Cuộc thương lượng giữa Mỹ và Triều Tiên về chuyện giải trừ hạt nhân Triều Tiên phụ thuộc hoàn toàn vào thiện chí của Mỹ liệu có “đi bước táo bạo” đồng ý ký hiệp ước hòa bình với Bình Nhưỡng hay không, CNN dẫn lời một quan chức Mỹ biết rõ về quan điểm của Triều Tiên trong việc này.
Giống với Hàn Quốc, Bình Nhưỡng và Mỹ về lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh kể từ năm 1950, quan hệ hai bên nhiều thập niên nay chìm trong sự mất niềm tin với liên tiếp các thỏa thuận đổ vỡ. Thượng đỉnh ngày 12-6 tại Singapore giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là lần đầu tiên lãnh đạo đương nhiệm hai bên gặp nhau.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12-6 tại Singapore. Ảnh: BUSINESS INSIDER
Tại thượng đỉnh, hai ông Trump-Kim thống nhất sẽ xây dựng một thể chế hòa bình lâu dài và mạnh mẽ ở bán đảo Triều Tiên, trong đó có việc Mỹ bảo đảm an ninh cho Triều Tiên.
Triều Tiên muốn nhanh có hiệp định hòa bình với Mỹ, Hàn
Theo nguồn tin này, nếu Mỹ không muốn thay thế hiệp định đình chiến liên Triều hiện tại bằng một hiệp ước hòa bình lâu dài có thể bảo đảm sự sống còn của thể chế ông Kim, Bình Nhưỡng khả năng lớn sẽ không theo đuổi đối thoại giải trừ hạt nhân.
Mỹ là nước đại diện Hàn Quốc khi ký thỏa thuận đình chiến và giờ nếu việc ký hiệp định hòa bình có diễn ra thì Mỹ cũng là bên ký kết. Tuy nhiên, chính phủ Trump không thể tự quyền quyết định ký hiệp ước hòa bình liên Triều mà cần phải được sự đồng ý của 2/3 Thượng viện Mỹ.
Trong khi đó Yonhap ngày 23-7 dẫn thông tin từ truyền thông Triều Tiên hối thúc Hàn Quốc thực hiện “nhiệm vụ lịch sử” là nội dung thỏa thuận hai nước đã ký hồi tháng 4 nhằm chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.
Chấm dứt chiến tranh Triều Tiên là một nội dung chính trong tuyên bố chung Bàn Môn Điếm mà ông Kim đạt được với Tổng thống Moon trong cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27-4. Theo các nhà quan sát, diễn tiến trên cho thấy Triều Tiên không hài lòng và sốt ruột với tốc độ thực thi thỏa thuận.
Tiến trình đàm phán giữa Triều Tiên với Hàn Quốc cũng vướng cản trở trong tháng này, khi hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 21-7 yêu cầu Hàn Quốc trao trả một nhóm nữ công dân Triều Tiên đã trốn qua biên giới với Hàn Quốc và làm việc trong một nhà hàng nước này.
Hồi tháng 5, quản lý nhà hàng nơi nhóm nhân viên này làm việc nói rằng mình đã lừa nhóm nhân viên Triều Tiên này làm việc đại diện cho Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS). NIS không trả lời yêu cầu giải thích về chuyện này của CNN.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp nhau ở khu phi quân sự ngày 27-4. Ảnh: NATIONAL INTEREST
KCNA cho rằng nếu Hàn Quốc không trao trả nhóm nữ nhân viên này thì các nỗ lực cải thiện quan hệ hai bên sẽ bị cản trở, kể cả nỗ lực lên kế hoạch cho các gia đình bị chia cách đoàn tụ vào tháng tới.
Tạo áp lực để Mỹ giảm trừng phạt?
Theo nguồn tin thì với việc hối thúc ký hiệp định hòa bình Triều Tiên đang làm áp lực lên chính phủ Trump để Mỹ bắt đầu dỡ bỏ trừng phạt cho mình. Triều Tiên cho rằng mình đã làm “quá nhiều” khi phong tỏa các vụ thử hạt nhân và tên lửa (từ sau tháng 9 năm ngoái đến nay), phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri, tạo điều kiện tìm kiếm và hồi hương thi hài lính Mỹ.
Tuy nhiên về phần mình, ông Trump từng thể hiện thái độ thất vọng vì tiến độ chậm chạp của đối thoại, dù thừa nhận việc ngưng thử hạt nhân-tên lửa là tín hiệu tích cực, nguồn tin cho biết.
Sau thượng đỉnh với ông Kim ngày 12-6 tại Singapore, dù có không hài lòng tiến độ đối thoại chậm chạp nhưng cả ông Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đều đề nghị kiên nhẫn.
“Chúng tôi không vội… Chúng tôi không có giới hạn thời gian. Chúng tôi không có giới hạn tốc độ. Chúng tôi chỉ mới đi vào tiến trình. Nhưng quan hệ rất tốt” – ông Trump nói tuần trước.
Về phần mình, ông Pompeo ngày 20-7 tin tưởng: “Đó là tiến triển thực sự tốt… Chủ tịch Kim đã có một lời hứa. Chủ tịch Kim không chỉ nói với Tổng thống Trump mà cả với Tổng thống Moon (Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in) rằng ông ta chuẩn bị giải trừ hạt nhân”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong chuyến sang Triều Tiên tháng 5. Ảnh: REUTERS
Một nội dung được hai ông Trump-Kim thống nhất tại Singapore là làm việc tiến tới giải trừ hạt nhân hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, một cụm từ mơ hồ mà các chuyên gia cho rằng hai bên hiểu hoàn toàn khác nhau. Một bộ phận chỉ trích rằng thỏa thuận không cụ thể, không ràng buộc Triều Tiên vào khung thời gian giải trừ hạt nhân hay từ bỏ kho vũ khí hạt nhân hiện tại.
Tuy nhiên, theo ông Pompeo: “Phạm vi và quy mô đã được thống nhất. Triều Tiên hiểu điều đó có nghĩa là gì. Không có sự hiểu sai nào về phạm vi của việc giải trừ hạt nhân sẽ như thế nào”.
Triều Tiên cũng cam kết sẽ trao trả thi hài lính Mỹ chết trong chiến tranh Triều Tiên. Theo lời một quan chức Mỹ nói với CNN thì Mỹ tin rằng đợt trao trả đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 27-7 tới, ngày kỷ niệm ký hiệp ước đình chiến ngưng chiến tranh Triều Tiên và thiết lập khu phi quân sự ngăn chia hai miền Nam, Bắc Triều Tiên đến ngày nay.