Thăm Trung Quốc, ông Kim Jong-un mong gì?

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức năm 2011, thăm Trung Quốc (TQ) theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Gặp ông Tập, ông Kim nói có nghĩa vụ phải đến TQ chúc mừng trực tiếp ông Tập được tái đắc cử chủ tịch nước và trực tiếp cập nhật với ông Tập các diễn biến quan trọng gần đây ở bán đảo Triều Tiên.

Cam kết giải trừ hạt nhân

Theo ông Kim Jong-un, tình hình bán đảo Triều Tiên đang tốt hơn. Triều Tiên đang thực hiện các bước giảm căng thẳng, đề xuất đối thoại hòa bình. Tân Hoa xã cho biết ông Kim cam kết hướng đến mục tiêu giải trừ hạt nhân và lạc quan điều này hoàn toàn khả thi nếu Hàn Quốc và Mỹ phản hồi các nỗ lực của Triều Tiên một cách có thiện chí.

Về phần mình, ông Tập Cận Bình khẳng định TQ luôn theo đuổi mục tiêu giải trừ hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên, giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn. Ông Tập cho biết TQ đánh giá cao các đột phá của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi tất cả các bên ủng hộ cải thiện quan hệ liên Triều và nỗ lực tạo điều kiện cho đối thoại hòa bình.

Trong khi đó, hãng thông tấn trung ương của Triều Tiên (KCNA) không đề cập gì về cam kết giải trừ hạt nhân của ông Kim Jong-un. Hãng thông tấn này cũng khẳng định ông Tập đã nhận lời mời sang thăm chính thức tại Triều Tiên. Thông tin này thì lại không được Tân Hoa xã đề cập. Còn theo thông cáo của Nhà Trắng, chính quyền Bắc Kinh đã thông báo với Tổng thống Mỹ Donald Trump về chuyến thăm của ông Kim. Nhà Trắng đánh giá diễn biến này là một bằng chứng nữa cho thấy chiến dịch gây áp lực tối đa lên Triều Tiên đang gặt hái quả ngọt.

Trong một diễn biến khác, nhà ngoại giao kỳ cựu của TQ Dương Khiết Trì sẽ đến Hàn Quốc trong ngày hôm nay (29-3) để thông báo cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về cuộc gặp “thượng đỉnh” bất ngờ vừa qua.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong cuộc gặp lịch sử đón tiếp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA

Đặt hy vọng vào đồng minh duy nhất

Nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên từ khi nhậm chức năm 2011 chưa hề rời khỏi Triều Tiên, hay ít nhất là về mặt thông tin chính thức. Cả hai cường quốc “thân thiện” với chính quyền tại Bình Nhưỡng là Nga và TQ đều không phải ngoại lệ. Theo nhận định của The Washington Post, chuyến công du bất ngờ của ông Kim cho thấy tính cấp bách tình thế Triều Tiên đang đối diện. Nhiều nhà phân tích cho rằng chuyến thăm là một hệ quả của các áp lực trừng phạt kinh tế Triều Tiên đang đối diện. Động thái này cũng có mối liên hệ mật thiết với hai cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới của ông Kim Jong-un với lần lượt Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và sau đó là Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trang tin Newsday của Mỹ dẫn ý kiến một số nhà phân tích cho biết ông Kim có thể đang nỗ lực cứu vãn nền kinh tế Triều Tiên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt. Theo chuyên gia Du Hyeogn-cha tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc), với thông điệp cần sự phản hồi “thiện chí”, ông Kim Jong-un có thể đề nghị TQ kêu gọi giảm trừng phạt quốc tế. Trong trường hợp đối thoại với Mỹ và Hàn Quốc thất bại, Triều Tiên cũng muốn chính quyền Bắc Kinh hứa không trừng phạt quá tay nếu nước này quay lại với chương trình hạt nhân-tên lửa.

Bên cạnh đó, ông Kim Jong-un cũng muốn tìm sự ủng hộ của ông Tập trước các cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới. TQ hiện là đồng minh duy nhất và đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, giúp kinh tế nước này cầm cự trước làn sóng trừng phạt. Với sự phụ thuộc này, dễ hiểu Triều Tiên sẽ tham vấn TQ trước khi có bước đi quan trọng nào với phương Tây. Những đối thoại thượng đỉnh trong tương lai đòi hỏi sự tham vấn cấp cao nhất với TQ. Việc sang Bắc Kinh trước các cuộc gặp này còn giúp giữ hình ảnh cho ông Kim và Triều Tiên, tỏ rõ thông điệp TQ vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đối ngoại.

Tờ The Washington Post dẫn ý kiến nhiều nhà phân tích nhận định ông Kim Jong-un muốn thông qua chuyến thăm này sẽ xóa bỏ mọi lo ngại rằng Triều Tiên định thay đổi cán cân khu vực bằng việc đơn phương vươn tay đến Hàn Quốc và Mỹ. Ông Kim cũng muốn nhân đây gửi thông điệp đến Mỹ và Hàn Quốc rằng mình vẫn còn lựa chọn khác nếu các cuộc gặp với hai nước này thất bại. Chuyến thăm cũng cho thấy TQ vẫn giữ vai trò rất lớn trong nỗ lực chấm dứt chương trình hạt nhân Triều Tiên.

Trung Quốc chủ động đề nghị ông Kim Jong-un sang thăm?

Theo nhiều nhà phân tích, có thể chính ông Tập Cận Bình đã đề nghị ông Kim Jong-un sang thăm. Theo GS Victor Cha, chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên tại ĐH Georgetown (Mỹ), có thể ông Tập muốn điều chỉnh lại chính sách Triều Tiên sau khi tái đắc cử chủ tịch nước TQ.

Một số chuyên gia khác cho rằng có khả năng Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã lên kế hoạch cho ông Kim sang gặp ông Tập trước cả khi ông Kim chuyển lời mời đầy bất ngờ đến các lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ. Theo dự đoán của nhà phân tích Kim Dong-yub, Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Hàn Quốc), sẽ không bất ngờ nếu điểm đến tiếp theo của ông Kim Jong-un là Moscow.

______________________________

“Quan điểm nhất quán của chúng tôi là cam kết giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên” - Tân Hoa xã dẫn lời ông Kim Jong-un trao đổi với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm