Chiến dịch đóng cửa Bangkok: Nông dân kiện thủ tướng

Báo The Nation (Thái Lan) ngày 7-2 đưa tin tối hôm trước, hai vụ nổ lựu đạn đã xảy ra tại địa điểm biểu tình trên đường Chaeng Watthana ở Bangkok. May mắn không ai bị thương. Theo các nhân chứng, quả lựu đạn đầu tiên được ném từ cầu vượt và quả thứ hai xuất phát từ một nhà vệ sinh nữ gần đó.

Vụ nổ xảy ra chỉ vài giờ sau khi tòa án hình sự ra lệnh bắt giữ nhà sư Luang Pu (một trong những người lãnh đạo biểu tình chống chính phủ) với lý do ông cản trở cuộc bỏ phiếu sớm trong bầu cử Quốc hội vào ngày 26-1.

Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Paradorn Pattanatabut tuyên bố vụ nổ lựu đạn cho thấy chiến lược mới của các lãnh đạo biểu tình nhằm thu hút sự chú ý và kích động chính phủ dùng bạo lực. Ông ghi nhận phe biểu tình đang điều chỉnh chiến lược vì số người tham gia biểu tình ngày càng ít.

Nông dân các tỉnh biểu tình trước Bộ Thương mại đòi tiền trợ giá lúa gạo. Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Lao động kiêm Giám đốc Trung tâm Duy trì hòa bình và trật tự Chalerm Yubamrung dự báo sẽ còn nhiều vụ nổ nữa xảy ra hằng đêm tại các địa điểm biểu tình do chính những người biểu tình gây ra.

Trong khi đó, ngoài phe biểu tình chống chính phủ, Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra đang phải đương đầu với các nông dân đòi tiền trợ giá lúa gạo.

Báo Bangkok Post đưa tin các nông dân từ các tỉnh miền Tây tiếp tục tập trung về Bangkok hội quân cùng các nông dân trước đó tụ tập trước cổng Bộ Thương mại. Họ đã đệ đơn kiện bà Yingluck lên Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia. Ủy ban này đã nhận đơn và cho biết sẽ xem xét trong cuộc họp ngày 11-2.

Với chiến thuật hai mũi giáp công, ngày 7-2, hàng ngàn người biểu tình do Tổng Thư ký Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân Suthep Thaugsuban dẫn đầu đã tuần hành quanh quận Silom để gây quỹ giúp nông dân. Ông nói sẽ vận động 10 triệu baht cho nông dân.

Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra tuyên bố có một thế lực đen tối đang cản trở chương trình trợ giá lúa gạo cho nông dân.

Trên trang Facebook, bà giải thích trong khi Bộ Tài chính và Bộ Thương mại đang nỗ lực tìm giải pháp trả tiền cho nông dân thì thế lực đen tối này tìm cách cản trở hòng lật đổ chính phủ. Bà ghi nhận đây là đòn chính trị phi dân chủ.

Cùng ngày 7-2, Ủy ban Bầu cử tuyên bố sẽ kiện bất cứ ai cho rằng Ủy ban Bầu cử phải chịu trách nhiệm về vụ thanh toán trễ nải tiền trợ giá lúa gạo cho nông dân.

Ủy ban Bầu cử cũng bác bỏ thông tin cho rằng cơ quan này cấm chính phủ vay tiền và giải thích hiến pháp chỉ cấm chính phủ tạm quyền làm phát sinh nợ cho chính phủ mới.

Ủy ban Bầu cử thông báo sẽ nhóm họp với đại diện chính phủ tạm quyền và các nhà cố vấn để thảo luận biện pháp bảo đảm thành công cho các vòng bầu cử sắp tới. Ủy ban Bầu cử cũng sẽ phụ trách giải thích các vấn đề liên quan đến bầu cử cho các nhà ngoại giao nước ngoài và các tổ chức quốc tế.

Ủy ban Bầu cử đã yêu cầu Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra ban hành sắc lệnh hoàng gia về thiết lập ngày bầu cử mới cho 28 khu vực bầu cử ở bảy tỉnh chưa bỏ phiếu bầu Quốc hội hôm 2-2 cũng như 83 khu vực bầu cử chưa bỏ phiếu bầu Quốc hội hôm ngày 26-1.

DUY KHANG

Ngày 7-2, Giám đốc Cục Điều tra đặc biệt Thái Lan Tarit Pengdith thông báo Trung tâm Duy trì hòa bình và trật tự đã ra lệnh cấm 58 lãnh đạo thuộc Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân ra nước ngoài. Trong số này có 19 lãnh đạo đã bị tòa ra lệnh bắt giữ và 39 người đang chờ lệnh bắt. Cục Cư trú tuyên bố nếu ai cố rời Thái Lan thì sẽ bị bắt giữ ngay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm