Ngày 8-1, Thị trưởng Bangkok Sukumpan Boripat cho biết ông đang giám sát chặt chẽ diễn biến của chiến dịch đóng cửa Bangkok ngày 13-1 tới do Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân phát động.
Ông nói ông là người của đảng Dân chủ (đối lập) nhưng ông không dính dáng gì đến biểu tình chống chính phủ. Ông khẳng định nhiệm vụ của ông là giảm nhẹ hậu quả nếu có đụng độ xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình.
Ông nhấn mạnh vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là bảo đảm nhân sự khẩn cấp đầy đủ (bác sĩ, y tá, nhân viên cứu hỏa, cảnh sát giao thông) ở các khu vực biểu tình.
Ông cho biết đã chỉ đạo cho lãnh đạo các ban ngành liên quan thiết kế một kế hoạch khả thi để cung cấp các dịch vụ khẩn cấp trong suốt chiến dịch đóng cửa Bangkok. Về thông tin người biểu tình có thể cắt điện, nước ở Bangkok, ông cho biết cơ quan quản lý điện và nước chịu trách nhiệm xử lý sự cố.
Ngày 8-1, những người biểu tình tụ tập tại một khu vực biểu tình ở quận Asok (thủ đô Bangkok). Ảnh: THX
Cùng ngày, báo Bangkok Post đưa tin Sở Giáo dục TP Bangkok đã ra thông báo yêu cầu 26 quận đóng cửa 146 trường học trong ngày 13-1 vì biểu tình có thể gây nguy hiểm cho học sinh. Thiếu tướng Adul Narongsak, Phó Giám đốc cảnh sát Bangkok, cho biết trong ngày 13-1, các chốt kiểm soát sẽ được dựng gần các địa điểm biểu tình để hướng dẫn xe cộ lưu thông.
Trong ngày 8-1, Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Sihasak Phuangketkeow đã tiếp xúc với quan chức ngoại giao của đại sứ quán 63 nước ở Bangkok để thông báo tình hình chiến dịch đóng cửa Bangkok sắp tới. Ông khẳng định chính phủ sẽ tuân thủ nguyên tắc dân chủ và ôn hòa trong đối phó với biểu tình.
Các đại sứ lo ngại biểu tình có thể cản trở công việc của họ và yêu cầu chính phủ Thái Lan có biện pháp bảo đảm an toàn.
Ông Sihasak Phuangketkeow đề nghị các đại sứ quán phải gắn biểu trưng đại sứ quán trên xe khi đi lại. Ông cam kết chính phủ sẽ thắt chặt an ninh ở các đại sứ quán, đặc biệt là các đại sứ quán trong khu vực biểu tình.
Hiệp hội Nhà báo Thái Lan và Hiệp hội Phóng viên phát thanh-truyền hình Thái Lan đã gửi thư cho Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân kêu gọi không cản trở báo chí tác nghiệp trong chiến dịch đóng cửa Bangkok.
Ủy ban Nhân quyền quốc gia ra tuyên bố kêu gọi chính phủ và Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân không để bạo lực xảy ra. Tuyên bố yêu cầu Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân phải bảo đảm không có vũ khí tại các khu vực biểu tình.
Trong khi đó ngày 7-1, Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Thái Lan thông báo sẽ khởi tố 308 nghị sĩ (chủ yếu là người của đảng Pheu Thai cầm quyền) về tội hành xử sai trái vì đã thúc đẩy thông qua dự luật về cải cách cơ cấu Thượng viện. Dự luật bị tòa án hiến pháp tuyên vi hiến.
Tuy nhiên, Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia cho biết sẽ không điều tra vai trò của Thủ tướng Yingluck Shinawatra và 72 nghị sĩ khác trong vụ này vì thiếu cơ sở buộc tội.
Nhằm giúp đỡ du khách trong chiến dịch đóng cửa Bangkok, ngày 8-1, Bộ Du lịch và Thể thao thông báo Bộ sẽ lập trung tâm thông tin cung cấp thông tin hướng dẫn bằng bảy thứ tiếng về cách tránh các địa điểm biểu tình. Nhân viên tình nguyện sẽ được điều động hỗ trợ du khách. Bộ cũng chuẩn bị sẵn xe để sơ tán du khách khi khẩn cấp. |
LÊ LINH