Triều Tiên vừa bác một số đề xuất về lộ trình giải trừ hạt nhân mà Mỹ đưa ra, CNN ngày 10-8 dẫn lời một số nguồn tin ngoại giao cấp cao Mỹ.
Theo các nguồn tin này, Mỹ đã vạch và vẫn tiếp tục vạch “một số đề xuất đặc biệt để bắt đầu và xúc tiến tiến trình đi đến điểm cuối cùng của việc giải trừ hạt nhân hoàn toàn có kiểm chứng, trong đó có lộ trình giải trừ”. Tuy nhiên, phía Triều Tiên đã bác toàn bộ đề xuất này, xem chúng là sự bắt nạt.
Phía Triều Tiên bác toàn bộ đề xuất giải trừ hạt nhân phía Mỹ đưa ra. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải)trong một bản tin trên truyền hình Hàn Quốc. Ảnh: AP
Ngày 9-8, phái bộ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) ra tuyên bố rằng một số cá nhân trong chính phủ Trump không tôn trọng tinh thần cuộc đối thoại giữa hai nước mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thống nhất tại thượng đỉnh ở Singapore.
Triều Tiên cho rằng mình đã thể hiện đủ thiện chí bằng các hành động như ngưng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, trao trả di hài lính Mỹ. Trong khi đó, Mỹ lại đáp trả kỳ vọng của Triều Tiên bằng cách kích động thế giới trừng phạt và gây áp lực lên Triều Tiên.
Việc tuyên bố này được phái bộ Triều Tiên tại LHQ phát ngôn thay vì hãng thông tấn KCNA như thường thấy cũng đáng chú ý, được cho là động thái đặc biệt gửi đến chính phủ Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ chưa bình luận.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore ngày 12-6. Ảnh: NYT
Theo CNN, diễn biến mới này cho thấy tiến trình ngoại giao chính phủ Trump thực hiện với Triều Tiên không hề đơn giản. So với các chính phủ Mỹ tiền nhiệm, việc đối thoại với Triều Tiên của chính phủ Trump cũng khó khăn không kém gì.
CNN cho rằng chính sự mơ hồ trong cam kết giải trừ hạt nhân mà phía Triều Tiên đề cập trong tuyên bố chung thượng đỉnh Mỹ-Triều đã gây thế khó ngoại giao này. Trong tuyên bố, Triều Tiên chỉ đưa ra cam kết sẽ giải trừ hạt nhân mà không nói cụ thể thời gian, cách thức. Chính điều này đã khiến cả hai bên khó thống nhất được cách hiểu và hành động.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho gặp nhau tại Singapore tuần trước. Ảnh: AFP
Phần mình, Mỹ yêu cầu Triều Tiên phải giải trừ hạt nhân toàn diện, không thể đảo ngược và có thể thẩm tra được, và vẫn sẽ duy trì trừng phạt đến chừng nào Triều Tiên thực hiện. Trong khi đó, Triều Tiên muốn Mỹ phải dỡ bỏ áp lực trừng phạt và ký hiệp ước hòa bình trước khi có thêm bất kỳ bước đi nào.