền Bắc Syria, và chiến dịch này sẽ diễn ra bất kể sự hiện diện của lính Mỹ. Ngày trước đó ông Cavusoglu nói nếu Mỹ trì hoãn rút quân, “chúng tôi sẽ đưa quyết định này vào thực hiện”.
Theo CBS News, thông báo rút quân của Mỹ có thể thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ hoãn đánh IS trong một thời gian, nhưng thông báo này không làm thay đổi quyết định của ông Erdogan và việc tấn công người Kurd có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
CBS News nhận định đe dọa từ phía Thổ Nhĩ Kỳ với YPG có thể sẽ khiến Mỹ chậm lại quá trình rút quân. Bất kể thông báo rút quân chính thức của ông Trump, Bộ Ngoại giao Nga ngày 11-1 nói rằng mình nghi ý định thực sự của chính phủ Mỹ là duy trì hiện diện quân sự ở Nga lâu dài.
Mỹ thực sự định làm gì?
Việc không chắc chắn về thời gian và chi tiết rút quân khiến nhiều người đặt câu hỏi về chiến lược rộng hơn của chính phủ Trump trong đánh IS. AP đề cập đến một khả năng là các đối tác của Mỹ ở Syria - các lực lượng dân quân người Kurd và Ả Rập – có thể sẽ thay vai trò của Mỹ trong đánh IS ở Syria.
Tay súng người Kurd ở Syria có thể sẽ thay vai trò của Mỹ trong đánh IS ở Syria. Ảnh: GETTY IMAGES
Hai tuần trước khi ông Trump thông báo rút quân, Tướng Joseph Dunford – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ nói Mỹ vẫn còn một chặng đường rất dài trong huấn luyện các lực lượng Syria địa phương nhằm bình ổn các khu vực còn dấu chân IS.
Theo ông Dunford, sẽ cần đến từ 35.000 đến 40.000 quân địa phương ở Đông Bắc Syria để duy trì an ninh, nhưng hiện tại mới chỉ có 20% con số này được Mỹ huấn luyện. Một vấn đề phức tạp nữa là số phận của hàng trăm tay súng IS người nước ngoài bị bắt giữ ở Syria. Mỹ không muốn các tay súng này được thả một khi mình rút quân, vì lo sợ lực lượng này có thể tham gia các tổ chức phiến quân, khủng bố ở Syria hoặc ở nước khác.
Việc để các lực lượng người Kurd, Ả Rập thay mặt mình đánh IS là điều Mỹ từng làm ở Iraq từ năm 2014. Mỹ hiện có 5.200 quân ở Iraq để hỗ trợ binh sĩ nước này, và ông Trump không hề cho thấy có ý định rút quân về. Tuy nhiên khác trường hợp ở Iraq - Mỹ được sự đồng ý của chính phủ nước này, ở Syria, hoạt động của Mỹ bị chính phủ Syria phản đối dữ dội.
Khả năng này càng lớn nếu bao gồm cả việc ông Trump mùa hè này từng nói có ý định rút quân khỏi Afghanistan. Thời điểm đó ông Trump đặt câu hỏi về tính cần thiết duy trì cuộc chiến kéo dài 17 năm ở Afghanistan và mới đây yêu cầu rút một nửa trong số 14.000 quân Mỹ tại đây về nước.