Trong cuộc họp báo chính sách ngày 1-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert đã từ chối nhận câu hỏi từ các nhà báo Nga. Thái độ này đã khiến không chỉ các nhà báo Nga mà cả các nhà báo Mỹ bất ngờ, và các nhà báo Mỹ đã lên tiếng bênh vực các đồng nghiệp Nga.
Nhà báo Aleksandr Khristenko của kênh truyền hình Nga Rossya 1 TV hỏi về viễn cảnh hợp tác giữa Mỹ và Nga về không phát triển vũ khí hạt nhân sau phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin về chủ đề này trong thông điệp liên bang ngày 1-3.
Phát biểu thông điệp liên bang trước Quốc hội Nga ngày 1-3, Tổng thống Putin cho biết Nga có nhiều hệ thống vũ khí chiến lược tiên tiến mà Mỹ không đủ khả năng đối phó. Ông Putin giới thiệu một số loại vũ khí hạt nhân mới của Nga, trong đó có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) siêu thanh Sarmat thế hệ mới và một loại tên lửa hạt nhân hành trình chưa được đặt tên. Cả 2 loại tên lửa này đều có khả năng bắn được đến khắp mọi nơi trên thế giới và khó bị ngăn chặn. Trong bài phát biểu, Tổng thống Putin cũng cảnh cáo nếu bị tấn công hạt nhân Nga cũng không do dự đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.
Các đoạn video phối hợp trong bài phát biểu đưa hình ảnh một số vụ thử tên lửa và tình huống giả định đường đạn của tên lửa nhằm mô tả tầm bắn không hạn chế của các ICBM Nga. Các đoạn video không thể hiện rõ thời điểm thử tên lửa hay các mục tiêu giả định.
Tuy nhiên trả lời nhà báo Khristenko tại buổi họp báo, bà Nauert cho rằng tình huống giả định là một cuộc tấn công nhằm vào Mỹ.
“Rõ ràng đây là điều đáng quan ngại khi chính phủ các bạn, đất nước các bạn đưa ra video cho thấy chính phủ Nga tấn công Mỹ. Đó rõ ràng là một sự quan ngại với chúng tôi, và tôi không nghĩ đây là điều tích cực hay có trách nhiệm” – bà Nauert nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert từ chối nhận câu hỏi từ các nhà báo Nga trong cuộc họp báo ngày 1-3. Ảnh: THE HILL
Sau câu nói của bà Nauert, một nhà báo nữ từ kênh truyền hình Channel One của Nga chỉ ra rằng 2 tên lửa trong các đoạn video giả định thật ra được bắn đi các hướng khác nhau, và không có gì cho thấy chúng nhắm vào Mỹ.
Bà Nauert hỏi nhà báo nữ này đến từ đâu. Sau khi nghe câu trả lời, bà Nauert nói: “Bạn cũng từ truyền hình Nga! OK! Vậy thì nói vậy đủ rồi, tôi sẽ tiếp tục cuộc họp báo”.
Câu nói của bà Nauert khiến một nhà báo của kênh CNN (Mỹ) phải can thiệp: “Tôi xin lỗi, nhưng điều này có nghĩa gì? Họ không phải là quan chức của chính phủ Nga, họ chỉ hỏi một câu hỏi về Nga”.
Và bà Nauert đã trả lời lại bằng chỉ trích truyền thông Nga là một “cánh tay nối dài” của chính phủ Nga.
“Ô thật vậy à? OK! Chúng ta đều biết Russia Today (Nga) và các hãng tin, các tổ chức truyền thông khác của Nga đều được bảo trợ và chịu chỉ đạo trực tiếp từ chính phủ Nga”.
Nhà báo Matt Lee của hãng tin AP (Mỹ) nói với bà Nauert rằng “các đoạn video không thật sự cho thấy các tên lửa bắn trúng bất cứ mục tiêu gì”, và hỏi rằng liệu có phải chính phủ Mỹ đánh giá rằng mục tiêu giả định là Mỹ.
Trả lời nhà báo Lee, bà Nauert đề nghị những ai quan tâm có thể xem lại đoạn video một lần nữa: “Không nghi ngờ gì điều này. Tôi đề nghị các bạn xem lại nó. Chuyện mục tiêu của họ là gì quá rõ ràng. OK? Hãy tiếp tục cuộc họp báo”.
Nhà báo Lee trước đó đã từng bị bà Nauert cho rằng “làm việc cho Russia Today” khi trong một cuộc họp báo trước đây từng hỏi một câu hỏi tương tự trong vụ khám xét lãnh sự Nga ở Mỹ.
Theo Russia Today, đây không phải là lần đầu tiên bà Nauert tấn công truyền thông Nga. Trong cuộc họp báo tháng 12-2017, nhà báo Sameera Khan của Russia Today đã bị bà Nauert gọi là “đại diện của chính phủ Nga”. Sở dĩ thế vì nhà báo Khan đã có câu hỏi liệu Bộ Ngoại giao Mỹ có chắc công việc của Russia Today ở Mỹ sẽ không bị cản trở sau khi chi nhánh này bị Quốc hội Mỹ cấm cửa đến đưa tin.