RT đưa tin, Thượng tướng Sergey Rudskoy, Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu Nga ngày 2-8 cho biết lực lượng chính phủ Syria đã kiểm soát hoàn toàn các tỉnh As-Suwayda, Daraa và Quneitra ở phía Tây Nam Syria sau chiến dịch diễn ra trong một tháng qua. Ông Rudskoy gọi chiến dịch này là “độc đáo”, thông báo rằng các nhóm tàn dư tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cuối cùng còn cố thủ ở Quneitra đã bị đập tan hôm 1-8. Hơn 160 tay súng IS đã bị bắt làm tù binh.
Binh sĩ trung thành với chính phủ Syria ở tal-Qadam. Ảnh: REUTERS
Ông Rudskoy cho hay thành công này có được sau khi một số nhóm vũ trang trong khu vực, bị thuyết phục bởi lời đề nghị ân xá của Nga, đã chọn đứng về phía chính phủ Damascus và liên thủ với lực lượng chính phủ chiến đấu chống các phần tử thánh chiến cực đoan. Tướng Nga nói thêm, phía Nga cũng đưa ra một số lựa chọn khác cho phiến quân.
“Các phiến quân được đưa ra một số lựa chọn hoặc nhận ân xá và trở về cuộc sống bình yên hoặc đưa gia đình chạy tới tỉnh Idlib. Một phần lớn phiến quân chọn ở lại quê nhà” - ông Rudskoy nói.
Theo ông Rudskoy, gần 10.000 người đã được tự do đi tới Idlib, trong đó có khoảng 4.300 chiến binh. Các nhóm nổi dậy nguyện giã từ vũ khí đã giao nộp 650 phương tiện quân sự, gồm 39 xe tăng, 29 xe thiết giáp, 35 pháo phòng không, 17 pháo phản lực phóng loạt cùng với hàng chục phương tiện khác.
Diễn tiến này cho phép các quan sát viên quốc tế quay trở lại biên giới giữa Syria và phần cao nguyên Golan do Israel kiểm soát sau khi rút khỏi đây năm 2012, ông Rudskoy cho biết. Cảnh sát quân đội Nga cũng đã đề nghị bảo vệ các quan sát viên Liên Hiệp Quốc để họ thực hiện sứ mệnh của mình. Binh sĩ Nga cũng tham gia hỗ trợ người dân địa phương trong khu vực như hoạch định, phân phát viện trợ nhân đạo và tháo gỡ thiết bị nổ.
Nỗ lực này mang ý nghĩa tạo ra cơ hội cho những người tị nạn và những người di tản sớm trở về quê hương, ông Rudskoy nói.
Vị tướng Nga bên cạnh đó cũng chỉ trích các tiền đồn quân sự của Mỹ ở khu vực al-Tanf, Syria dọc biên giới với Jordan. Ông cho hay ngày càng có nhiều chiến binh thánh chiến lánh nạn trong khu vực và từ nơi này thực hiện các cuộc tấn công vào các khu vực do quân đội Syria kiểm soát.
“Mối quan ngại đặc biệt của chúng tôi là tình hình trong trại tị nạn Rukban, nơi 60.000 người đang tá túc trong những điều kiện khắc nghiệt và cũng là nơi những kẻ khủng bố tìm tới ẩn náu. Tình hình này cần giải quyết ngay lập tức” - ông Rudskoy nhấn mạnh - “Các đối tác người Mỹ của chúng tôi nên cung cấp quyền lui tới nhân đạo cho Rukban càng sớm càng tốt, mở hành lang cho người tị nạn trở về nhà và rút căn cứ khỏi al-Tanf”.