Dân gian Việt Nam có câu “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Dù đã có nhiều cảnh báo nhưng có lẽ sau khi mắt thấy tai nghe vụ tin tặc tấn công hệ thống thông tin của hai sân bay lớn nhất Việt Nam là Tân Sơn Nhất và Nội Bài, nhiều người Việt mới có cái cảm giác sợ về an ninh mạng, an toàn thông tin.
Khó chịu và nguy hiểm
Theo luật pháp ở nhiều bang của Mỹ, mã độc được coi như một loại nhiễm độc máy tính. Nó lây nhiễm bằng vô số hình thức. Mã độc được trực tiếp đưa vào máy tính qua các thiết bị chứa dữ liệu như đĩa quang, ổ USB,… Trước đây tôi từng khốn khổ vì máy tính của mình cứ bị nhiễm virus. Cài đi cài lại Windows, thậm chí thay ổ đĩa cứng mà vẫn bị. Cuối cùng mới phát hiện chiếc đĩa CD chứa bộ driver điều khiển card đồ họa do nhà sản xuất kèm theo có chứa virus. Ngày nay, các loại ổ lưu trữ USB là nguồn lây nhiễm mã độc phổ biến nhất. Mã độc cũng lây nhiễm từ xa thông qua mạng máy tính và Internet. Hồi tháng 5-2011, Microsoft công bố rằng bình quân cứ mỗi 14 file tải về từ Internet có thể có một file bị nhiễm mã độc.
Các mạng xã hội, cụ thể như Facebook, đang trở thành phương tiện cho tin tặc phát tán mã độc, phổ biến là cung cấp những đường link tới những trang chứa mã độc. Và khi smartphone đã trở thành một phương tiện liên lạc phổ biến nhất hiện nay, bọn tội phạm tin học cũng gia tăng hoạt động trên loại thiết bị di động này. Nổi đình đám hiện nay là những ứng dụng nhái, ứng dụng giả của trò chơi Pokémon Go có chứa mã độc để kiểm soát thiết bị di động.
Bọn tội phạm tin học ngày càng siêu đẳng hơn. Chúng luôn đi trước các chuyên gia phòng chống. Càng nguy hiểm hơn khi từ năm 2015, những mã độc sử dụng kết hợp nhiều kỹ thuật khác nhau làm cho phức tạp hơn để tránh bị dò tìm hay phân tích. Trang Ars Technica cho biết các chuyên gia an ninh mạng vừa phát hiện được một nền tảng mã độc có thiết kế và cách hoạt động tiên tiến tới mức nằm ẩn trong hệ thống của mục tiêu suốt năm năm mà không hề bị phát hiện. Mã độc này được các nhà nghiên cứu ở Kaspersky Lab đặt tên là ProjectSauron và hãng Symantec gọi là Remsec.
Hacker đang rình rập thả mã độc tấn công người dùng thiết bị công nghệ từ nhiều phía.
Làm gì để sống chung với mã độc?
Điều quan trọng tối thượng mà các chuyên gia luôn khuyên là người dùng máy tính phải luôn ý thức được nguy cơ của mã độc. Tốt nhất là điều đó trở thành một quán tính để họ luôn đề phòng những nguy cơ có thể gây nhiễm mã độc. Cụ thể là cẩn trọng mỗi khi kết nối với mạng hay Internet, không mở những email đáng ngờ, không theo đường dẫn và truy cập các trang web lạ, không click chuột bừa bãi vào những nút chào mời trên trang web,… Tất nhiên là không tải về máy các file dữ liệu, phần mềm từ những vị trí không tin cậy. Không cài đặt những ứng dụng, phần mềm không được xác thực an toàn và chính hãng. Không gắn vào máy tính những thiết bị USB “bá vơ” hay của người khác.
Giải pháp tốt nhất là sử dụng các công cụ bảo vệ an toàn, an ninh thiết bị và hệ thống. Thì cũng như nhà mình phải dựng hàng rào, khóa cổng, khóa cửa vậy thôi. Đó là một mặt cấu hình lại thiết bị cho an toàn và mặt khác sử dụng các phần mềm phòng chống virus, phòng chống mã độc đang có vô số trên thị trường. Không thể dùng loại phải mua thì cũng có thể xài đỡ những công cụ miễn phí (dù sao có còn hơn không). Nếu có điều kiện, bạn nên cài đặt những công cụ an ninh hệ thống để được bảo vệ thời gian thực 24/7. Bạn cũng có thể sử dụng những công cụ phòng, chống mã độc độc lập, thường xuyên (nên thiết đặt một định kỳ như mỗi cuối tuần) chạy chúng để quét dò tìm mã độc cho thiết bị và hệ thống của mình.
Cuối cùng, chớ nên coi thường lời cảnh báo của những chuyên gia an ninh mạng, an toàn hệ thống. Hãy ngoan ngoãn làm theo chỉ lệnh của những “thầy thuốc công nghệ” đáng tin cậy.
Không phải vì nguy cơ làm nạn nhân của tội phạm công nghệ mà người ta quẳng thiết bị công nghệ và cắt đứt dây chuông mạng, những phương tiện thiết yếu của cuộc sống hiện đại và để phát triển. Chỉ cần có ý thức sử dụng tất cả sao cho an toàn tối đa cho mình và cho người khác là đã tốt lắm rồi.