Trận cháy rừng vừa rồi là một trong những thảm họa khủng khiếp nhất Hy Lạp, với số người chết quá lớn, 87 người. Tại sao lại nhiều người chết đến thế?
Xem nhẹ đám cháy, không sơ tán kịp
Nói với CNN, ông Vagelis Bournos - lãnh đạo khu tự quản Rafina-Pikermi thuộc vùng Attica thừa nhận đã sai sót trong phản ứng khủng hoảng, không có lệnh sơ tán nào được đưa ra, quy mô cháy rừng đã bị xem nhẹ.
“Chúng ta đã có thể có ít nạn nhân hơn với một kế hoạch sơ tán được tổ chức tốt, tuy nhiên khi lửa bắt đầu tràn vào thị trấn không có lệnh sơ tán nào. Vả lại đám cháy đã bị xem nhẹ” – ông Bournos nói.
Nhân viên cứu hỏa vật lộn với lửa ngày 23-7. Ảnh: CNN
Ông Bourno thừa nhận chính quyền đã bỏ lỡ “thời gian vàng” để ra lệnh sơ tán. Thời điểm lửa lan đến thị trấn Mati thì “không thể sơ tán được nữa, lý ra nó được thực hiện 2 tiếng trước”.
Tuy thế ông Bourno cũng biện hộ cho quyết định không sơ tán dân ở Mati và các làng ven biển.
“Người dân sẽ không theo kế hoạch sơ tán mà sẽ ở lại nhà bảo vệ tài sản. Dĩ nhiên giờ có người chết thì có sự giận dữ. Nhưng nếu có lệnh sơ tán thì cũng những người đang giận dữ này sẽ chọn ở lại bảo vệ nhà cửa. Rồi cũng có nạn nhân, có thể ít hơn nhưng cũng có người chết” – ông Bourno nói.
Một lượng lớn thi thể được tìm thấy bị thiêu cùng với xe và ở gần bãi biển cho thấy người dân chết trong quá trình tìm đường thoát.
Rất nhiều người dân chạy ra bãi biển và nhào xuống biển tránh lửa. Ảnh: GETTY IMAGES
Chuyên gia về rừng Demetres Karavellas nhiều năm nay liên tục cảnh báo rủi ro cháy rừng ở khu vực, cho lời biện hộ của ông Bourno là “một cái cớ không thỏa đáng”.
“Người dân đã cố chạy đi, cố thoát ra” – ông Karavellas nói với CNN ngày 26-7.
Quản lý quy hoạch kém
Theo ông Bournos, gió mạnh là nguyên nhân chính, nhưng không thể bác bỏ lỗi con người gây ra số thương vong quá lớn. Đó là thiếu cảnh báo và các tồn tại dài hạn như quản lý quy hoạch đô thị kém, các cơ quan công bị ảnh hưởng từ nhiều năm đất nước phải thắt lưng buộc bụng do nợ nần.
Hình ảnh vệ tinh chụp thị trấn Mati tháng 10 năm ngoái cho thấy bao quanh các ngôi nhà là các rừng cây dễ cháy. Ảnh: CNN
Địa hình thị trấn Mati và các khu vực lân cận là một yếu tố chính khiến số thương vong quá cao. Rất nhiều ngôi nhà được xây lộn xộn và không phép, không theo quy hoạch. Nhiều tuyến đường dẫn đến bãi biển trong thị trấn – nơi trốn lửa hiệu quả nhất – bị các ngôi nhà này chặn mất.
Thêm nữa, đường sá ở Mati nhỏ, xe cộ không thể lưu thông số lượng nhiều cùng lúc. Nhiều người dân cho biết họ không thể di chuyển xe vì đường quá đông. Hàng chục người bị mắc kẹt trong xe hơi khi cố gắng lái xe vượt qua bức tường lửa. Hình ảnh cho thấy các con đường đầy xe bỏ không bị cháy với cửa mở, cho thấy nhiều người đã quyết định bỏ xe chạy bộ tìm đường thoát.
Xe cộ bị lửa thiêu rụi giữa đường. Ảnh: CNN
Phối hợp phản ứng kém
Một người dân Mati đề nghị không nêu tên nói với CNN rằng từ nhiều năm nay dân địa phương đã yêu cầu chính quyền ra kế hoạch đối phó cháy rừng nhưng chẳng thấy đâu.
“Đây là thảm họa đã được báo trước” – người dân này nói với CNN.
Ông Bourno cũng xác nhận người dân có yêu cầu như vậy, cho biết các tổ chức dập lửa tình nguyện có soạn kế hoạch đối phó nhưng chỉ cho các đám cháy quy mô nhỏ.
Có tổng cộng hơn 15 đám cháy. Ảnh: CNN
Ông Bourno cũng thừa nhận đã thiếu sự phối hợp phản ứng. Chuyên gia Karavellas cũng cho rằng đây là tồn tại mãn tính khắp Hy Lạp.
“Phối hợp luôn là chuyện khó. Chúng tôi đã thấy điều này qua trận cháy rừng năm 2007 – trận cháy rừng có số người chết cao gần nhất. Tình huống lúc đó cũng giống tình huống bây giờ: không có kế hoạch sơ tán nào và không ai coi trọng sự phối hợp phản ứng” – chuyên gia Karaellas nói.
Ngoài ra, ông Bournos cũng thừa nhận lực lượng cứu hỏa mỏng là một vấn đề lớn và đây là hậu quả của nhiều năm liền Hy Lạp phải chịu cảnh thắt lưng buộc bụng vì nợ nần.