Bị Huyền Như lừa nhưng “níu” VietinBank

Ngày 16-1, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử vụ Huỳnh Thị Huyền Như với phần tranh luận liên quan đến quyền lợi của các nguyên đơn dân sự và người bị hại còn lại. Cũng như ngày hôm trước, hôm nay ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương, cũng đến theo dõi phiên tòa.

Các nguyên đơn dân sự còn lại cũng chung quan điểm từ chối là nạn nhân của Huyền Như. Họ yêu cầu tòa xác định lại tư cách tố tụng của họ chỉ là người liên quan, còn VietinBank mới là nguyên đơn dân sự trong vụ án này.

“Không thể phủ nhận trách nhiệm”

Đại diện theo ủy quyền của Ngân hàng Nam Việt - NaviBank, đơn vị mà cáo trạng xác định Huyền Như chiếm đoạt 200 tỉ đồng, nói mình phải làm nguyên đơn dân sự một cách bất đắc dĩ. Phản bác quan điểm của VKS cho rằng VietinBank vô can, đại diện này nhấn mạnh: “Ý kiến của VKS là không thể chấp nhận được”.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: HY

Đại diện NaviBank phân tích: VietinBank giao người có trách nhiệm như Huyền Như quản lý tiền, vì vậy VKS không thể nói giao dịch ngoài trụ sở, tiền chưa vào hệ thống để phủi trách nhiệm. Ông này đề nghị HĐXX khởi tố để xem xét trách nhiệm những người có quyền điều hành tại VietinBank vào thời điểm xảy ra vụ án và buộc VietinBank trả lại cho NaviBank 200 tỉ đồng.

Luật sư bảo vệ Công ty An Lộc (được xác định là nguyên đơn dân sự bị Huyền Như chiếm đoạt 170 tỉ đồng) cũng có ý kiến tương tự. Huyền Như là nhân viên của VietinBank, được bổ nhiệm chức vụ, quyền hạn, giả con dấu, chữ ký của VietinBank rút êm xuôi số tiền của khách hàng với tư cách người của VietinBank. Điều này có nghĩa VietinBank bị Huyền Như lừa gạt chiếm đoạt tiền của khách hàng. Vì vậy, VietinBank phải có trách nhiệm trả cho An Lộc 170 tỉ đồng cộng lãi.

Quan điểm của hầu hết luật sư là: VietinBank phủ nhận trách nhiệm thì người dân không thể đòi lại quyền lợi của mình. Dân nào còn dám gửi tiền vào ngân hàng nữa không? Một luật sư nói: “Ngay tại trang web của VietinBank cũng khẳng định tiền trong tài khoản của khách hàng được VietinBank quản lý, bảo mật. Ngân hàng là hầu bao giữ tiền, tội phạm muốn lấy tiền thì buộc phải tìm cách rút ruột ngân hàng”.

“Nạn nhân không hám lãi”

Phản bác lại ý VKS rằng trong vụ án này, ngoài việc Huyền Như lừa tinh vi thì còn có phần lỗi do phía nạn nhân hám lãi cao, luật sư bảo vệ Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu (bị chiếm đoạt 125 tỉ đồng) nói chưa hề được trả đồng lãi nào, kể cả lãi nhà nước lẫn lãi ngoài quy định. Luật sư này khẳng định hoàn toàn không có chuyện Toàn Cầu ham lãi suất cao mà bị Huyền Như lừa.

Theo luật sư, VKS khẳng định Huyền Như đã đưa tiền chênh lệch lãi suất cho một nhân viên của Toàn Cầu chỉ dựa vào lời khai một phía của Huyền Như và những người giúp việc cho Huyền Như là không có căn cứ. Trong gần 4.000 tỉ đồng mà Huyền Như chiếm đoạt có đến 3.000 tỉ đồng được mang đi trả nợ lãi cao nên cần thu hồi vì tiền lãi cao này chính là tiền phạm pháp. VietinBank phải trả lại cho Toàn Cầu 125 tỉ là phù hợp đạo lý của người kinh doanh ngân hàng và đúng quy định của pháp luật.

Còn luật sư bảo vệ cho VietinBank khẳng định VietinBank không bị thiệt hại và vô can đối với những vi phạm của Huyền Như. Cụ thể khi kiểm tra, thanh tra nội bộ ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước không nhận diện được và không phát hiện được vi phạm của Như là do Như dùng thủ đoạn quá tinh vi và những đối tác cũng có những sai phạm quá tinh vi không kém. “Vì vậy VietinBank không chịu trách nhiệm về những việc làm bất hợp pháp của Như và những thiệt hại của các đơn vị, cá nhân liên quan” - luật sư này nói.

HOÀNG YẾN

Bị cáo đến tòa bằng xe Mercedes

Đó là bị cáo Nguyễn Thiên Lý, bị VKS đề nghị xử phạt từ hai năm sáu tháng đến ba năm tù về tội cho vay nặng lãi.

Theo cáo trạng, bị cáo Lý cho Huyền Như vay tới hơn 1.000 tỉ đồng với lãi suất có khi lên đến 3,7%/ngày, cao hơn 10 lần mức lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ngay phần xét hỏi, bị cáo Lý đã phản đối cáo trạng. Theo Lý, từ năm 2008 bị cáo có hùn vốn với Như kinh doanh bất động sản. Sau đó bị thua lỗ nên Lý đã đề nghị Huyền Như trả lại tiền. “Hôm trước Huyền Như cho là bị cáo dọa đánh Huyền Như nếu không trả đúng hạn nợ là hoàn toàn vu cáo cho bị cáo” - bị cáo Lý nói.

Tự bào chữa, Lý nói số tiền 735 tỉ đồng quy kết thu lợi bất chính là không đúng, con số này không chính xác. Bởi đến năm 2011, giữa bị cáo và Như không giao dịch nữa. Trong khi đó Như vẫn còn nợ bị cáo và nói là chờ khách hàng trả thì Như sẽ trả lại cho bị cáo.

Trong vụ án này, bị cáo Lý bị kê biên khối tài sản lên đến 400 tỉ đồng. Trong các ngày xử, thỉnh thoảng nữ “đại gia” này đến tòa trên chiếc Mercedes s350 mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm