Đó là bà Michelle Bachelet - Tổng thống Cộng hòa Chile, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga - Đặc khu trưởng Hong Kong (Trung Quốc) và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern.
Bà Michelle Bachelet - Tổng thống Chile
Bà Michelle Bachelet (sinh năm 1951), tên đầy đủ là Veronica Michelle Bachelet Jeria, Tổng thống Cộng hòa Chile, là lãnh đạo nữ lớn tuổi nhất tham dự Hội nghị tThượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 tại Đà Nẵng. Bà sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Bà Michelle Bachelet là lãnh đạo nữ lớn tuổi nhất tham dự Hội nghị APEC. Ảnh: Towleroad
Nữ Tổng thống Michelle Bachelet là một chính khách nổi tiếng. Bà là con gái của Thiếu tướng Không quân Alberto Bachelet và nhà khảo cổ học Angela Jeria. Trong các năm 2002-2004, bà là nữ bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Chile.
Tháng 12-2005, bà đắc cử tổng thống Chile, trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Cộng hòa Chile và kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2010. Tháng 3-2014, bà tái đắc cử tổng thống Chile và chính thức nhậm chức tổng thống Chile nhiệm kỳ thứ hai không liên tiếp (2014-2018). Nữ lãnh đạo này được xếp thứ 16 trong danh sách phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2017 của tạp chí Forbes.
Nữ lãnh đạo được xếp thứ 16 trong danh sách phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2017 của tạp chí Forbes. Ảnh: Telesurtv
Trong ngày 8-11, Tổng thống Michelle Bachelet đã đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, đặt vòng hoa và viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Nhà sàn Bác Hồ.
Ngày 9-11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và tổng thống Chile đã có cuộc hội đàm và họp báo chung. Tiếp đến, bà Michelle Bachelet gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trước khi rời Hà Nội đến tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC tại TP Đà Nẵng.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) - Đặc khu trưởng Hong Kong
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (sinh năm 1957) vừa được bầu làm đặc khu trưởng Hong Kong (Trung Quốc) hồi tháng 3 năm nay.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tham dự APEC lần đầu tiên sau khi chính thức nhậm chức vào tháng 7-2017. Ảnh: Thediplomat
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga quê Châu Sơn, tỉnh Triết Giang, tốt nghiệp ĐH Hong Kong và bắt đầu làm việc cho chính quyền Hong Kong vào năm 1980. Bà từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền Hong Kong, gần nhất là chức tổng thư ký chính quyền Đặc khu Hong Kong từ tháng 7-2012 đến tháng 1-2017.
Trong cuộc bầu cử trưởng đặc khu Hong Kong diễn ra ngày 26-3 vừa qua, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã chiến thắng áp đảo và trở thành nữ đặc khu trưởng đầu tiên ở Hong Kong (Trung Quốc).
Sáng nay (9-11), bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã đáp chuyến bay xuống Đà Nẵng để chuẩn bị tham dự APEC CEO Summit (9-11), hội nghị lãnh đạo các nền kinh tế APEC (11-11) và nhiều sự kiện khác trong Tuần lễ cấp cao APEC.
Bà Jacinda Ardern - Thủ tướng New Zealand
Bà Jacinda Ardern (SN 1980), tân Thủ tướng New Zealand, là lãnh đạo trẻ nhất tham dự APEC 2017, đồng thời cũng là đại diện duy nhất trong nhóm lãnh đạo tuổi dưới 39. Được biết trong chuyến đi lần này, bà Ardern xem Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là trọng tâm hàng đầu.
Bà Jacinda Ardern là lãnh đạo trẻ nhất tham dự APEC 2017. Ảnh: Newshub
Bà giữ chức chủ tịch đảng Lao động New Zealand từ ngày 1-8-2017. Trong cuộc tổng tuyển cử hồi 23-9, với sự ủng hộ của đảng New Zealand thứ Nhất và đảng Xanh, chính phủ liên minh của bà Ardern chiếm quá bán trong Quốc hội, giúp bà Ardern trở thành thủ tướng trẻ nhất của New Zealand kể từ năm 1856. Trong suốt chiến dịch tranh cử, bà tập trung hướng đến thế hệ trẻ với các chính sách về trợ cấp giáo dục, nhà ở và môi trường.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là mối quan tâm hàng đầu khi bà Jacinda Ardern đến tham dự APEC. Ảnh: Nowtolove
Bà cũng là một trong ba nữ thủ tướng trong lịch sử quốc gia này, sau Jenny Shipley và Helen Clark. Trong bảng xếp hạng những phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2017 của tạp chí Forbes, bà góp tên ở vị trí thứ 38.
Trưa 9-11, Cố vấn nhà nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Aung San Suu Kyi cũng đã đến Đà Nẵng theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Myanmar không nằm trong số 21 thành viên APEC. Theo tờ Myanmar Times, Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi sẽ chỉ tham dự hoạt động đối thoại không chính thức giữa các lãnh đạo ASEAN-APEC bên lề hội nghị thượng đỉnh. Cuối tuần này, bà Aung San Suu Kyi sẽ lên đường sang Philippines để dự Hội nghị thượng đỉnh của ASEAN và các hoạt động liên quan, diễn ra từ ngày 10 đến 14-11. |