Hãng tin Sputnik ngày 16-5 trích phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp quân sự. “Do những kẻ khủng bố quốc tế vẫn đang gây ra mối đe dọa ở Syria, các tàu chiến của Nga mang theo tên lửa hành trình Kalibr sẽ được triển khai liên tục tại biển Địa Trung Hải” - ông Putin nói.
Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường Smetlivy của hải quân Nga trên đường tới Địa Trung Hải hôm 21-4. Ảnh: REUTERS
Ông chủ điện Kremlin nhấn mạnh các chiến dịch tác chiến trên biển hoặc hoạt động tập trận của Nga trên đại dương nên được tiếp tục thực hiện. Ông Putin tiết lộ các tàu chiến và tàu ngầm Nga đang triển khai khoảng 102 chiến dịch.
Theo Tổng thống Putin, sự hiện diện của hải quân Nga ở Địa Trung Hải đã làm thay đổi đáng kể cục diện cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở Syria.
Tổng thống Putin cũng hoan nghênh các hoạt động phối hợp tốt và chính xác của các tàu nổi và tàu ngầm Nga trong chiến dịch chống khủng bố tại Syria và các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình đã gây thiệt hại lớn cho các phần tử khủng bố hoạt động ở Syria.
Ngoài ra, ông Putin nhấn mạnh Nga sẽ tiếp tục củng cố các lực lượng và vũ khí trên biển nhằm gia tăng vai trò của hải quân Nga trong sức mạnh răn đe của “bộ ba hạt nhân” Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng ca ngợi việc hải quân Nga xây dựng khả năng thực hiện các kế hoạch triển khai lớn ở nước ngoài, đồng thời nói rằng lực lượng hải quân đóng vai trò trọng yếu trong việc đảm bảo an ninh kinh tế cũng như bảo vệ lợi ích quốc gia cho nước Nga.
Tên lửa hành trình Kalibr lần đầu thực chiến khi Nga tấn công các mục tiêu của khủng bố ở Syria vào năm 2015. Khi đó tên lửa này được phóng từ tàu hộ vệ Buyan-M và tàu ngầm lớp Varshavyanka từ Địa Trung Hải và có thể vươn tới mục tiêu khủng bố ở Syria, cách xa 2.000-2.500 km.
Kalibr có thể hoạt động hiệu quả trong nhiều điều kiện thời tiết và mang nhiều đầu đạn phù hợp với từng loại nhiệm vụ. Theo quân đội Nga, tên lửa Kalibr được trang bị hệ thống định vị hiện đại bao gồm cả hệ thống dẫn đường bằng quán tính, radar và định vị GPS. Ngoài ra, nó có thể bay ở tầm thấp gần mặt nước và trên mặt đất, cũng như thay đổi đường bay linh hoạt nhằm tránh các hệ thống tên lửa phòng không đối phương.
Tàu chiến Grad Sviyazhsk phóng tên lửa Kalibr. Ảnh: SPUTNIK
Nga hiện duy trì một lực lượng đặc nhiệm hải quân tương đối hùng hậu tại khu vực phía Đông Địa Trung Hải với các hộ vệ hạm mang tên lửa dẫn đường, tàu ngầm diesel điện, tàu quét mìn cũng như các tàu hỗ trợ và hậu cần.
Tại Syria hiện nay, Nga đặt một căn cứ không quân Khmeimim gần Latakia và căn cứ hải quân tại TP Tartus, phục vụ cho chiến dịch chống khủng bố ở quốc gia Trung Đông này. Hai căn cứ này được Syria bàn giao cho Nga sử dụng miễn phí trong vòng 49 năm và sẽ gia hạn tự động nếu như một trong hai quốc gia không chấm dứt thỏa thuận này.
Trong quý đầu năm 2018, hải quân Nga đã tiếp nhận một tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân, ba tàu chiến, hai trực thăng và 46 tên lửa hành trình Kalibr. Nga đang tích cực hiện đại hóa vũ khí và trang thiết bị quân sự trong bối cảnh các mối quan hệ quốc tế căng thẳng. Theo Bộ Quốc phòng Nga, nước này có kế hoạch chi ra 352,3 tỉ USD trong chương trình hiện đại hóa vũ khí cho quân đội Nga giai đoạn 2018-2027.